Phụ huynh thiếu kiến thức về tâm lý học đường
Tìm hiểu nhận thức và nhu cầu của phụ huynh HS đối với hoạt động tham vấn học đường, TS Nguyễn Thị Hằng Phương (Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng) đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu ở 306 phụ huynh của HS địa bàn Đà Nẵng.
Trong đó, có 68 phụ huynh (22,2%) có con đang được hỗ trợ tâm lý - giáo dục tại các Trung tâm Hỗ trợ tâm lý - Giáo dục trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và 238 phụ huynh không có con cần trợ giúp (77,8%).
Tỉ lệ phụ huynh ở cấp mầm non là 22,6%; Tiểu học là 26,47%; THCS là 25,5%; THPT là 26,47%.
Kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ nhận thức về hoạt động hỗ trợ tâm lý học đường của phụ huynh HS ở mức thấp, còn nhiều hạn chế, nhiều phụ huynh không quan tâm về tham vấn học đường.
Thậm chí những phụ huynh HS có suy nghĩ, nhìn nhận không đúng về bạo lực học đường, rối loạn tâm lý… hay công tác tham vấn học đường cho con em mình. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho hoạt động tham vấn học đường chưa được thực hiện hiệu quả.
Theo nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Hằng Phương, kết quả nghiên cứu về vấn đề bạo hành ở trường học, có 46,7% phụ huynh cho rằng trẻ em có nguy cơ bị bạo hành; tuy nhiên, có đến 39,2% phụ huynh cũng không thấy đáng lo ngại, băn khoăn.
Có trên 50% ý kiến phụ huynh có chung ý kiến việc khi đi học, con sẽ gặp những chuyện không như mong muốn, con sẽ buồn, chán, tủi thân và có thể bị bạn bè không tôn trọng, bị giáo viên chê bai…
Khoảng hơn 47% phụ huynh cho rằng con mình sẽ gặp những vấn đề liên quan đến khó khăn trong tuổi dậy thì và gần 50% phụ huynh nghĩ rằng con mình khó khăn trong chia sẻ tâm tình với cha mẹ.
TS Nguyễn Thị Hằng Phương chia sẻ: Những số liệu này cho thấy phụ huynh có nhìn nhận về việc những nguy cơ gặp phải của con cái mình, của trẻ em nói chung khi đi học còn nhiều hạn chế.
Trong đó, có hơn 50% phụ huynh có nhìn nhận về những vấn đề HS phải đương đầu, như các vấn đề về học tập, tâm lý, các mối quan hệ, về việc có thể bị đánh giá thấp, bị trêu chọc, đặc biệt danh xấu…
“Kết quả khảo sát, nghiên cứu cũng cho thấy, phần lớn phụ huynh có nhu cầu được tư vấn kiến thức về tâm, sinh lý của từng lứa tuổi, cách tương tác với con trong sinh hoạt cuộc sống; cách hỗ trợ con khi con trong các tình hướng như: Con sợ đến trường, nôn, khóc, hoặc có khi bị bạn đánh, lấy đồ… Nhất là các kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống con không vâng lời; khi con chậm phát triển, chậm nói, tăng động, phổ tự kỷ, chống đối học đường” - TS Phương cho hay.
Nâng cao nhận thức, hiểu biết về tâm lý học đường cho phụ huynh
Cũng theo TS Nguyễn Thị Hằng Phương, hiện nay những vấn đề như: Bạo lực học đường, HS bị áp lực học tập, mối quan hệ gia đình - nhà trường - xã hội… đang trở thành mối quan tâm của phụ huynh, nhà trường, các nhà tâm lý - giáo dục và các tổ chức thuộc chính phủ, phi chính phủ, mà còn là vấn đề của cộng đồng, xã hội.
Chính vì vậy, công tác tham vấn học đường cần được nghiên cứu, thực hiện một cách nghiêm túc. Mặc dù từ trước tới nay, có rất nhiều nghiên cứu về tham vấn học đường được triển khai trên đối tượng là HS.
Tuy nhiên, nghiên cứu từ góc độ phụ huynh hiểu về hoạt động tâm lý học đường cần gì từ các hoạt động tâm lý này thì chưa có. Cho nên, để hoạt động tham vấn học đường có hiệu quả, nhất định cần có sự hợp tác thống nhất giữa các đối tượng là HS, giáo viên, nhà trường và đặc biệt là phụ huynh, gia đình HS.
Nói về ý nghĩa của công tác tâm lý học học đường, PGS.TS Lê Quang Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng, nhìn nhận:
Trong bối cảnh sống, học tập và rèn luyện của thế hệ trẻ trong xã hội hiện đại chứa đựng nhiều yếu tố bất lợi, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển nhân cách người học.
Nhu cầu được hỗ trợ về mặt tinh thần để phát triển thuận lợi nhất ngày càng trở nên cấp bách hơn đối với từng người học. Bản thân hoạt động giáo dục trong các nhà trường cũng cần được làm phong phú thêm với những hiểu biết sâu hơn về mặt tâm lý của HS để tạo điều kiện thích nghi hóa nội dung giáo dục theo các khả năng và điều kiện của người học.
Hoạt động của các nhà tâm lý trong nhà trường có tác dụng nâng cao chất lượng học tập của HS, nhất là đối với những trẻ có khó khăn về học tập.
Đồng thời, hoạt động tâm lý học học đường cũng được mở rộng sang tư vấn, vạch hướng cho hoạt động sư phạm của các thầy cô giáo và nâng cao kiến thức, nhận thức của phụ huynh thông qua việc cung cấp những thông tin về mặt tâm lý của HS để tạo điều kiện cho các nhà giáo dục thực hiện nhiệm vụ hiệu quả hơn.
TS Nguyễn Thị Hằng Phương chia sẻ: Hoạt động tham vấn học đường tại Việt Nam hiện nay đã trở thành một chủ đề quan trọng và nhận được nhiều sự ủng hộ từ HS, phụ huynh, nhà trường, các nhà tâm lý - giáo dục và các tổ chức thuộc chính phủ cũng như các tổ chức phi chính phủ bởi những vấn đề học đường cần được quan tâm: Bạo lực học đường, HS bị áp lực học tập, mối quan hệ gia đình - nhà trường - xã hội đang cần được quan tâm nghiêm túc vì những vấn đề liên quan đến HS. Hoạt động tham vấn học đường của chuyên viên tâm lý trong trường học không chỉ hỗ trợ HS, giáo viên trong trường học, mà còn hỗ trợ, giúp đỡ cả phụ huynh trong quá trình phát triển của HS.