Dạy học tác phẩm kí theo đặc trưng thể loại
Cô Trương Thị Chanh cho rằng, chú ý đến đặc trưng của thể loại vừa là một yêu cầu vừa là một nguyên tắc của quá trình phân tích và giảng dạy tác phẩm văn học. Với thể loại kí, việc tìm hiểu đặc trưng thể loại lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn. Nắm vững và bám sát vào đặc trưng của thể kí, người đọc sẽ khám phá được cái hay, cái đẹp của tác phẩm.
Phát hiện tương đồng và khác biệt: Kinh nghiệm đầu tiên được cô Trương Thị Chanh chia sẻ là cho học sinh phát hiện ra nét tương đồng và khác biệt của đối tượng được tác giả phản ánh trong 2 tác phẩm kí so với đối tượng tương tự có thật ở ngoài đời. Vì kí viết về sự thật, người thật, việc thật nên đòi hỏi phải chính xác, trung thực. Việc này là rất cần thiết.
Phát hiện, đánh giá óc quan sát, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ của nhà văn: Sức hấp dẫn của kí chính là ở khả năng tái hiện sự thật một cách sinh động của tác giả. Nếu chỉ đơn thuần là ghi chép thì tác phẩm kí hết sức khô khan không gây được ấn tượng với người đọc.
Ở đây Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường đều rất “tài hoa”, luôn nhìn cuộc sống, sự vật, con người ở phương diện, góc độ văn hóa thẩm mỹ, nên phát hiện ra nhiều vẻ đẹp của hiện thực cuộc sống. Đồng thời cả 2 nhà văn cũng rất “uyên bác”: hiểu biết sâu rộng nhiều lĩnh vực, nhiều ngành và có thể cung cấp, đóng góp, lí giải những kiến thức đó cho người khác.
Học sinh phát hiện được đặc điểm của “cái tôi” tác giả trong mỗi bài kí: Nổi bật lên trong tác phẩm kí chính là tính chủ quan, chất trữ tình sâu đậm của cái tôi tác giả. Cho nên sức hấp dẫn của kí còn phụ thuộc vào sức hấp dẫn của cái tôi ấy (thường là những cái tôi phong phú, uyên bác, tài hoa, độc đáo).
Rèn luyện phương pháp đọc hiểu cho học sinh
Hướng dẫn học sinh đọc hiểu không có nghĩa là nhằm cảm thụ một chiều cho học sinh những cảm nhận của giáo viên về văn bản được học mà hướng dẫn cung cấp cho học sinh cách đọc, cách tiếp cận, khám phá những vấn đề về nội dung và nghệ thuật của văn bản, từ đó hình thành cho học sinh năng lực tự đọc một cách tích cực, chủ động, có sắc thái cá nhân.
Theo cô Trương Thị Chanh, hoạt động đọc hiểu của học sinh cần được thực hiện theo một trình tự từ dễ đến khó, từ thấp đến cao, từ đọc đúng, đọc thông, đến đọc hiểu, từ đọc tái hiện sang đọc sáng tạo. Khi hình thành năng lực đọc hiểu của học sinh cũng chính là hình thành năng lực cảm thụ thẩm mỹ, khơi gợi liên tưởng, tưởng tượng và tư duy.
Trong quá trình đọc hiểu, cô Trương Thị Chanh lưu ý, học sinh cần thực hiện các nội dung cơ bản sau:
Huy động vốn kiến thức và kinh nghiệm của bản thân - là những hiểu biết về chủ đề hay hiểu biết về các vấn đề văn hóa xã hội có liên quan đến chủ đề, thể loại của văn bản.
Thể hiện những hiểu biết về văn bản: Tìm kiếm thông tin, đọc lướt để tìm ý chính, đọc kỹ tìm các chi tiết; giải thích, cắt nghĩa, phân loại, so sánh, phân tích, kết nối, tổng hợp…thông tin để tạo nên hiểu biết chung về văn bản; phản hồi và đánh giá thông tin trong văn bản.
Vận dụng những hiểu biết về văn bản đã đọc hiểu vào việc đọc các loại văn bản khác nhau, sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ học tập, các nhiệm vụ trong đời sống yêu cầu dùng đến hoạt động đọc hiểu.
Đọc các văn bản khác (ngoài chương trình, sách giáo khoa) có cùng đề tài/ chủ đề hoặc hình thức để thực hiện củng cố hiểu biết và rèn luyện kỹ năng đọc hiểu.
Trình bày những giải pháp để giải quyết một vấn đề cụ thể từ việc vận dụng những hiểu biết về văn bản đã đọc hiểu.
Việc đọc hiểu không chỉ rèn luyện cho học sinh đọc-hiểu văn bản mà còn rèn luyện năng lực tạo lập văn bản, đặc biệt là năng lực viết sáng tạo.
Viết sáng tạo là khả năng trình bày, thể hiện những cảm nhận, suy nghĩ của cá nhân về đối tượng, vấn đề được đặt ra… Viết sáng tạo được thể hiện ở nhiều phương diện khác nhau, với các mức độ khác nhau, vì vậy cần tạo ra được những cơ hội để học sinh thể hiện ngay trong quá trình đọc hiểu, đồng thời phát triển các năng lực khác trong học tập.
Sử dụng bản đồ tư duy
Theo cô Trương Thị Chanh, với phương pháp bản đồ tư duy, giáo viên có thể cho học sinh tổng kết lại ở phần kết thúc bài học hoặc trong quá trình giảng bài, vừa tổng kết kiến thức và vừa là để ghi nhớ bài học một cách ngắn gọn, dễ nhớ nhất.
Có một điều thú vị nữa là trong quá trình giảng dạy, thầy cô có thể thêm ngay vào bản đồ tư duy bài giảng của mình những ý tưởng hay, đột phá mà thầy cô chợt nghĩ ra hay từ sự đóng góp, phát hiện của học sinh.
Làm như vậy bài học sẽ không bị nhàm chán mà lại gây được sự hứng thú cho học sinh, học sinh sẽ không còn sợ cảm giác học môn văn dài, ghi chép mỏi tay đáng sợ nữa. Môn Văn sẽ trở nên khoa học hơn, ngắn gọn và súc tích hơn.
Không có một phương pháp dạy học toàn năng phù hợp với mọi mục tiêu và nội dung học. Mỗi phương pháp và hình thức dạy học có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Vì vậy việc phối hợp sử dụng các phương pháp dạy học cần phải linh động cho phù hợp với từng tiết học, tránh áp đặt dập khuôn.
Tuy có đổi mới nhưng mỗi thầy cô giáo hãy nhớ rằng, giờ học văn dù có khoa học đến mấy nhưng nếu không có cảm xúc, thẩm mỹ, sự đồng cảm, sự thăng hoa, tính giáo dục thì không còn là giờ Văn nữa. Tránh tình trạng chỉ đổi mới về hình thức mà chất lượng giờ học không thay đổi, thậm chí giờ dạy trở nên lúng túng, rối rắm và tẻ nhạt hơn.
Cô Trương Thị Chanh