Dạy học Vật lý tiếp cận chương trình mới
Theo TS Cao Thị Sông Hương, đổi mới dạy học Vật lý là một quá trình gồm nhiều thành tố cấu thành bao gồm: Phương pháp dạy học; trang thiết bị dạy học (dụng cụ thí nghiệm, phương tiện nghe nhìn, công nghệ thông tin...); cơ sở hạ tầng dạy học (sĩ số HS trong một lớp học, phòng học, phòng thực hành...); phương pháp kiểm tra đánh giá trong dạy học; tổ chức, điều hành và quản lý.
Mỗi thành tố được ví như một mắt xích, nếu một mắt xích nào đó không được hoàn hảo thì sẽ ảnh hưởng đến cả quá trình. Do đó lực cản lớn nhất đối với sự đổi mới dạy học Vật lý hiện nay chính là sự thiếu đồng bộ. Chúng ta vận động giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực vào quá trình dạy học nhưng chậm thay đổi trong cách kiểm tra đánh giá, thi cử.
Đồng thời, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, cơ sở hạ tầng dạy học chưa được đẩy mạnh; công tác tổ chức, điều hành và quản lý quá trình thực hiện công việc đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên cũng chưa được làm tốt.
Trước thực trạng này, để việc dạy học Vật lý hiện nay có thể nhanh chóng tiếp cận với những đổi mới về chương trình, SGK giáo dục phổ thông từ năm 2018, tiến sĩ Cao Thị Sông Hương cho rằng: Trước hết cần tìm ra những điểm khác nhau giữa chương trình hiện hành và chương trình, SGK mới. Theo đó, so với chương trình hiện hành thì chương trình, SGK mới có những điểm khác biệt đáng chú ý sau:
Chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo quan điểm giáo dục định hướng năng lực, nghĩa là giáo dục nhằm mục tiêu phát triển năng lực của người học. Chương trình mới tích hợp mạnh ở bậc tiểu học và THCS thông qua các môn học tích hợp và các chủ đề liên môn, phân hóa sâu ở bậc THPT thông qua các môn học và các chuyên đề tự chọn. Tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo và các hoạt động giáo dục gắn với thực tiễn địa phương.
Trong đó, Vật lý được coi là một phân môn của môn học tích hợp Khoa học tự nhiên ở bậc THCS và THPT và là môn học tự chọn ở bậc THPT. Cũng như các môn học khác, dạy học Vật lý trong chương trình mới cần phải góp phần phát triển năng lực của người học, thực hiện tích hợp liên môn với các môn học khác thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, thực hiện các chuyên đề Vật lý theo hướng nâng cao và chuyên sâu, thực hiện các hoạt động trải nghiệm sáng tạo và các nội dung Vật lý gắn với thực tiễn địa phương.
Từ đó, để nhanh chóng tiếp cận với chương trình, SGK phổ thông mới, theo TS Cao Thị Sông Hương, dạy học Vật lý trong nhà trường phổ thông hiện nay cần lưu ý những nội dung sau:
Thứ nhất: Đẩy mạnh việc vận dụng các phương pháp dạy học tích cực theo định hướng phát triển năng lực, phù hợp với nhu cầu, hứng thú và phong cách học tập của người học (như dạy học theo góc, dạy học theo dự án, dạy học theo chủ đề...). Đặc biệt là các phương pháp dạy học đặc thù trong dạy học Vật lý như phương pháp thực nghiệm, phương pháp bàn tay nặn bột nhằm hình thành và bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học và năng lực sáng tạo của HS.
Thứ 2: Tăng cường việc sử dụng các thiết bị, dụng cụ thí nghiệm vật lý như là một công cụ đắc lực giúp HS thực hiện các hoạt động nghiên cứu, tìm tòi xây dựng kiến thức. Qua đó phát triển năng lực tìm tòi, nghiên cứu khoa học của HS.
Thứ 3: Tổ chức cho HS vận dụng các kiến thức Vật lý giải quyết các vấn đề phức hợp, liên môn, gắn với thực tiễn thông qua các tiết học tự chọn, hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa, dạy học dự án... làm tiền đề cho việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong chương trình mới.
