Những lưu ý trong ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017
Trong hướng dẫn học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2017, ông Ngô Ngọc Thư lưu ý nhà trường, giáo viên trên địa bàn cần hệ thống hóa kiến thức theo các lĩnh vực văn học (lịch sử văn học, đọc - hiểu văn bản văn học theo đặc trưng thể loại, lí luận văn học), tiếng Việt, Làm văn để giúp học sinh củng cố, khắc sâu;
Đưa ra các bài tập mang tính khái quát để hướng dẫn học sinh vận dụng kiến thức trả lời câu hỏi kiểm tra kiến thức hoặc tạo lập văn bản (đọc hiểu, nghị luận văn học, nghị luận xã hội).
Từ đó hoàn thiện kĩ năng vận dụng kiến thức của học sinh. Tránh trường hợp đưa ra bộ câu hỏi, rồi đọc chép bài làm, yêu cầu học sinh học thuộc lòng, cuối cùng là dò bài;
Hướng dẫn sử dụng tốt sách tham khảo hợp lí, giúp học sinh học tập cách tổ chức bài làm, lối diễn đạt trong sáng, cách lập luận chặt chẽ....
Ông Ngô Ngọc Thư cho biết: Đối với môn Ngữ văn, Sở GD&ĐT đã đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2016 - 2017.
Đó là: Tiếp tục triển khai đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học trên cơ sở chuẩn kiến thức kĩ năng (KTKN) của Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn THCS, THPT; đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện theo định hướng phát triển năng lực của học sinh; tạo ra sự chuyển biến tích cực, rõ nét về chất lượng và hiệu quả của bộ môn.
Tiếp tục thực hiện điều chỉnh phân phối chương trình gắn với tinh giản nội dung dạy học, triển khai dạy học các chủ đề tích hợp, dạy học phân hóa; tăng cường các hoạt động nhằm giúp học sinh vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Tăng cường chất lượng sinh hoạt tổ chuyên môn; nâng cao vai trò của giáo viên trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ chuyên môn.
Tuyệt đối không tăng tiết so với khung chương trình bộ môn
Chỉ đạo về thực hiện chương trình, ông Ngô Ngọc Thư yêu cầu các trường trên cơ sở chương trình khung của Bộ GD&ĐT, các phòng GD&ĐT, các trường chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục thông qua việc đối chiếu, rà soát nội dung giữa các chương, bài để điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tích hợp, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương, đảm bảo chuẩn KTKN của từng cấp học.
Các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, phân phối chương trình chi tiết theo khung thời gian 37 tuần thực học. Trong đó, học kỳ I 19 tuần, học kỳ II 18 tuần, phù hợp với điều kiện của địa phương và từng trường trên cơ sở đảm bảo thời gian kết thúc học kì I, kết thúc năm học thống nhất toàn tỉnh, có đủ thời lượng dành cho luyện tập, ôn tập và kiểm tra định kì. Tuyệt đối không tăng tiết so với khung chương trình bộ môn.
Cần nhận thức sâu sắc sự thay đổi mục tiêu của bộ môn
Với phương pháp giảng dạy, theo ông Ngô Ngọc Thư, giáo viên cần nhận thức sâu sắc sự thay đổi mục tiêu của bộ môn gắn liền với yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng: Trong từng giờ dạy phải tích cực hóa hoạt động học tập của HS và tích hợp kiến thức bộ môn (và liên môn, nếu có) theo cả chiều ngang và chiều dọc.
Đổi mới phương pháp dạy học cốt yếu là để nâng cao chất lượng dạy học. Đổi mới phương pháp dạy học, dạy học theo chuẩn kiến thức kĩ năng (KTKN) không có nghĩa là giúp học sinh ghi lại nguyên nội dung bài học trong Hướng dẫn thực hiện chuẩn KTKN, hoặc lên lớp chỉ chú trọng một vài phương pháp dạy học mới.
Đổi mới phương pháp dạy học, dạy học theo chuẩn KTKN phải vận dụng, kết hợp các phương pháp dạy học (kể cả phương pháp dạy học truyền thống) và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong việc hỗ trợ giờ dạy học phù hợp với đặc trưng bộ môn. Từ đó, giúp học sinh khám phá, lĩnh hội kiến thức một cách chủ động, nhằm phát huy tính tích cực học tập của học sinh.
Lưu ý rằng, CNTT cần được xem như là một phương tiện hỗ trợ đắc lực cho giờ dạy và học chứ không thể xem đó là một phương pháp dạy học mới thay thế cho mọi hoạt động của giáo viên. Tránh dạy học theo lối đọc - chép, chép - chép và chiếu - chép thuần túy dưới mọi hình thức.
Với tổ chức hoạt động nhóm, không nhất thiết tiết học nào cũng sử dụng phương pháp hoạt động nhóm. Tùy theo từng đơn vị kiến thức của bài học, giáo viên tổ chức hoạt động nhóm cho học sinh thực sự hợp lí, mang lại hiệu quả rõ rệt, tránh mang tính hình thức, chiếu lệ.
Ông Ngô Ngọc Thư cũng nhấn mạnh: Đổi mới phương pháp dạy học cần chú trọng rèn luyện cho HS kĩ năng đọc - hiểu văn bản theo đặc trưng thể loại; kĩ năng sử dụng tiếng Việt; vận dụng kiến thức văn học, tiếng Việt, Làm văn trong việc tạo lập các loại văn bản như thuyết minh, tự sự, nghị luận... theo Chương trình giáo dục phổ thông.
Tùy thuộc vào từng nội dung bài học, giáo viên lựa chọn phương pháp - biện pháp dạy học thích hợp; xây dựng hệ thống câu hỏi hợp lí phù hợp với nhiều đối tượng học sinh, nhất là đối với những bài dài, bài khó, bài nhiều kiến thức mới; chú ý tổ chức cho học sinh được trao đổi, thảo luận dưới nhiều hình thức, cân đối giữa truyền thụ kiến thức và rèn luyện kĩ năng nhằm tích cực hóa vai trò chủ thể của học sinh…