Để đẩy lùi vấn nạn bạo lực học đường cần đến vai trò của phụ huynh học sinh (Ảnh minh họa: Internet)
Tạo những cuộc trò chuyện với con
Trong thời gian 5 năm tại Việt Nam chị Carla nhận thấy một điều cha mẹ và con cái thường rất ít có những cuộc thảo luận.
Theo chị đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ bị bạo hành tại trường học.
"Gia đình chúng tôi có thói quen ăn tối cùng nhau. Trong bữa ăn con cái sẽ thảo luận với cha mẹ những vấn đề mà chúng quan tâm.
Ngoài ra trước khi đi ngủ hoặc thời gian rảnh rỗi tôi và chồng cũng thường xuyên nói chuyện với các con
Chúng có thể nói bất kể mọi chuyện từ chuyện tình cảm cho đến chuyện học tập, chuyện riêng tư.
Những buổi thảo luận và trò chuyện như thế sẽ giúp con cái của bạn cảm thấy thoải mái hơn.
Đồng thời cha mẹ cũng cần nắm bắt được các vấn đề của con để từ đó tìm những cách tháo gỡ cho phù hợp".
Quan sát một số vụ bạo hành xảy ra tại Việt Nam trong thời gian gần đây chị Carla cho rằng: Cha mẹ Việt Nam không có thói quen thảo luận và trò chuyện với con mình.
"Cá nhân tôi cho rằng những vụ bạo hành xảy ra ở trường học cha mẹ thường không nắm được tình hình.
Nguyên nhân là do con cái thường có xu hướng giấu cha mẹ. Chỉ đến khi nhà trường thông báo hoặc con bị đánh quá đau thì phụ huynh mới biết.
Nhưng trước khi trách các con, phụ huynh nên trách mình thì hơn. Tại sao con cái của họ bị bạo lực trong một thời gian dài mà họ lại không biết?
Theo tôi một phần vì cha mẹ Việt Nam không có thói quen trò chuyện hoặc thảo luận với các con.
Có thể một phần là do cuộc sống áp lực khiến họ không có thời gian hoặc trong văn hóa người Việt vị trí giữa phụ huynh và con cái vẫn có sự phân biệt rõ rệt.
Theo tôi cha mẹ cũng phải là một người bạn lớn của các con, sẵn sàng chia sẻ và trò chuyện cùng các con".
Bên cạnh đó chị Carla cũng cho rằng việc thường xuyên thảo luận và trò chuyện với con cái cũng là một cách liên kết tình cảm gia đình và giúp trẻ không còn cảm thấy cô đơn.
"Điều đáng sợ nhất là trẻ bị cô lập và cảm thấy cô đơn trong chính gia đình của mình.
Thảo luận với con cái sẽ giúp liên kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình
cũng như khiến con cái cảm thấy được khích lệ trong cuộc sống".
|
Vợ chồng chị Carla luôn tranh thủ thời gia rảnh rỗi để trò chuyện với con (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Đừng bao giờ so sánh con bạn với những đứa trẻ khác
Trong thời gian ở Việt Nam, chị Carla rất ngạc nhiên khi nhiều phụ huynh là đồng nghiệp của mình thường xuyên đưa con cái ra thảo luận trong những câu chuyện:
"Việc so sánh con cái với những đứa trẻ cùng tuổi là một gánh nặng tâm lý mà trẻ phải mang theo trong một thời gian dài.
Những đứa trẻ bị so sánh với bạn bè thường có tâm lý mặc cảm. Nếu việc này xảy ra trong một thời gian dài trẻ sẽ có xu hướng tiêu cực trong cuộc sống.
Nhiều đứa trẻ tôi biết có thiên hướng sống bất cần. Chúng cho rằng mình là những người thừa trong gia đình".
Liên hệ với vấn đề bạo lực học đường, chị Carla giải thích: Khi bạn so sánh con mình với những đứa trẻ khác tức là đang tìm cách triệt tiêu sự tự tin của trẻ.