Thứ 4: Liên hệ kiến thức bài học với các vấn đề gắn với thực tế cuộc sống của HS và thực tiễn lao động, sản xuất ở địa phương tạo cơ sở cho việc đề xuất xây dựng các nội dung giáo dục địa phương đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.
Thứ 5: Mở rộng kiến thức bài học sang các lĩnh vực liên quan ở các môn học gần gũi khác như hóa học, sinh học. Ví dụ như khi dạy kiến thức về “Sự bay hơi” giáo viên có thể liên hệ đến hiện tượng thoát hơi nước ở lá cây.
Thứ 6: Thực hiện dạy học phân hóa ở cấp độ vi mô (phân hóa trong) thông qua việc áp dụng các kỹ thuật và phương pháp dạy học phù hợp trình độ, khả năng, phong cách học tập, nhu cầu và hứng thú của từng đối tượng HS.
Thứ 7: Thực hiện đánh giá theo hướng phát triển năng lực của HS (đánh giá năng lực đề xuất dự đoán, năng lực thiết kế thí nghiệm kiểm tra dự đoán, năng lực tiến hành thí nghiệm, năng lực xử lý kết quả thí nghiệm và rút ra kết luận từ thí nghiệm...), phối hợp đánh giá quá trình và đánh giá kết quả, đánh giá của giáo viên và tự đánh giá của HS.
7 yếu tố giúp dạy học tích hợp, phân hóa Vật lý hiệu quả
Chương trình giáo dục phổ thông mới được thiết kế theo hướng tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên. Trả lời câu hỏi, với môn Vật lý, làm thể nào để có thể triển khai dạy học tích hợp và phân hóa một cách hiệu quả, TS Cao Thị Sông Hương khẳng định: Trước hết chúng ta phải có một nội dung chương trình tốt. Nghĩa là các môn học tích hợp phải thể hiện được mối liên hệ hữu cơ giữa các nội dung và lĩnh vực tích hợp, tránh việc tích hợp theo kiểu gán ghép, chỉ đơn giản là việc đặt các môn học cạnh nhau. Các môn học và các chuyên đề phân hóa cần phải vừa thể hiện tính kế thừa, vừa mang tính định hướng ngành nghề, chuyên sâu đồng thời phải phù hợp với lứa tuổi HS.
Thứ hai là kèm theo nội dung chương trình cần phải có sự định hướng tổ chức các hoạt động thực hiện chương trình một cách rõ ràng, rành mạch từ khâu tổ chức dạy học đến khâu kiểm tra đánh giá.
Thứ ba: Cần phải tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên kiến thức về phương pháp dạy học tích hợp và dạy học phân hóa, đồng thời bồi dưỡng cho giáo viên Vật lý (hoặc cung cấp tài liệu để họ tự bồi dưỡng) các kiến thức đại cương về lĩnh vực hóa học và sinh học để họ có thể giảng dạy các chủ đề tích hợp trong chương trình, SGK mới.
Thứ tư: Các tổ chuyên môn tiếp tục triển khai xây dựng các chuyên đề Vật lý chuyên sâu, nâng cao dùng cho việc ôn tập phổ thông quốc gia, bồi dưỡng HS giỏi, làm tiền đề cho việc thực hiện các chuyên đề tự chọn theo định hướng phân hóa ở THPT.
Thứ năm: Cần phải trang bị kịp thời và đồng bộ các trang thiết bị dạy học, cơ sở hạ tầng dạy học phục vụ quá trình dạy học tích hợp và dạy học phân hóa.
Thứ sáu: Cần phải có cách thức để đo lường được năng lực của người học bởi dạy học tích hợp và dạy học phân hóa là nhắm đến sự phát triển năng lực của người học.
“Cuối cùng, dạy học các kiến thức Vật lý cần phỏng theo con đường tìm tòi, khám phá trong nghiên cứu khoa học, giúp HS hình thành năng lực nghiên cứu khoa học và niềm say mê khoa học. Từ đó định hướng ngành nghề và phân hóa, phân luồng HS một cách sâu sắc hơn” - Tiến sĩ Cao Thị Sông Hương nhấn mạnh.