PGS.TS Đặng Quốc Bảo
Lời bàn của học giả Nguyễn Hiến Lê
Ông là nhà văn hóa xuất sắc của đất nước trong nửa sau của thế kỷ 20, ông có lời bàn tâm huyết: “Trong việc giáo dục trẻ em, tôi nghĩ rằng quy tắc “Tiên học lễ” của Khổng Tử cũng vẫn đúng. Phải tập cho trẻ tự chế, có những thói quen tốt, biết kính nể người trên, tuân thủ kỷ luật, lễ phép. Trong nửa thế kỷ nay, phương Tây cho trẻ em phóng túng quá và một số nhà giáo dục như Bác sĩ Benjamin – Spock đã nhận thấy như vậy có hại cho trẻ. Trẻ chưa tự chủ được, phải có một kỷ luật để theo thì chúng mới yên tâm vui vẻ. Miễn là kỷ luật đừng gắt quá mà phải phù hợp với những qui luật phát triển tinh thần của chúng…” (Sách Khổng Tử - NXB VHT.H tr.227).
Bốn tầng giáo dục Lễ cho thế hệ trẻ trong nhà trường
Giáo dục nhà trường là cầu nối giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Quy tắc giáo dục “Tiên học lễ” cho trẻ ở tuổi Mầm non và phổ thông thường được thực hiện qua bốn tầng sau và có thể mở rộng cho các lứa tuổi tiếp theo tùy thuộc vào mục tiêu giáo dục:
a) Trẻ biết tuân thủ các lễ tiết quan trọng mà nhà trường tổ chức:
Những buổi chào cờ đầu tuần, việc hát Quốc ca… sẽ thấm dần vào trẻ ý nghĩa thiêng liêng của sự kiện, tạo nên ở trẻ lòng yêu nước, lòng kính trọng các vị tiên hiền, lòng biết ơn các anh hùng liệt sỹ… Từ việc tuân thủ, trẻ có thái độ đúng đắn, có niềm tin, biết “Uống nước nhớ nguồn”. Từ tuân thủ lễ tiết nhà trường, trẻ biết quý trọng lễ tiết truyền thống của gia đình và cộng đồng.
b) Trẻ rèn luyện thói quen chấp hành nội quy của nhà trường:
Không thể học có kết quả nếu trẻ tùy hứng, tùy tiện làm việc trong giờ học và sinh hoạt tại trường.
Chấp hành nội quy của trường khiến trẻ có ý thức kỷ luật trong làm việc, lao động, học tập và do đó có thói quen chấp hành quy tắc sống của gia đình và xã hội. Đây là điều kiện để trẻ nên người, thành người.
c) Trẻ được bồi dưỡng thái độ đúng đắn trước các phong tục tập quán tốt mà nhà trường kiến tạo được:
Ngoài nội quy, nhà trường thường tuyên ngôn một hệ giá trị sống cốt lõi. Đây là “công lý” của trường quy tụ vào các lĩnh vực: Chân – Thiện – Mỹ.
Rèn luyện cho học sinh có thái độ đúng đắn biết quý trọng khao khát làm theo hệ giá trị này thúc đẩy ở họ sự nảy nở tố chất Người.
d) Trẻ có ý thức tự giác thực hiện kỷ luật tinh thần của cuộc sống:
Đây là mức cao nhất trong yêu cầu giáo dục phẩm chất Lễ cho thế hệ trẻ.
Mỗi con người có nhân cách toàn vẹn thì không chỉ biết làm điều tốt khi hướng ngoại, mà còn làm điều tốt trong hướng nội. Đó là sự biết hối hận, biết xấu hổ. Giáo dục cho trẻ biết xấu hổ, biết ngượng khi có một ý nghĩ sai, một cử chỉ sai (dù chẳng ai biết) hoặc day dứt áy náy băn khoăn khi bội tín, bất tín trong các mối quan hệ với thầy cô, cha mẹ, người thân. Điều này có tác dụng cho phẩm chất Lễ được bền vững trong phát triển nhân cách con người.
Sự giáo dục ở tầng này thời gian qua chưa được nhà trường chú ý đúng mức khiến ngày nay có một bộ phận giới trẻ không biết ngượng.
Trẻ từ bé không được rèn luyện biết xấu hổ, biết ngượng thì khi trưởng thành khó biết hành động theo “Lễ - Nghĩa – Liêm – Sỉ” một cách đồng bộ. Marx từng nói đến sự giáo dục cho một dân tộc biết xấu hổ. Theo ông “khi một dân tộc biết xấu hổ thì nó như con sư tử thu mình lại…”.
Nhân là gốc của Lễ
“Tiên học lễ” là nói một cách ngắn gọn. Cái gốc của Lễ là Nhân, hay nói một cách khác: hạt nhân của Lễ là Nhân. Khổng Tử (551-479 TCN) người nêu ra phạm trù Lễ có sự khẳng định: Người mà không có Nhân thì Lễ làm gì? Thật là nguy hiểm cho cuộc sống nếu một người có ác tâm, tà tâm lại được che dấu bởi một bề ngoài lịch sự, hào hoa, phong nhã, lễ phép.
