Tọa đàm “Tiếng Anh cho bé - Mẹ đừng hiểu lầm” do Phúc Minh Books phối hợp với các chuyên gia giáo dục tổ chức, đã phần nào giúp các bậc phụ huynh giải đáp các thắc mắc liên quan đến việc phát triển ngôn ngữ cũng như làm quen với ngoại ngữ (tiếng Anh) từ sớm.
Tại tọa đàm, các chuyên gia giáo dục không chỉ đưa ra các phân tích nhìn nhận về khả năng nắm bắt ngôn ngữ của trẻ trong giai đoạn 0-6 tuổi, mà còn đề cập trực tiếp đến những sai lầm phổ biến khi cho trẻ làm quen với tiếng Anh từ sớm của phụ huynh, như ép buộc con học theo mục tiêu của bố mẹ; tách biệt hoạt động học và chơi; áp con vào phương pháp học không phù hợp…
Tập cho bé phản xạ với tiếng Anh
Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thanh Bình, giảng viên Đại học Sư phạm TP.HCM, cho biết, một trong những sai lầm phổ biến mà chúng ta mắc phải đó là vấn đề phát âm và kiểu dịch từ - từ từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng học tiếng Anh mãi từ lớp 3 đến lớp 12 mà vẫn không tự tin giao tiếp với người ngoài được.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình phân tích: Tại sao phát âm rất quan trọng? Ngay trong tiếng mẹ đẻ, bạn nghe một người nói đúng từ (có thể theo từng vùng miền) sẽ dễ hiểu hơn hay một người nói ngọng dễ hiểu hơn? Khi bạn phát âm sai, có nghĩa là trước đó bạn được nghe từ ấy sai.
Nên khi giao tiếp với người bản xứ hoặc người phát âm đúng, dễ xảy ra trường hợp là bạn không hiểu họ nói từ gì mặc dù bạn biết từ mà họ đang nói. Vì từ họ đang nói nghe hoàn toàn xa lạ với cách phát âm vốn dĩ xưa nay bạn được mặc định như vậy trong đầu từ rất lâu rồi. Với các bé thì khả năng ăn sâu vào trong trí nhớ lại càng lớn. Khi nói, nếu bạn phát âm sai thì người phát âm đúng có thể không hiểu bạn đang nói gì.
|
Các giáo viên tiếng Anh giàu kinh nghiệm chia sẻ kinh nghiệm |
Một số người vì chưa nhận thấy được tầm quan trọng của phát âm, nên chúng ta vẫn có thói quen dạy con những từ ta nghĩ ta biết. Một mặt khác, ta chỉ đơn thuần cho là bé còn nhỏ, bé biết nói vậy là được rồi. Nhưng vô tình, những kiến thức đó sẽ ăn sâu vào trí nhớ của bé. Tai hại hơn, nó sẽ trở thành thói quen khó sửa.
Mặt khác, không ít các phụ huynh hay có thói quen dạy con kiểu: “quả táo tiếng Anh là gì?” Làm như vậy thì vô tình làm bé phải suy nghĩ và phản xạ chậm vì mất thời gian để dịch rồi tìm từ ráp vào cho đúng. Để bé phản xạ nhanh hơn, chúng ta nên cầm quả táo hoặc chỉ vào hình quả táo và hỏi “What is it?” rồi chỉ cho bé trả lời Apple/ An apple/ It’s an apple…
Chị Ngô Tuyết Trang, giáo viên tiếng Anh trường mầm non Hươu Sao, cũng là phụ huynh có con trong độ tuổi 0-6, chia sẻ, để giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ và ngoại ngữ, việc quan trọng là để trẻ được tương tác. Chúng ta cần giúp trẻ làm quen với ngoại ngữ (tiếng Anh) qua hoạt động tương tác, trò chuyện với trẻ những điều trẻ thích thú. Đồng thời, để trẻ được tự do thể hiện, từ đó khơi nguồn cảm hứng và khả năng sáng tạo của trẻ…
Phụ huynh không nên nôn nóng
Hiện nay, việc cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các bậc phụ huynh. Vì nhiều suy nghĩ sai lầm mà phụ huynh đã bỏ lỡ "giai đoạn vàng" hoặc định hướng cho con cách học ngoại ngữ không đúng đắn.
Khi nói chuyện về việc cho con làm quen với tiếng Anh từ sớm, nhiều phụ huynh "nôn nóng" muốn con nhanh giỏi như các bạn sau đó ép con học hành hoặc đưa ra nhận định dựa vào niềm tin của mình chứ không phải là vào thực tế như học ngoại ngữ từ sớm sẽ ảnh hưởng đến tiếng mẹ đẻ... Chính điều này khiến việc học tiếng Anh của trẻ không hiệu quả.
Cô Thanh Bình nhấn mạnh, hãy để bé tiếp nhận thông tin một cách trực tiếp như cách mà bé học trong Tiếng mẹ đẻ. Và hãy cho bé nghe đúng ngay từ lần đầu tiên. Người học sai quá nhiều và quá lâu, dù có cố gắng sửa thì khi nói nhanh cũng khó kiểm soát được tất cả các lỗi sai vốn đã trở thành thói quen. Điều này giống như việc ta viết lên một tờ giấy trắng sẽ đẹp hơn là viết lên một tờ giấy đã từng bị tẩy đi tẩy lại nhiều lần vậy.
Tại buổi giao lưu, các diễn giả và khách mời cũng đã đưa ra các tình huống, từ đó có các hoạt động hướng dẫn bố mẹ cùng con vừa học, vừa chơi với tiếng Anh để tạo sự thích thú cho các bé như hoạt động cùng con nghe - đọc tiếng Anh theo mẫu hội thoại, bài hát, các trò chơi tương tác như tìm đường, đố tranh, nối điểm...
Như vậy, khép lại chuỗi sự kiện - tọa đàm chủ đề Kích hoạt tiềm năng tiếng Anh cho trẻ mầm non cùng sách song ngữ, tọa đàm đã góp thêm những thông tin hữu ích cho phụ huynh và giáo viên về việc cho trẻ trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh có vai trò như thế nào, phương pháp nào thì phù hợp, và những hiểu lầm mà người lớn thường mắc phải khi áp dụng phương pháp cho trẻ làm quen với tiếng Anh từ những năm đầu đời.