Khi bố mẹ chọn trường cho con
Nhiều gia đình, việc con học trường gì, sau này làm nghề gì đều do cha mẹ quyết định, dù con tự nguyện nghe theo hay bị can thiệp, ép buộc.
Điều hay của việc cha mẹ chọn trường cho con là cha mẹ có vốn sống nhiều, có sự trải nghiệm thực tế, nhìn cuộc sống toàn diện, sát thực hơn. Đa số cha mẹ chọn trường cho con dựa vào kinh nghiệm, hiểu biết và môi trường làm việc của bản thân. Bố là kỹ sư công nghệ thông tin, yêu nghề đó, muốn con mình cũng theo nghề. Mẹ làm nghề kế toán ở ngân hàng, khuyên cậu con trai học kế toán để sau này mẹ có thể tranh thủ các mối quan hệ ở nơi làm việc của mình để xin việc cho con. Bố mẹ đều là nhà giáo, thấy nghề mình vất vả mà thu nhập không cao, hướng con đi học những nghề có chữ ngoại như ngoại thương, ngoại ngữ, ngoại giao, hy vọng cuộc đời con không vất vả như bố mẹ. Gia đình khó khăn về kinh tế, muốn con học trường quân sự, công an, không phải đóng học phí cao, sau này lại được sắp xếp công việc.
Tuy nhiên, khi cha mẹ chọn nghề cho con cũng có nhiều điều bất cập. Trước tiên, cha mẹ dựa vào sự đánh giá chủ quan của mình về con cái. Cha mẹ cũng thường “chưa học đã lo ngày ra trường”, chỉ nghĩ đến việc sau này xin việc ở đâu, làm gì có mối quen biết nào trong ngành ấy, nghề nọ mà xin việc cho con, nhưng cha mẹ chưa thật sự nghĩ xa hơn. Có những nghề, bây giờ đang là “nghề hot”, nhưng 5 năm nữa, nó sẽ bão hòa về nhu cầu. Ngược lại, có nghề bây giờ còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tương lai sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, nhất là khi Việt Nam tham gia vào hiệp định TPP hay toàn cầu hóa. Đặc biệt, cha mẹ còn mang nhiều định kiến về nghề nghiệp. Chẳng hạn, con trai không nên học các nghề ca hát, mỹ thuật, sư phạm, thiết kế thời trang, dịch vụ nhà hàng, hướng dẫn viên du lịch, mà phải học những ngành “rất đàn ông” như kỹ sư cầu đường, hải quân, xây dựng, bách khoa, quản trị doanh nghiệp…
Điểm yếu nhất của việc cha mẹ chọn nghề cho con là sự phớt lờ ý kiến của con mình. Con thích nghề gì, có sở trường trong lĩnh vực nào, sức học của con ra sao, con đã có những thông tin gì về ngành đó, nghề đó, có dự định gì cho tương lai… là những điều cha mẹ ít quan tâm. Việc này dẫn đến nhiều hệ lụy, mà trước tiên là sự ỉ lại, thụ động, lười nhác của con cái. Không ít em sau này thi không đỗ, học chán, khó xin việc, đi làm không vừa ý… quay ra trách cứ bố mẹ. Có em học xong trường bố mẹ chọn cho, ra trường không xin được việc, đi học tiếp văn bằng hai theo ý mình, vừa tốn thời gian, công sức, tiền bạc của gia đình, bỏ lỡ cơ hội có công ăn việc làm và nghề nghiệp vừa lòng, đẹp ý.
Cha mẹ chỉ đồng hành mà không làm thay con
Chọn nghề là việc làm quan trọng trong cuộc đời mỗi con người, bởi không dễ gì thay “đổi nghề như thay áo”. Không có điều kiện đổi nghề khác, mà phải hậm hực làm công việc mình không thích, không yêu, thì khó có thể nói đến nhiệt tình, năng suất, thành đạt.
