Những em đi học muộn thường xuyên, những em nói chuyện trong lớp, những em không thuộc bài cũ, những em bị thầy cô giáo bộ môn ghi tên vào sổ đầu bài vì vi phạm nội quy... tất tần tật những lỗi của học sinh được tôi đem vào buổi sinh hoạt lớp cuối tuần hoặc ngay trong giờ dạy để mổ xẻ!
Có hôm tôi “chỉnh” các em hết gần tiết học. Sau đấy không khí chùng xuống, lớp như thiếu đi năng lượng, tôi không còn muốn giảng bài, học sinh không còn hào hứng phát biểu. Nhìn gương mặt em nào cũng buồn xo dù bị cô phê bình hay không. Cảm giác nặng nề ấy thật đáng sợ đối với người cầm phấn.
Phê bình gắt gao là thế, nói năng chát chúa là thế mà lớp vẫn không rút được kinh nghiệm. Vẫn là những vi phạm cũ khiến tôi rất bực mình, cứ có cảm giác như các em đang chống đối lại cô giáo chủ nhiệm của mình vậy.
Thế nhưng chính kiểu phê bình “rát da, rát mặt” ấy lại khiến không ít em bị “quá liều” nên tỏ ra ngang bướng, bất hợp tác với cô giáo, thậm chí có lúc còn cãi lại.
Có một trường hợp tôi còn nhớ mãi. Đó là năm 2008 khi tôi chủ nhiệm lớp 9. Có một em nam tên H. bình thường rất ngoan, học thuộc top đầu của lớp. H. vốn rất gương mẫu, cho đến một lần em mắc lỗi do không thuộc bài cũ.
Lần đó tôi đã hết sức giận dữ khi phê bình em: “Đến em mà còn mắc lỗi không thuộc bài thì đúng là cái lớp này thành cái chợ rồi!”.
Cậu học trò không nói gì, rồi lẳng lặng đi xuống chỗ ngồi.
Tôi cho H. ngay một điểm 0 và gay gắt: “Các em làm tôi quá thất vọng. Tại sao tôi lại phải nhận chủ nhiệm cái lớp tồi tệ này cơ chứ?”.
Tiết học hôm ấy của tôi bị bỏ dở, tôi xin phép cho lớp được nghỉ sớm. Tôi trở về nhà với tâm trạng vừa buồn vừa tủi thân, vừa thấy mình có lỗi khi nặng lời với học sinh của mình. Tôi ân hận vì đã đánh giá hơi quá về lớp.
Đâu phải các em đều hư, đều vi phạm? Có lẽ cũng tại cách giáo dục thường xuyên chỉ trích, phê bình của tôi đã quá sai lầm về phương pháp.
Tôi không phân biệt được giữa ưu điểm và khuyết điểm, mà hễ có một em nào làm sai là tôi sẽ “tra tấn” cả lớp, “nhồi” vào đầu các em những lời lẽ khó nghe, thậm chí phản sư phạm.
Tiết học bị bỏ dở hôm ấy tôi nhớ mãi như một bài học trong đời cầm phấn của mình.