Câu chuyện về Formosa gây ô nhiễm tàn phá môi trường đã được các cơ quan chức năng làm rõ. Nguyên nhân trực tiếp gây ra vụ việc nghiêm trọng này là việc xả thải có chứa các độc tố như xyanua, phenol, hydroxit... vượt quá mức cho phép ra môi trường biển.
Nguyên nhân gián tiếp là sự giám sát lỏng lẻo của các cơ quan chức năng. Doanh nghiệp nước ngoài có thể vi phạm pháp luật Việt Nam chính vì cơ quan công quyền của chúng ta chưa làm tròn nhiệm vụ của mình.
Theo tôi, còn một nguyên nhân sâu xa từ nền giáo dục vốn chưa coi trọng đúng mức vấn đề giáo dục bảo vệ môi trường của chúng ta.
Không phải đến khi xảy ra sự cố Formosa Hà Tĩnh, mà từ trước đến nay vấn đề bảo vệ môi trường ở nước ta chưa bao giờ được coi trọng đúng mức.
Điều này thể hiện rõ nhất trong giáo dục. Giáo dục bảo vệ môi trường trong nhà trường thường bị xem nhẹ. Nếu có cũng chỉ là hình thức, đối phó, không có thực chất.
Đúng là các thầy cô giáo có thể có kế hoạch tích hợp bảo vệ môi trường. Nhưng thường chỉ sử dụng vào lúc kiểm tra hồ sơ chuyên môn. Bản kế hoạch ấy, chẳng thấy ai quan tâm là nó có được thực hiện hay không.
|
|
Một nền giáo dục xem nhẹ giáo dục bảo vệ môi trường sẽ dẫn đến một quốc gia xem nhẹ bảo vệ môi trường. Một quốc gia như thế tất sẽ "thu hút" các công nghệ lạc hậu, các dự án kinh tế "sát thủ" với môi trường...
|
|
|
Còn học sinh hầu như không được giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường, nhất là đối với cấp phổ thông trung học. Cũng dễ hiểu là nhà trường còn rất nhiều việc phải lo như kiểm tra, thi cử, quản lý nề nếp của học sinh; giáo viên thì lo lắng về điểm số, về các chỉ tiêu bộ môn, về các cuộc thi giáo viên giỏi, học sinh giỏi... còn đâu thời gian, tâm trí cho việc giáo dục bảo vệ môi trường.
Học sinh thì luôn luôn bị "ám ảnh" bởi các con điểm, các kỳ thi. Bảo vệ môi trường, với các em, trở thành một thứ ý niệm mơ hồ, viển vông, không thực tế.
Biết bao thế hệ học sinh đã bước từ nhà trường ra xã hội với một hành trang trĩu nặng kiến thức nhưng gần như là con số 0 về ý thức môi trường. Những học sinh ấy khi trở thành những công dân, những viên chức, cán bộ có thể sẽ vô cảm với môi trường. Họ có thể là một nhà lập pháp nhưng chỉ góp phần tạo ra bộ luật về môi trường đầy những "lổ hổng"; có thể là một quan chức sẵn sàng ngó lơ yêu cầu về đảm bảo môi trường khi xem xét một dự án; thậm chí, có thể là một cán bộ kiểm lâm nhưng lại tiếp tay cho lâm tặc phá rừng...
Một nền giáo dục xem nhẹ giáo dục bảo vệ môi trường sẽ dẫn đến một quốc gia xem nhẹ bảo vệ môi trường. Một quốc gia như thế tất sẽ "thu hút" các công nghệ lạc hậu, các dự án kinh tế "sát thủ" với môi trường...
Ngược lại, một nền giáo dục nghiêm túc về giáo dục bảo vệ môi trường sẽ dẫn đến một quốc gia xanh, sạch. Như Singapore, chẳng hạn. Formosa sẽ rất khó nếu không muốn nói là không có "cửa" để đưa những dự án nhiều tai tiếng về môi trường vào đảo quốc sư tử.
Theo tuyên ngôn của Tổ chức UNESCO-UNEP năm 1998: “Giáo dục bảo vệ môi trường không phải là ghép thêm vào chương trình giáo dục như là một bộ phận riêng biệt hay một chủ đề nghiên cứu, mà nó là một đường hướng hội nhập vào chương trình đó. Giáo dục bảo vệ môi trường là kết quả của một sự định hướng lại và sắp xếp lại những bộ môn khác nhau và những kinh nghiệm giáo dục khác nhau (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, văn học nghệ thuật, …), nó cung cấp một nhận thức toàn diện về môi trường”
Như vậy, việc giáo dục bảo vệ môi trường cần phải được tiến hành sâu rộng ngay từ tuổi ấu thơ tới tuổi trưởng thành, từ những người làm việc sinh hoạt thường ngày trong cộng đồng tới những người làm công tác chỉ đạo, quản lý, nhà chiến lược kinh tế xã hội.
Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi: mình đã làm gì để bảo vệ môi trường? Có thể câu trả lời là khác nhau, nhưng tất cả chúng ta phải cùng chung tay hành động trước khi... quá muộn!