Cô Phạm Thị Thanh Nhàn – giáo viên Trường THPT C Nghĩa Hưng (Nam Định)
Trong giảng dạy, việc tìm hiểu sâu về các chi tiết trong tác phẩm tự sự không đơn giản, nhất là việc hướng dẫn học sinh làm bài văn nghị luận về chi tiết văn học.
Học sinh thường tiếp cận văn học một cách qua loa, hời hợt, chỉ lướt qua tác phẩm để nắm được cốt truyện cơ bản và cố gắng nắm được một ít những diễn biến quan trọng trong cuộc đời của nhân vật…
Đó là nguyên nhân làm cho các bài làm văn của học sinh chung chung, mờ nhạt, thiếu điểm nhấn.
Từ thực tế này, cô Phạm Thị Thanh Nhàn chia sẻ kinh nghiệm giúp giáo viên, học sinh tìm hiểu về chi tiết và chi tiết văn học một cách hiệu quả.
Cách làm bài văn nghị luận về chi tiết, hình ảnh trong tác phẩm tự sự được cô Phạm Thị Thanh Nhàn – giáo viên Trường THPT C Nghĩa Hưng (Nam Định) chia sẻ. Kinh nghiệm dưới đây là tham khảo hữu ích cho giáo viên, học sinh trước kỳ thi THPT quốc gia.
Đặt vấn đề
Với phần này, cô Phạm Thị Thanh Nhàn yêu cầu học sinh có cách dẫn dắt phù hợp; có thể dẫn dắt từ sự thành công của tác phẩm được làm nên từ những chi tiết “đắt”, từ đó đề cập chi tiết cần bàn luận hoặc dẫn dắt từ một số ý kiến có liên quan.
Ví dụ: Theo giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh “Chi tiết tiêu biểu trong một truyện ngắn có vai trò quan trọng như nhãn tự trong một bài thơ tứ tuyệt.” hay ý kiến của nhà văn Nguyễn Minh Châu có nói đại ý rằng: Người cầm bút có biệt tài có thể chọn trong cái dòng đời xuôi chảy một khoảnh khắc với một vì sự diễn biến sơ sài…nhưng đó có khi lại là cái khoảnh khắc chứa cả một đời người, một đời nhân loại.
Giải quyết vấn đề
Bước 1: Giới thiệu khái quát về tác giả tác phẩm
Bước 2: Khái quát về chi tiết và vai trò của chi tiết trong tác phẩm văn chương (trong truyện ngắn), cụ thể:
Chi tiết văn học; vai trò của chi tiết trong tác phẩm văn học (Chi tiết nghệ thuật có tính tạo hình, chi tiết gắn liền với quan niệm nghệ thuật về con người, chi tiết có vai trò biểu lộ tư tưởng, chủ đề tác phẩm. Chi tiết đóng vai trò làm tiền đề cho sự phát triển của cốt truyện).
Bước 3: Dẫn dắt cụ thể hoàn cảnh dẫn đến chi tiết: Tất cả các chi tiết đều được xuất hiện trong hoàn cảnh cụ thể nhất là các chi tiết quan trọng thường xuất hiện trong một hoàn cảnh (tình huống đặc biệt);
Học sinh tóm tắt các sự việc phần trước đó để dẫn đến chi tiết cần bàn luận bằng một đoạn văn ngắn khoảng 7 - 10 dòng. Chú ý dẫn dắt ngắn gọn, chọn những sự việc then chốt, có liên quan chặt chẽ đến mạch vận động của tác phẩm và có ý nghĩa trực tiếp đến chi tiết bàn luận; tránh lan man.
Cụ thể: Chi tiết ấy thuộc phần nào của tác phẩm; tình huống dẫn đến chi tiết; đưa ra cụ thể hình ảnh, chi tiết cần phân tích.
Bước 4: Phân tích cụ thể nội dung, nghệ thuật để rút ra nghĩa của chi tiết
Cô Phạm Thị Thanh Nhàn nhấn mạnh: Đây là phần quan trọng nhất và thường rất khó bởi dung lượng chi tiết ít nhưng đòi hỏi học sinh phải suy luận, phân tích có chiều sâu. Học sinh phải có kiến thức và kĩ năng thật tốt.
Muốn vậy, giáo viên cần định hướng cho học sinh biết cách khai thác vấn đề, phải biết phát huy trí tưởng tượng phong phú, phát huy trường liên tưởng.
Bản chất của văn chương là sự sáng tạo nên cần có sự cảm nhận phong phú sáng tạo của học sinh song cũng cần phải bám vào mạch truyện, vào các yếu tố liên quan để hiểu về chi tiết cũng như hiểu được chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Phải gắn chi tiết ấy vào chỉnh thể của tác phẩm và phong cách của nhà văn.
