Lập đội ngũ trợ lí thực hành trước khi dạy trên lớp
Để khắc phục điều đó, cô Lưu Thị Mai Loan - Giáo viên Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) - cho biết thường tiến hành tập cho đội ngũ trợ lí thực hành trước giờ lên lớp.
Nòng cốt của đội ngũ này là chọn mỗi nhóm 1 học sinh nhanh nhẹn, gương mẫu, lực học khá giỏi. Việc tập huấn chỉ cần tiến hành ở những buổi thực hành đầu tiên, khi trợ lí thực hành đã nắm được những kĩ năng cơ bản thì trong những bài thực hành tương tự, đội ngũ này sẽ rất nhanh chóng thành thạo các thao tác và có thể chủ động giúp đỡ nhóm của mình.
Nhờ đó, giáo viên tiết kiệm thời gian trên lớp và cũng không phải làm việc quá nhiều mà có nhiều thời gian để hướng dẫn và sửa lỗi cho học sinh.
5 bước rèn kĩ năng thực hành
Các kĩ năng tuy có thể khác nhau về cấu trúc thao tác, mục đích dạy học, có thể nằm ở riêng một bài thực hành nhưng cũng có thể được tiến hành trong một mục của bài học lí thuyết.
Qua nhiều năm giảng dạy, cô Lưu Thị Mai Loan nhận thấy việc rèn luyện kĩ năng thực hành đều cần tiến hành theo các bước sau:
Bước 1: Xác định và lựa chọn kĩ năng. Trong bài thực hành về mỗi động vật thường có nhiều kĩ năng cụ thể, cần xác định và lựa chọn kĩ năng chính để ưu tiên trong rèn luyện.
Bước 2: Giáo viên hướng dẫn các thao tác cụ thể cấu thành kĩ năng theo một logic chặt chẽ. Đây là cơ sở cho việc học sinh tự đánh giá mức độ hoàn thành kĩ năng.
Bước 3: Học sinh tự lực hoàn thành các thao tác rèn luyện kĩ năng theo các cách đã được chỉ dẫn, giáo viên đóng vai trò là người giúp đỡ.
Bước 4: Học sinh báo cáo kết quả thu được. Giáo viên và các nhóm học sinh thảo luận, bổ sung, hoàn thiện cách thực hiện.
Bước 5: Học sinh rút kinh nghiệm, tự hoàn thiện kĩ năng và ứng dụng. Nếu thất bại có thể chỉ ra nguyên nhân và cách khắc phục
Áp dụng 5 bước vào bài học cụ thể
Chia sẻ quy trình trên, cô Lưu Thị Mai Loan đồng thời đưa ví dụ khi triển khai cụ thể với bài dạy Thực hành: “Mổ và quan sát giun đất”.
Bước 1: Trong SGK Sinh học 7 nêu lên 3 yêu cầu với nhiều kĩ năng cụ thể khác nhau, điều đó hoàn toàn phù hợp, song trong dạy học, về nhận thức và thực hiện không thể coi các mục tiêu như nhau. Để nắm vững kiến thức khoa học và hình thành kĩ năng thực hành cốt lõi, giáo viên chọn 2 yêu cầu kĩ năng chính có tích chất bao quát là:
Kĩ năng mổ động vật không xương sống, học sinh biết đối với động vật không xương sống bao giờ cũng mổ mặt lưng và gỡ nội quan trong khay mổ ngập nước.
Kĩ năng quan sát, học sinh biết quan sát và chú thích đúng các hình vẽ về cấu tạo ngoài và cấu tạo trong.
Bước 2: Hướng dẫn thực hiện nội dung các phần của bài cần làm rõ mấy điểm sau:
Song song với 3 yêu cầu kĩ năng đã nêu trong SGK thì yêu cầu về kiến thức của bài này là học sinh phải nắm được cấu tạo ngoài, cấu tạo trong của giun đất.
Để thực hiện được mục tiêu trên, bài thực hành gồm hai nội dung chính là: Xử lí mẫu vật để quan sát cấu tạo ngoài; mổ giun để quan sát cấu tạo trong.
Mỗi một nội dung thực hành phải thực hiện các bước như sau: Xử lí mẫu vật bằng hơi ête hay cồn loãng. Giáo viên có thể chủ động chuẩn bị mẫu vật bằng cách mua sẵn bình giun đất ngâm trong foocmôn. Sau đó để giun lên khay mổ và quan sát.
Hướng dẫn các thao tác cụ thể: Cố định giun -> dùng kẹp kéo da, dùng kéo cắt một đường dọc chính giữa lưng về phía đuôi -> đổ nước ngập cơ thể giun, phanh thành cơ thể, tách ruột -> cắm ghim, làm tương tự về phía đầu.
Trong phần này, giáo viên nêu lên những vấn đề khó, phức tạp, những kinh nghiệm để HS giảm thiểu những khó khăn trong quá trình thực hiện. Trong bài này, cô Loan cho rằng cần chú ý cho học sinh các nội dung sau:
Đối tượng chọn để mổ tốt nhất và phù hợp nhất là loài giun khoang có kích thước lớn trong các vườn cây ăn quả, nhất là vườn chuối nơi có đất ẩm.
Kĩ thuật mổ cần chú ý mũi kéo luôn hướng lên trên để tránh chạm vào nội quan, làm thủng, gây khó khăn khi quan sát.
Khi mổ sẽ thấy giữa thành cơ thể và thành ruột có một khoảng trống chứa dịch. Đó là thể xoang, là đặc điểm tiến hóa có tự giun đất.
Bước 3: Đồng thời với sự hướng dẫn ở bước 2, bước này giáo viên hướng dẫn học sinh bằng những gợi ý lý thuyết hoặc thao tác kĩ thuật cụ thể: Kĩ thuật ghim giun luôn với góc 45 độ so với mặt khay, làm đẹp mẫu vật mổ, cách tách ruột khỏi thành cơ thể nhẹ nhàng.
Bước 4: Sau mỗi nội dung, giáo viên gọi một nhóm đặt mẫu vật lên máy chiếu và báo cáo. Các nhóm khác nhận xét và bổ sung thêm. Cuối cùng căn cứ vào kết quả của các nhóm, giáo viên bổ sung và kết luận.
Đối với nội dung quan sát cấu tạo ngoài, cần xác định: Các vòng tơ ở mỗi đốt, xác định mặt lưng và mặt bụng ở giun, tìm đai sinh dục, chú thích Hình 16.1 A, B, C SGK Sinh học 7 ( giáo viên đã chuẩn bị vào phiếu học tập cho các nhóm )
Đối với nội dung quan sát cấu tạo trong, cần xác định: Các cơ quan tiêu hóa, hạch não, chuỗi thần kinh bụng, cơ quan sinh dục, chú thích Hình 16.3 SGK Sinh học 7 (Giáo viên đã chuẩn bị vào phiếu học tập cho các nhóm).
Nếu có nhóm chưa thành công, giáo viên cần hướng dẫn học sinh phân tích những nguyên nhân và đưa ra cách khắc phục.
Bước 5: Học sinh tự rút ra kinh nghiệm trên các mặt: Vốn kiến thức qua sách vở và tích lũy trong cuộc sống để thảo luận và giải quyết vấn đề; định hướng cho kĩ năng mới; rút kinh nghiệm thực hiện, nêu và giải quyết được vấn đề, tìm được nguyên nhân và cách khắc phục.