Nhân là gốc của Lễ song Lễ cũng có tác dụng lại cho sự phát triển của Nhân. Một người nào đó sẵn có “tính người” khi có phẩm chất Lễ tích cực thì khi làm việc dù có gặp điều bất như ý cũng không “giận cá chém thớt” mà có sự điềm tĩnh tiếp tục sống hào hiệp bao dung với người xung quanh. Như vậy là điều Nhân của người này đã được phát triển.
Ảnh minh họa
Học Lễ để lập chí
Nói về phẩm chất Lễ, Khổng Tử còn có lời bàn xác đáng: Học Lễ để lập chí (vô học lễ, vô dĩ lập).
Khổng Tử nhấn mạnh: Khắc kỷ phục Lễ (Từ bỏ được các ham muốn tiêu cực của cá nhân trở về làm theo chuẩn mực của cuộc sống).
Từ thông điệp của ông, có thể nhận thức quy tắc sống trong bối cảnh hiện nay:
“Cái gì không hợp lễ thì đừng nhìn
Cái gì không hợp lễ thì đừng nghe
Cái gì không hợp lễ thì đừng nói/viết
Cái gì không hợp lễ thì đừng làm
Cái gì không hợp lễ thì đừng tin”.
Từ lời khuyên của Khổng Tử có thể coi “Lễ” là chuẩn mực tối thiểu của đạo đức mà con người cần thực hiện trong bối cảnh có cách mạng tri thức lần thứ 4.
Từ “Tiên học lễ” đến “Văn – Lễ hài hòa”
Việc giáo dục với lứa tuổi nhi đồng thiếu niên, Khổng Tử có lời bàn: “Trước hết phải dạy cho con em trong nhà hiếu thảo với cha mẹ, ra ngoài kính nhường bậc lớn tuổi, thận trọng lời nói mà thành thực, yêu khắp mọi người mà gần gũi người nhân đức, làm được như vậy mà còn dư sức thì sẽ học văn”.
Tựa vào điều khuyên trên ông cha ta đã diễn đạt một cách ngắn gọn: “Tiên học lễ, hậu học văn”.
Ngày nay lý luận dạy học đã phát triển vượt xa thời Khổng Tử. Không tách Lễ và Văn một cách rạch ròi máy móc. Mỗi nội dung học vấn trang bị cho thế hệ trẻ bao gồm cả kiến thức, thái độ, kỹ năng, hành vi.
Nếu coi kiến thức là Văn, thái độ, kỹ năng là Lễ thì có nội dung ở lứa tuổi này Lễ đi trước Văn hoặc Lễ – Văn đồng thời hoặc Văn đi trước Lễ. Tuy nhiên ở lứa tuổi khác lại phải thực hiện theo một trật tự phù hợp với trình độ phát triển tinh thần của trẻ.
Nhà giáo dục có kinh nghiệm phải “Tùy – Liệu – Lựa” trình độ của trẻ, hoàn cảnh của trẻ, tìm ra trật tự tiến hành việc giáo dục cho thích hợp, chứ không máy móc “Tiên – Hậu” một cách cứng nhắc. Cái cốt yếu là dạy trẻ nên người phù hợp với tâm sinh lý của trẻ.
Một trẻ ở tuổi mầm non được rèn luyện hành vi: “Ăn có nhai, nói có nghĩ; Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”.
Khi đi học phổ thông được bồi dưỡng nhận thức: “Ăn để mà sống chứ không sống để mà ăn”.
Rồi cả cuộc đời biết tâm niệm: “Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.
Cứ như vậy mà xã hội, đất nước có những công dân mang chất Người nhiều hơn.
Một vài sự tranh luận gần đây về chủ đề “Lễ - Văn” do không quán triệt điều này đã dẫn đến sự ngộ nhận và giải thích sai lạc tinh túy thông điệp của tiền nhân.
Cần nhấn mạnh điều mà Khổng Tử đã nêu vẫn còn nguyên giá trị cho công tác giáo dục nhi đồng, thiếu niên ở nước ta trong bối cảnh hiện nay khi mỗi ngày càng chứng kiến sự gia tăng hành vi lệch chuẩn trong cư xử của một bộ phận thế hệ trẻ.
Dân tộc Việt đều mong mỏi “Con hơn cha là nhà có phúc” song trước khi con làm toán giỏi, viết văn giỏi và bộc lộ nhiều năng khiếu khác… thì phải là người con hiếu thảo của gia đình và ứng xử khiêm cung bên ngoài xã hội.
Mở rộng ra cuộc sống xã hội cũng vậy: Đất nước cần những người lãnh đạo, quản lý tài năng làm cho kinh tế tăng trưởng song trước hết phải là người biết yêu dân, thương dân, kính trọng nhân dân. Tựa vào sách Đại học, Bác Hồ có lời dạy sâu sắc: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân”. (Đi trên con đường học rộng lớn, phải có minh đức, phải có lý tưởng phục vụ nhân dân, biết yêu dân, thương dân, kính dân).