Phân tích nội dung
Phải thấy rõ chi tiết ấy nói về điều gì: Cần cắt nghĩa rành rọt về chi tiết đó. Phải đặt trong từng tình huống cụ thể để hiểu sâu nội dung, ý nghĩa.
Như chi tiết “giọt nước mắt của A Phủ” phải đặt vào hoàn cảnh A Phủ là một chàng trai rất, mạnh mẽ gan bướng từng đứng lên đánh con quan không dễ gì anh khuất phục, không dễ gì A Phủ sẽ khóc nên chi tiết này có thể thấy nó đã thể hiện nỗi đau đớn, xót xa, nỗi tủi cực đến tận cùng của nhân vật.
Hay phải đặt vào hoàn cảnh xã hội để hiểu ý nghĩa của chi tiết. Cũng với chi tiết “giọt nước mắt của A Phủ”, phải thấy được hoàn cảnh của người nông dân miền núi dưới ách thống trị của địa chủ phong kiến lúc bấy giờ - luôn đè nén con người khiến họ phải chịu bao cảnh ngang trái, bất công.
Bình sâu các từ ngữ quan trọng: Trong các “chi tiết đắt”, nhà văn thường đặc tả qua một số từ ngữ then chốt để làm nổi bật tư tưởng. Có những từ ngữ gợi giá trị tạo hình như từ ngữ trong chi tiết về giọt nước mắt của bà cụ Tứ “Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt” (Vợ nhặt- Kim Lân) hay hình ảnh mười đầu ngón tay Tnú bị bốc cháy “Một ngón tay Tnu bốc cháy. hai ngón…ba ngón … Không có gì đượm bằng nhựa xà nu. Lửa bắt rất nhanh, mười ngón tay bây giờ đã trở thành mười ngọn đuốc”.
Có những từ ngữ làm nổi bật những xúc cảm như trong truyện ngắn “Đôi mắt” của Nam Cao khi nhà văn nói về thái độ của Hoàng với người nông dân “Nỗi khinh bỉ của anh phì ra cả ngoài nét mặt theo cái bĩu môi dài thườn thượt, mũi anh nhăn lại như ngửi thấy mùi xác thối”.
Chỉ khi học sinh biết chú ý vào các từ ngữ then chốt có sức gợi thì mới làm nổi bật nội dung cụ thể của chi tiết và cảm xúc của người viết.
Phân tích sâu ý nghĩa gợi ra từ chi tiết đó: Cho phép học sinh có những cảm nhận, liên tưởng phong phú nhưng vẫn phù hợp với mạch truyện và góp phần thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
Khi phân tích hình ảnh ngọn lửa trên mười đầu ngón tay của Tnu, học sinh có những cảm nhận và liên tưởng:
Ngọn lửa bốc cháy trên mười đầu ngón tay của Tnu như thể hiện nỗi đau đớn tận cùng của Tnu và cũng là nỗi đau của toàn dân tộc khi kẻ thù sang xâm lược.
Nhà văn đã miêu tả “Một ngón tay Tnu bốc cháy, hai ngón, ba ngón...”. Ngôn ngữ giàu sức tạo hình để ta hình dung ra hình ảnh những ngón tay Tnu cứ bén dẫn, bén dần lần lần một ngón, hai ngón...
Nhà văn lại nói thêm: Không có gì đượm bằng cây xà nu. Lửa bắt rất nhanh, mười ngón tay đã trở thành mười ngọn đuốc. Ngọn lửa ấy lan thật nhanh và ngay trong chốc lát mười ngón tay ấy đã bùng lên bốc cháy...
Nỗi đau như đến tận cùng. Đau đớn cực độ khi Tnu không cảm thấy lửa ở mười đầu ngón tay mà anh cảm thấy lửa cháy trong lồng ngực, cháy ở bụng, máu anh mặn chát ở đầu lưỡi, răng anh đã cắn nát môi anh rồi.
Lúc này nỗi đau ấy không chỉ ở mười đầu ngón tay nữa mà ngọn lử ấy như thiêu đốt toàn cơ thể anh, anh đang cố kìm nén nỗi đau. Đó coàn là hình ảnh tố cáo tội ác tày trời của giặc Mĩ, chúng đã tàn sát hủy diệt cuộc sống của nhân dân ta.
