43% lao động được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về du lịch
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, với tốc độ tăng trưởng 7%/năm trong giai đoạn 2016-2020, nhu cầu nhân lực làm việc trực tiếp trong ngành du lịch cần đến 870.000 người. Ngành này được đánh giá có nhu cầu nhân sự cao gấp 2-3 lần so với ngành trọng điểm khác (giáo dục, y tế, tài chính…).
Cũng theo số liệu từ Viện nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), mỗi năm ngành này cần 40.000 lao động nhưng số sinh viên tốt nghiệp ở các cơ sở đào tạo nghiệp vụ du lịch ra trường chỉ khoảng 15.000 người (trong đó hơn 12% trình độ ĐH, CĐ). Riêng TP.HCM, theo số liệu từ Sở Du lịch TP.HCM, dự kiến từ nay đến năm 2020 mỗi năm thành phố cần khoảng 21.600 lao động khối ngành dịch vụ.
Trong bài tham luận của mình, GS-TS Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội đào tạo du lịch VN, nhận địnhcơ cấu theo trình độ đào tạo của nhân lực ngành du lịch nước ta đang mất cân đối. Cụ thể, chỉ có 43% lao động được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về du lịch. Trong đó, lao động trực tiếp của ngành du lịch đạt trình độ ĐH và trên ĐH chiếm 9,7%; sơ cấp đến CĐ chiếm 51% và có đến gần 40% trình độ dưới sơ cấp. Nhân lực phục vụ chiếm tỷ lệ lớn trong nhân lực trực tiếp nhưng trình độ đào tạo thấp, hiểu biết về văn hóa, xã hội và văn minh giao tiếp hạn chế.
“Nhiều cơ sở đào tạo chay”
Cũng trong bài tham luận, ông Đoàn Mạnh Cương, Vụ Đào tạo (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhận định, hệ thống trường lớp mở ồ ạt trong khi sự chuẩn bị về nguồn lực con người, chương trình, phương pháp giảng dạy và cơ sở vật chất sơ sài, tùy tiện ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Nhiều cơ sở đào tạo vẫn dạy “chay”, lực lượng giảng viên cơ hữu quá mỏng, chương trình chắp vá ít hàm lượng thực tế. Đặc biệt, sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo thực hành còn yếu dẫn tới chất lượng đào tạo hạn chế. Đáng nói, trình độ ngoại ngữ của nguồn nhân lực này được đánh giá là rất hạn chế với quá trình hội nhập của du lịch VN khi mà chỉ có khoảng 60% có khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ.
Trong khi đó, theo tiến sĩ Nguyễn Quyết Thắng, Trưởng khoa Quản trị du lịch-nhà hàng-khách sạn Trường ĐH Công nghệ TP.HCM thì nhiều giảng viên và cán bộ quản lý trong lĩnh vực này hiện đang không làm việc đúng chuyên ngành. Theo một khảo sát vào năm 2013 tại 3 trường ĐH, 2 trường CĐ và 2 trường trung cấp thì có trên 60% giảng viên đang tham gia giảng dạy về du lịch tốt nghiệp từ các ngành khác thuộc khối kinh tế và khoa học xã hội nhân văn (dù có kinh nghiệm làm việc du lịch). Rất ít giảng viên có bằng ĐH chính quy và thạc sĩ thuộc lĩnh vực này. Ngoài ra, nhiều giảng viên còn hạn chế về trình độ ngoại ngữ, phương pháp sư phạm và ít quan tâm đến giảng dạy kỹ năng.
Thực tế theo kết quả khảo sát 100 sinh viên khoa Du lịch Trường ĐH Khánh Hòa vào tháng 11 vừa qua về đánh giá những khó khăn của sinh viên trong việc lĩnh hội kỹ năng mềm, có 28% sinh viên cho rằng không có giảng viên và chương trình đào tạo phù hợp, 34% không có môi trường để rèn luyện. Như vậy, khó khăn của sinh viên chủ yếu tập trung vào nhà trường trường không có giảng viên đủ chuẩn, chương trình đào tạo chưa tập trung nâng cao kỹ năng mềm cho sinh viên.
Sự chuyên nghiệp là thách thức lớn nhất
Thạc sĩ Nguyễn Thị An, khoa Du lịch Trường ĐH Khánh Hòa thì nhìn nhận, trong bối cảnh hội nhập cơ hội làm việc ở nước ngoài càng cao thì sự cạnh tranh trong nước lại càng khốc liệt hơn vì sẽ có nhiều lao động nước khác đến làm việc tại VN. Khi các hiệp định quốc tế có liệu lực thì những lao động thiếu năng lực của VN có nguy cơ bị mất việc. Trong khi đó, điều đáng nói là các trường đào tạo nhân lực du lịch trong nước hiện vẫn loay hoay không biết nên đào tạo theo hướng nào bởi hiện có 3 tiêu chuẩn về trình độ nghề. Trong khi đó, các nước láng giềng (Thái Lan, Singapore hoặc Malaysia) đã xây dựng một hệ thống bậc đào tạo tương đồng. Do đó, một người tốt nghiệp ở trình độ đào tạo nào đó ở nước này hoàn toàn tương đương với trình độ tham chiếu nước khác. Còn ở VN, bậc học và chương trình đào tạo nghề khác xa so với khu vực và thế giới. Từ đó thạc sĩ An cho rằng, nếu VN không có tiêu chuẩn kỹ năng chung, đồng bộ với các nước thì sinh viên ra trường sẽ khó cạnh tranh với sinh viên các nước.
Thạc sĩ Nguyễn Thị An nhấn mạnh: “Thách thức lớn nhất của ngành du lịch VN là sự chuyên nghiệp của đội ngũ bao gồm: tác phong, thái độ phục vụ, kỹ năng nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm cộng đồng. Nếu không ý thức được điều này, người lao động du lịch VN sẽ thua ngay trên sân nhà bởi chúng ta khó cạnh tranh về trình độ tay nghề, chuyên môn với nhiều quốc gia khác. Để vượt qua thách thức này, điều then chốt là cần đào tạo nhân lực có chất lượng cao cả về kỹ năng nghề và ý thức lao động”.