Khi quyết định chọn nghề A hay ngành B, ít nhất phải quan tâm tới các vấn đề như có thông tin đầy đủ về nghề đó, nghề đó là làm những công việc gì, ở môi trường làm việc thế nào, thu nhập ra sao trong mặt bằng chung của xã hội, cơ hội được học tập, đào tạo thế nào, nhu cầu của xã hội về nghề đó hiện nay và tương lai 5 – 7 năm nữa. Thứ hai, đừng quên kiểm lại vốn liếng của mình xem có đáp ứng với công việc, ngành nghề đó không. Vốn liếng cá nhân bao gồm sở thích, tính cách, sở trường (điểm mạnh), giá trị sống của bản thân và học lực. Thích mà không có năng lực hay không đủ năng lực, trình độ do nghề đòi hỏi thì cũng không nên chọn. Dù khao khát muốn làm ca sĩ, nhưng hình thức hạn chế, không có năng khiếu, chẳng đủ kiên trì, tính tình nhút nhát, khả năng giao tiếp hạn chế, thì cũng không nên chọn nghề này, dù bạn có hay hát karaoke. Học giỏi Toán, nhưng tính tình hướng ngoại, ngại ngồi lâu một chỗ, thích giao tiếp chỗ đông người hơn là làm việc độc lập, làm gì cũng “đại khái” rất ngại các công việc cần chi tiết, chính xác, tỉ mỉ thì đừng làm nghề kế toán, thủ quỹ.
Từ nhỏ, trẻ em nước ngoài đã được dạy tính độc lập rất lớn, cha mẹ các em cũng khuyến khích các em tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình thì việc chọn nghề cứ theo lô gic nói trên mà thực hiện. Nhưng người Việt Nam vốn có thói quen “hết lòng vì con”, suy nghĩ thay, làm hộ, quyết định giúp đã trở thành quen thuộc, nên con cái chúng ta chưa thật sự tự tin, vững vàng khi chọn trường để học, chọn nghề để làm. Chính vì thế, cha mẹ chưa thể “buông tay” được, song cũng cần thực hiện phương châm “đồng hành mà không làm thay”.
Đồng hành là thực hiện các bước như lắng nghe và tôn trọng, cung cấp thông tin và tư vấn, trao quyền và tin tưởng.
Trò chuyện với con, thăm dò ý tứ, hỏi han con xem con muốn làm gì, muốn học trường gì, tại sao lại có ý thích đó, con đã suy nghĩ chín chắn chưa, có thông tin hay nghe theo ai tư vấn, a dua theo bạn bè. Đặt những câu hỏi gợi mở, phản biện để con nhìn thấy vấn đề sáng hơn. Chẳng hạn, con nói muốn học để trở thành nhà báo, hãy hỏi con xem tại sao. Có khi con có ý thích ấy chỉ vì nhìn thấy mấy anh, chị MC trên truyền hình, lúc nào cũng tươi cười, ăn mặc đẹp, được đi đây đi đó. Hãy cho con biết rằng cái danh “nhà báo” không chỉ làm có thế, họ còn phải làm những công việc gì, họ còn bị bao áp lực ra sao. Nếu con thiếu hiểu biết, cha mẹ cung cấp thêm thông tin, con thấu hiểu rồi mà vẫn quyết tâm, hãy tôn trọng ý kiến ấy và nhắc con “cứ suy nghĩ kỹ, có thể thay đổi khi chưa quá muộn”.
Mỗi con người đều có “giá trị sống” khác nhau. Có người thích lương cao, thu nhập nhiều, có người đề cao việc được khẳng định bản thân, được dấn thân vào lĩnh vực còn nhiều mới mẻ, thử thách. Lại có người lấy chữ ổn định, an nhàn làm trọng. Vậy khi đồng hành cùng con, cha mẹ đừng chỉ nghĩ đến tiền. Khi con nói con muốn thi trường A, làm nghề B, chớ làm mất đi sự trong sáng trong suy nghĩ của con bằng những câu nói như “dội nước lạnh” vào người như: “Dở hơi à? Làm nghề đó thì nghèo kiết xác con ơi!”…
Thương con, yêu con, cha mẹ hãy ở bên con, cùng con chọn nghề. Tuy nhiên, đừng chỉ nghĩ đến tiền, hãy nghĩ đến niềm vui và hạnh phúc khi được làm nghề mình yêu thích. Đừng chỉ nghĩ cho hôm nay mà hãy nghĩ đến tương lai. Đừng nghĩ đến cơ hội gần, hãy nghĩ đến những cơ hội xa hơn. Con bạn có thể học ở Hà Nội, ra trường làm việc cho công ty của Singapore liên doanh với Hàn Quốc, đặt văn phòng ở Thái Lan và Philipine. Đó là xu hướng toàn cầu hóa, giáo dục đào tạo cũng hướng dần tới đào tạo công dân toàn cầu…