Một trong những nguyên nhân của hạn chế trên là do công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường chưa thực sự hiệu quả. Vậy giải pháp nào để giáo các giáo viên có thể tổ chức bài học về giáo dục hướng nghiệp thực sự chất lượng?
Đổi mới tư duy tổ chức các nội dung hoạt động giáo dục hướng nghiệp
Cấu trúc các nhóm bài giáo dục hướng nghiệp (GDHN) bậc THPT như sau:
Lớp 10, có 3 nhóm bài theo các chủ đề thuộc kiến thức chung về các nghề cụ thể thuộc các chủ đề: “Tìm hiểu một số nghề thuộc lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp”, “Tìm hiểu một số cơ sở sản xuất công nghiệp hoặc nông nghiệp”, “Tìm hiểu một số nghề thuộc ngành xây dựng”.
Lớp 11, có 2 nhóm bài thuộc các chủ đề của kiến thức chung. 1 nhóm bài thuộc các chủ đề của các nhóm ngành - nghề cụ thể (Chủ đề: “Tìm hiểu một số nghề thuộc lĩnh vực kinh doanh dịch vụ”, chủ đề “Giao lưu với gương mặt vượt khó, điển hình về sản xuất kinh doanh”, chủ đề “Tìm hiểu thực tế một số trường đại học cao đẳng và một trường TCCN tại địa phương” ).
Lớp 12 tập trung vào các hoạt động tư vấn hướng nghiệp theo các chủ đề (1 nhóm chủ đề thuộc kiến thức chung giúp HS tự hướng nghiệp; 1 nhóm chủ đề về hoạt động tìm hiểu hệ thống các cơ sở tuyển chọn nghề). Các nhóm chủ đề còn lại thuộc chủ đề tham quan, giao lưu nghề nghiệp.
Những nhóm bài thuộc kiến thức chung: Giáo viên thiết kế các hoạt động và tổ chức HS tìm hiểu theo đơn vị lớp. Những nhóm bài thuộc các nhóm ngành - nghề cụ thể, mỗi nhóm HS tự tìm hiểu theo xu hướng nhóm nghề, GV đóng vai trò cố vấn, trợ giúp cho các nhóm.
Giáo viên giao nhiệm vụ cho các nhóm học sinh tự tìm kiếm thông tin nghề nghiệp ở nhà (qua sách báo và các thông tin tuyển sinh, qua cha mẹ, qua mạng Internet … phù hợp với bảng mô tả nghề).
Chẳng hạn, trong 3 tiết GDHN/tháng 3 của học sinh khối 12, có thể bố trí giáo viên chủ nhiệm các lớp thực hiện 2 tiết, Ban hướng nghiệp trường thực hiện 1 tiết.
Ví dụ, chủ đề "Tìm hiểu một số nghề thuộc các ngành Y và Dược" (chương trình lớp 12), để hướng dẫn, giảng dạy hiệu quả của chủ đề này, GV cần thực hiện các bước tiếp cận nội dung sau:
Phân tích mục tiêu, yêu cầu bài học ở các phương diện: Đối tượng lao động, đặc điểm, yêu cầu, tiêu chí học cần đạt, điều kiện làm việc, cơ hội tìm kiếm việc làm, các chống chỉ định về y học của các nghề thuộc ngành Y và Dược; tìm hiểu trong lớp , trong trường có bao nhiêu HS theo nghề Y, dược… những HS không có xu hướng về các nghề thuộc ngành này thì chuyển sang tìm hiểu chủ đề khác.
Yêu cầu HS chuẩn bị tài liệu (phôtô sách GV, thu thập thông tin liên quan), giao nhiệm vụ cho các nhóm làm việc ở nhà (sử dụng phương pháp điều tra, nghiên cứu thu thập thông tin; phương pháp thảo luận và học theo nhóm).
Đến lớp GV tổ chức cho các nhóm thuyết trình, bổ sung … tổ chức các hoạt động dạng xemina, các phương pháp hoạt động xử lý tình huống hướng nghiệp như phương pháp tổ chức trò chơi, đóng vai, diễn kịch hoặc trò chuyện với các chuyên gia ...
Ví dụ phỏng vấn bác sĩ : Muốn trở thành bác sĩ những điều kiện về năng lực cần phải có là gì? Những nhân cách, phẩm chất, tác phong, thói quen nào cần phải có của người bác sĩ? Những khuyệt tật, hạn chế nào của con người không được đón nhận vào nghành Y…
Hoặc tham quan cơ sở y tế … để giúp HS làm quen với thực tế. Qua đó để học sinh nhận thức được muốn vào nghành Y mình phải học tập như thế nào, phải thay đổi, bổ sung, rèn luyện nhân cách, phẩm chất đạo đức ra sao?
Tất cả các phương pháp trên đều phải chứa đựng tình huống hướng nghiệp có vấn đề và được chuyển hóa thành tình huống học tập, kích thích được hứng thú tìm hiểu nghề, học tập cho HS.
Đổi mới hình thức và phương pháp tổ chức các hoạt động GDHN
Phương pháp tổ chức các hoạt động GDHN phải chú trọng vào các hoạt động tìm hiểu, nhận thức về nghành nghề cho HS, trong đó phải tập trung vào các phương pháp tự hướng nghiệp ở HS.
Chương trình hoạt động GDHN của Bộ GD&ĐT chỉ là chương trình khung và tài liệu hoạt động GDHN chỉ có tài liệu tham khảo cho GV (không có sách cho HS), vì thế không nên cứng nhắc theo sách vở, tài liệu mà căn cứ vào xu hướng chọn nghề của các nhóm HS trong lớp và hơn 6.000 nghề khác nhau trong xã hội để thay đổi phương pháp tổ chức các hoạt động GDHN hiệu quả.
Người tổ chức các hoạt động GDHN trong nhà trường
Người tổ chức các hoạt động GDHN trong nhà trường là đội ngũ trực tiếp tổ chức các hoạt động GDHN là: Ban giám hiệu, Ban hướng nghiệp , GV chủ nhiệm, và cộng tác với một số bậc phụ huynh làm việc ở các ngành nghề khác nhau trong xã hội.
Đội ngũ hỗ trợ công tác hướng nghiệp nhà trường: GV bộ môn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Trong đó, GV bộ môn là người tham mưu trực tiếp cho GV chủ nhiệm về lực học và khí chất của HS, GV chủ nhiệm là cầu nối giữa nhà trường với gia đình trong tư vấn hướng nghiệp , GV chủ nhiệm và Ban hướng nghiệp đóng vai chủ đạo trong công tác tư vấn hướng nghiệp cho HS khối 12.