Quy tắc “Tiên học lễ…” vẫn có tầm quan trọng trong đời sống giáo dục cho trẻ tuổi nhi đồng, thiếu niên cho dù “Thế giới có đang phẳng lại”. Nó tiếp tục đi cùng năm tháng theo sự phát triển của giáo dục dù cuộc đổi mới có thêm nhiều tuyên ngôn hiện đại. Nó có giá trị khuyến cáo không chỉ cho trẻ em mà cho cả người có trọng trách ở xã hội.
Nhi đồng, thiếu niên rồi sẽ qua tuổi vị thành niên để là người trưởng thành. Lúc này đòi hỏi về nhân cách thì Văn – Lễ phải hài hòa (Văn Lễ bân bân nhiên hậu quân tử).
Người có Văn – Lễ hài hòa không máy móc chấp hành các tín điều cổ hủ, lỗi thời song cũng không hành động lạc điệu với truyền thống lễ nghi kỷ cương tốt đẹp mà cộng đồng đã kiến tạo được.
Họ biết lập chí trên nền tảng Lễ tích cực mà họ đã tích lũy được, hành động như lời khuyên của Thiền sư Quảng Nghiệm:
“Nam nhi tự hữu xung thiên chi
Hưu hướng Nhu Lai hành xử hành”
(Làm trai có chí xông trời thẳm
Đừng nhọc lòng theo vết chân của Như Lai).
Họ coi sự lễ phép lịch sự mới là “Tiểu lễ”. Cái “Đại lễ” mà họ hành động là biết phấn đấu đẩy lùi được tham nhũng, phù hoa, xa xỉ, các lối sống để tri thức lộng hành, gạt phăng tình nghĩa.
“Lễ - Nghĩa” và “Tứ đoan”
Lễ phải dẫn đến Nghĩa, nếu không là Lễ vu vơ. Cuộc đời nể người có Lễ, nhưng chưa chắc đã phục, nhưng người có “Lễ - Nghĩa” thì bao giờ cũng được nể phục.
Mạnh Tử (372-289 TCN) có công phát triển đạo Nho khi bổ sung phạm trù Nghĩa tạo thành hệ giá trị Tứ đoan “Nhân – Nghĩa – Lễ - Trí”.
Ông có phát biểu ấn tượng sau:
“Cảm giác về lòng trắc ẩn là khởi đầu của Nhân
Cảm giác về sự biết hối hận là khởi đầu của Nghĩa
Cảm giác về sự biết tôn trọng phục tùng là khởi đầu của Lễ
Cảm giác về sự biết phân biệt phải trái là khởi đầu của Trí”
Con người phải biết tu dưỡng bốn cái khởi đầu này và gắn kết chúng lại, nếu không con người sẽ suy thoái “băng hoại”.
Ông Raja Roy Singh, nhà giáo dục nổi tiếng của Ấn Độ, nguyên Giám đốc UNESCO vùng Châu Á Thái Bình Dương trong tác phẩm “Nền giáo dục cho thế kỷ XXI” khi long trọng nhắc đến Tứ đoan đã khẩn thiết kêu gọi:
“Các nhà trường đi vào kỷ nguyên hiện đại không giáo dục cho thế hệ trẻ những điều thầy Mạnh đã nêu ra cách đây hơn 2300 năm thì các nhà trường đang đưa sự thông thái của nhân loại vào sự khủng hoảng”.
Có thể hình dung bốn nhân tố “Nhân – Nghĩa – Lễ - Trí” tạo nên tứ diện đều ABCD. Nhân nằm ở đỉnh A; Nghĩa nằm ở đỉnh B; Lễ nằm ở đỉnh C; Trí nằm ở đỉnh D.
Mỗi nhân tố trong tập hợp trên vừa là mục tiêu lại vừa là động lực cho ba nhân tố còn lại.
Giáo dục Lễ phải được đặt trên nền tảng của “Nhân”, tận dụng sự thúc đẩy hỗ trợ của “Trí” và dẫn đến “Nghĩa”.
Một con người có mục tiêu “Học để làm người” thì biết tôn trọng, phục tùng cái gì đã nhận thức được là phải, là tử tế, là hẳn hoi, luôn có lòng trắc ẩn và hổ thẹn khi có ý nghĩ lệch chuẩn, có quyết tâm hiện thực điều tử tế vào cuộc sống.
Nếu hoạt động giáo dục coi đó là cái đích phải vươn tới thì quy tắc “Tiên học lễ” không chỉ cần thiết cho nhi đồng, thiếu niên mà cho mọi người. Nó sẽ tạo nên các hiệu ứng tích cực cho sự phát triển vững bền của xã hội.
“Tiên học lễ”: Quy tắc giáo dục không bao giờ bị pha loãng bởi thời gian và quyện vào mọi không gian dù cuộc sống đang có những đổi thay vượt bậc trên các khía cạnh công nghệ, kỹ thuật.