Nếu trẻ không có sự tự tin sẽ mất đi tính phản kháng.
Sẽ có 2 xu hướng phát triển từ đấy: trẻ thu mình, sống khép kín và có xu hướng cam chịu.
Xu hướng thứ 2 là trẻ sống bất cần và có thiên hướng bạo lực. Cả 2 xu hướng này đều rất nguy hiểm.
"Chính vì thế các bậc phụ huynh không nên so sánh con mình với bất cứ ai.
Đặc biệt là so sánh trực tiếp trước mặt chúng hoặc có sự hiện diện của người ngoài.
Hãy để con mình được sống đúng với bản thân của chúng. Việc tạo ra một hình mẫu để so sánh không phải là một giải pháp để giáo dục con".
Ngoài ra chị Carla cũng cho rằng phụ huynh nên ở bên con và hỗ trợ con nếu như nhận thấy con cái đang gặp phải một số vấn đề.
"Tâm lý của con trẻ nếu chỉ cần để ý một chút là phụ huynh hoàn toàn có thể nhận thấy được những thay đổi.
Điều này không hề khó. Ngay khi bạn nhận thấy con mình đang có vấn đề ngay lập tức hãy hỏi con. Phụ huynh nên ở bên con và hỗ trợ con mình".
Tìm hiểu và phân loại nhóm bạn mà con đang chơi
Người Việt Nam có câu "gần mực thì đen, gần đèn thì rạng". Nhiều phụ huynh trong đó có chị Carla rất đồng tình với quan điểm này:
"Theo tôi không có nhiều phụ huynh biết con cái của mình đang chơi với ai, loại bạn như thế nào.
Điều này không lấy làm tốt cho lắm. Cha mẹ nên biết con cái mình chơi với ai, gia đình và hoàn cảnh của họ như thế nào.
Biết điều này không phải để phân biệt giàu nghèo mà chỉ giúp con định hướng chọn bạn mà chơi".
Lấy ví dụ từ gia đình mình chị Carla cho biết: Không chỉ hiểu rõ về bạn của con mà phụ huynh cũng cần phải có sự tương tác và giúp đỡ nhau để cùng giáo dục con trẻ.
"Gia đình tôi luôn tăng cường thắt chặt mối quan hệ giữa các phụ huynh cũng như bạn bè của con.
Chúng tôi thường xuyên tổ chức những buổi tiệc nho nhỏ tại nhà và mời bạn bè, phụ huynh đến nhà mình chơi.
Điều này sẽ tăng cường mối quan hệ cũng như giúp việc quản lý con cái trở nên đơn giản hơn.
Nhóm bạn con trai tôi chơi có 5 người thì phụ huynh cũng có 1 nhóm để thường xuyên trao đổi và giáo dục con".
Theo chị Carla nhiều gia đình Việt thường tạo ra khoảng cách với nhóm bạn của con hoặc tỏ ra khắt khe khi bạn của con đến nhà, điều này là không nên.
"Có đôi khi con cái tâm sự với bạn bè còn nhiều hơn tâm sự với bộ mẹ. Phụ huynh thường nghĩ họ đẻ con ra thì họ là người hiểu con nhất.Nhưng đôi khi bạn bè mới là người hiểu con bạn nhất.
Cho nên việc tăng cường và cải thiện mối quan hệ với bạn bè của con cũng là một cách bạn tìm hiểu con mình để biết con đang như thế nào.
Một nhóm bạn tốt, sống có trách nhiệm sẽ thay bạn quản lý và quán xuyến con bạn ở trường.
Việc tỏ ra khắt khe với bạn bè của con trong nhiều trường hợp là không cần thiết".
Tổng kết lại chị Carla cho rằng việc ngăn chặn bạo lực học đường không phải chỉ là nhiệm vụ của nhà trường, giáo viên mà phụ huynh cũng phải có trách nhiệm trong đấy.