Chúng còn giết bà Nhan, anh Xút, anh Quyết và bao nhiêu người dân vô tội khác nữa. Chúng đã biến cây xà nu vốn thân thuộc gần gũi, vốn là bạn của mọi nhà giờ đây lại thiêu đốt nhân dân. Dưới sự tàn bạo của chúng tất cả đều trở nên đáng sợ (Liên hệ với tội ác của giặc Minh ở thế kỉ XV):
“Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ” - Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi
Ngọn lửa ngùn ngụt bốc cháy cũng là ngọn lửa của lòng căm thù trong mỗi người dân Việt Nam. Bọn thằng Dục thiêu đốt mười đầu ngón tay của Tnu là để uy hiếp tinh thần của nhân dân.
Chúng đe dọa người dân “xem hãy coi bàn tay thằng Tnu”, chúng muốn người dân Tây Nguyên nhìn vào đó mà sợ, mà không dám đấu tranh nhưng ngược lại nhìn vào đó họ không sợ hãi bọn giặc mà chỉ thấy thương cho Tnu và căm giận sục sôi với quân thù và họ sẽ đứng lên đấu tranh chống lại kẻ thù tàn ác, trả thù cho những người dân đã chịu đau thương và đã hi sinh.
Mười ngón tay đã trở thành mười ngọn đuốc. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Nguyễn Trung Thành ví ngọn lửa ấy như những ngọn đuốc bởi ngọn đuốc vốn thật gần gũi với buôn làng Tây Nguyên, nó soi sáng trong đêm tối nơi núi rừng.
Và ngọn đuốc thường có ý nghĩa nói về tinh thần đấu tranh. Lúc này mười ngọn đuốc ấy kết thành một bó đuốc rực sáng để khích lệ và cổ vũ tinh thần đấu tranh. Đặc biệt bó đuốc ấy như ánh sáng soi đường cho cả dân làng đứng lên đấu tranh (Liên hệ vơi trái tim Đan cô).
Ngọn lửa ấy cũng đã báo hiệu cuộc Đồng Khởi của người dân Tây Nguyên, họ cùng nhất loạt đứng lên đấu tranh và chiến thắng.
Phải có sự so sánh, mở rộng liên hệ với các chi tiết khác ở tác phẩm cũng như các chi tiết có liên quan ở các tác phẩm khác: Các chi tiết trong tác phẩm bao giờ cũng có mối quan hệ chặt chẽ với các chi tiết khác.
Khi tìm hiểu chi tiết, hình ảnh nào đó, ta đặt nó trong mối liên hệ với các chi tiết khác trong tác phẩm để thấy một mạch thống nhất. Hay khi liên hệ với các chi tiết trong các tác phẩm khác thì lại để thấy được sự kế thừa cũng như sự sáng tạo trong sáng tác văn chương.
Như khi phân tích về giọt nước mắt của A Phủ có thể liên hệ với giọt nước mắt của Hộ trong “Đời thừa”. Nam Cao đã miêu tả giọt nước mắt của nhân vật Hộ “Nước mắt hắn bật ra như nước một quả chanh người ta bóp mạnh”. “Hắn khóc. Hắn khóc nức nở, khóc như thể không ra tiếng khóc”. Hay nước mắt của Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên “Hắn thấy mắt mình hình như ươn ướt”.
Ở đây đều là giọt nước mắt của những người đàn ông đau khổ nhưng có hoàn cảnh và số phận khác nhau. Nếu như giọt nước mắt của Chí Phèo là sự cảm động khi được Thị Nở chăm sóc, giọt nước mắt của Hộ là ân hận khi nhận ra hành động thô bạo của mình với vợ con thì giọt nước mắt của A Phủ lại là nỗi đau đớn, tủi cực của người nông dân khi bị áp bức.
Phân tích nghệ thuật xây dựng chi tiết (gắn với nét đặc trưng trong phong cách của nhà văn):
Bút pháp miêu tả như bút pháp hiện thực (chi tiết kết thúc truyện Chí Phèo), bút pháp lãng mạn cách mạng (chi tiết kết thúc truyện “Vợ nhặt”), bút pháp của khuynh hướng sử thi (chi tiết về hình ảnh rừng xà nu cuối tác phẩm “Rừng xà nu”)
Nét đặc trưng trong ngôn ngữ: Ngôn ngữ giản dị như trong tác phẩm của Kim Lân, ngôn ngữ hào hùng tráng lệ như trong “Rừng xà nu”, ngôn ngữ đậm màu sắc triết lí như trong tác phẩm của Nam Cao..., ngôn ngữ đậm sắc thái Nam Bộ trong “Những đứa con trong gia đinh” Nguyễn Thi...
Đánh giá ý nghĩa của chi tiết đó trong hệ thống toàn bộ tác phẩm
Chi tiết quan trọng ấy làm cho mạch truyện trở nên thống nhất, tạo nên những chuyển biến trong cuộc đời của nhân vật và giữ vai trò chủ đạo làm nên ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm; thể hiện rõ phong cách của tác giả.