Cần thấu hiểu con cái
Môi trường những đứa trẻ được gắn bó lâu dài nhất chính là gia đình, trong giai đoạn hình thành nhân cách của mỗi đứa trẻ, sự tác động của cha mẹ sẽ quyết định phần nhiều đến suy nghĩ của chúng khi trưởng thành. Bởi vậy cách sống của cha mẹ và nề nếp gia đình sẽ ảnh hưởng tới những mong muốn và định hướng của các con sau này.
Là một người mẹ khá thành công trong việc nuôi dạy con, chị Mỹ Hạnh công tác ở một công ty về phần mềm máy tính tại Hà Nội đã chia sẻ: Con trai chị năm nay đã bước sang năm thứ 3 của một trường đại học kỹ thuật tại Đức và cháu là một trong số những sinh viên được nhận học bổng khá cao của Chính phủ.
Ngay từ nhỏ, khi quan sát con chị đã thấy cháu rất thích các trò chơi lắp ráp mô hình. Vì vậy mỗi dịp cháu được khen, chị thường tặng cháu những bộ Lego làm phần thưởng. Ngoài việc động viên con học tập tốt các môn khoa học tự nhiên, gia đình chị còn đăng ký cho cháu học ngoại ngữ từ sớm và các lớp về kỹ năng sống.
Trong kỳ thi tuyển vào THPT, chị đã tư vấn cho con đăng ký vào một trường có dạy ngoại ngữ bằng tiếng Đức. Nhờ có năng khiếu học ngoại ngữ từ nhỏ nên cháu đã phát triển vốn tiếng Đức rất tốt. Sau 3 năm học phổ thông trung học, cháu đã hoàn thiện hồ sơ du học và được hai trường ĐH từ Đức nhận với học bổng từ 80% trở lên.
Cũng theo chị Hạnh, trong cuộc sống hàng ngày chị không tạo ra áp lực học tập cho con mà luôn động viên, kích thích con cố gắng để từng bước tiếp cận tới ước mơ của mình. Đặc biệt việc hướng con tự lập, biết hoạch định kế hoạch cho riêng mình chính là những điều kiện cần thiết để con có thể học tập và sinh hoạt ở môi trường quốc tế năng động.
Rõ ràng thay vì đợi con khôn lớn mới trang bị các kỹ năng hòa nhập trong môi trường tập thể, mà ngay từ nhỏ, cha mẹ nên cho trẻ tiếp xúc thật nhiều với môi trường bên ngoài. Chính sự trải nghiệm thực tế sẽ giúp trẻ tự nhận thức và sớm phát triển các kỹ năng trong đó bao gồm cả các kỹ năng mềm trong ứng xử giao tiếp.
Nghề nghiệp phải phù hợp với khả năng
Nhiều cha mẹ thường ảo tưởng về năng lực của con cái, thậm chí áp đặt mơ ước mà mình chưa thực hiện cho con. Điều này không chỉ tạo áp lực cho con mà còn khiến trẻ bị thui chột tài năng của chính mình, mất phương hướng trong việc định hướng tương lai.
Các chuyên gia tư vấn cũng đã đưa ra những lời khuyên đó là: Cha mẹ cần biết được khả năng thật sự của con để định hướng cho con một nghề nghiệp phù hợp. Nếu quá ảo tưởng vào khả năng của con bạn sẽ thất vọng khi con không đạt được những thành tích như bạn kỳ vọng. Hãy chấp nhận con chính là con.
Chia sẻ về vấn đề chọn ngành, theo Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Trường Đại học Sư phạm TP HCM): Cha mẹ nên cùng con tham gia các buổi hướng nghiệp, để tìm hiểu và đưa ra tư vấn chính xác, thuyết phục nhất. Thực tế, nhiều bậc phụ huynh vẫn còn lúng túng trong việc định hướng cho con. Thậm chí, giữa cha mẹ và con cái đã xảy ra không ít mâu thuẫn trong việc chọn nghề.
Việc cha mẹ tham gia định hướng nghề nghiệp cho con là việc làm cần thiết, song để tư vấn đúng cách ngoài hiểu biết cần phải khéo léo, cẩn trọng và giao quyền quyết định cho con. Thay vì bắt ép, phụ huynh chỉ nên phân tích thông tin để con đưa ra lựa chọn. Hãy lắng nghe nguyện vọng, sở thích của con và đưa ra những đánh giá, hiểu biết của cha mẹ chính là cách để giúp thí sinh có quyết định đúng đắn khi lựa chọn tương lai cho mình.