Các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp đã sắp xếp những căn cứ đó theo một hệ thống xác định sau đây :
1. XÁC ĐỊNH NGÀNH NGHỀ
Trong hướng nghiệp, trước những ngành nghề bạn muốn chọn nhưng còn băn khoăn (khó được xác định cho bản thân), thường nên chọn ngành trước, chọn nghề sau. Ngành nghề là từ ghép. Nếu tách ra, ta thấy ý nghĩa của "ngành" khác với "nghề". Ngành có nội hàm rộng hơn nghề. Trong mỗi ngành có chứa nhiều nghề khác nhau. Vài ví dụ : Ngành kinh tế có rất nhiều nghề (mỗi tên sau đây là một nghề) : kế toán, kinh doanh, chứng khoán, quản trị, kiểm toán, tiếp thị, kiểm định sản phẩm, nghiên cứu kinh tế (vĩ mô/vi mô)... Ngành y tế gồm những nghề : điều dưỡng, chẩn trị (bác sĩ), xét nghiệm, phẫu thuật, gây mê hồi sức, vật lý trị liệu, bác sĩ tâm lý, quản trị bệnh viện... Ngành truyền thông cũng rất phong phú nghề : bưu chính, viễn thông, báo chí, truyền thanh, truyền hình, in ấn, xuất bản, tuyên huấn, quản trị truyền thông, khai thác mạng Internet... Trong một nghề lớn lại bao gồm nhiều nghề nhỏ. Ví dụ nghề điện có điện nóng, điện lạnh, điện tử, điện cơ, thủy điện, nhiệt điện, điện công nghiệp, điện tiêu dùng, ...
Có người tương hợp với nghề này mà không phù hợp với nghề khác cùng trong một ngành. Cũng có người tương thích với nhiều ngành nghề khác nhau, đó là mặt mạnh của những người đa năng, nhưng phải được rèn luyện và qua trải nghiệm mới biết được. Vậy đừng vội cùng lúc chọn học nhiều nghề. Phương châm đầu tiên là chọn ngành trước, chọn nghề sau, nhưng bước đầu chỉ nên chọn học một nghề trong ngành đó thôi, từ từ sẽ học tăng thêm 1-2 nghề khác sau khi đã qua thử sức và thử nghiệm sơ bộ mới xác quyết.
2. XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ
Đã là nghề lương thiện đều có giá trị. Giá trị của nghề được xét dưới ba góc độ cơ bản : giá trị kinh tế, giá trị xã hội, và nhất là giá trị nhân văn. Khi chọn ngành nghề để hướng tới tương lai lâu dài, mỗi HS cần quan tâm đến cả ba loại giá trị đó. Thường khi chọn nghề, có một thứ giá trị dễ cuốn hút nhiều HS nhất, đó là giá trị "thời thượng" của những nghề đang "ăn khách" (hot). Bị cuốn hút, nhưng cần tỉnh táo để không chọn nhầm. Bởi vì, chọn nghề như chọn người yêu : nhìn bên ngoài thì thích đấy, nhưng "nhào vô" có thể không hợp tý nào, sớm muộn sẽ "ly thân". Ưu thế của một ngành, hoặc giá trị cao của một nghề không nằm ở tính "thời thượng" mà nó đang có. Nhìn chung, với mọi nghề (dù thời thượng hay "thời hạ", ưu thế của mỗi nghề không phải là bất biến, mà phụ thuộc rất nhiều bởi các yếu tố "động".
Cho nên, có những nghề "thượng" bây giờ nhưng "hạ" về sau, và ngược lại. Nhà Kinh tế học Milton Friedman đã chỉ rõ : "Ưu thế chủ yếu của một nghề tùy thuộc vào quan niệm giá trị của mỗi người. Mà quan niệm giá trị đó lại phụ thuộc vào trình độ nhận thức và bản lĩnh văn hóa của từng người". Bởi vậy mới nảy sinh tình trạng có người chọn nghề "oai" mà bất thành về sau, trái lại người khác chọn nghề "không oai" và "không ngon" lúc đầu nhưng về sau thì vụt lên như diều gặp gió.
3. XÁC ĐỊNH CAO THẤP
Cao thấp ở đây là nói đến sự tương thích về trình độ và năng lực. Nếu sức học của bạn chưa khá mà chọn thi vào đại học thì khả năng thi đỗ sẽ rất thấp. Nhưng nếu thi vào hệ trung cấp thì xác suất đỗ đạt sẽ cao hơn. Bởi thế, phải "liệu cơm gắp mắm", tùy sức mà chọn. Như vậy "chắc ăn" hơn, mà lại thanh thản hơn.
Có thể bạn băn khoăn : "Tôi muốn vươn lên cao, vào trung cấp học nghề thì thấp quá !". Vâng, nếu bạn sẵn chí vươn lên thì quá hay. Nhưng phải lên từ từ, không lên ngay được, vì điểm mốc xuất phát ban đầu của bạn có thể không cao bằng người khác. Họ lên ngay đại học, còn bạn sẽ lên đó nhưng phải đi đường vòng, qua trung cấp trước rồi đến đại học sau. Điều này ví như leo dốc : có người leo thẳng ngay tới dốc, có người phải qua đường vòng mới tới nơi được. Đơn giản chỉ vì sức mỗi người mỗi khác, dù rằng ai cũng có chí cao.
Mặt khác, nếu chọn ngành công nghệ thông tin chẳng hạn, không cứ bạn phải thi vào ĐH bách khoa hay ĐH khoa học tự nhiên trong điều kiện bạn khó thi đỗ vào đại học. Yên chí, bạn có thể học nghề máy tính và sử dụng phần mềm ở trình độ trung cấp (hoặc sơ cấp, nếu sức học của bạn chưa vững để tiếp thu ở trình độ cao). Từ từ theo thời gian và công sức rèn luyện, vừa có lý thuyết dẫn dắt, vừa có thực tế "nghề dạy nghề", sớm muộn bạn cũng có thể nâng cấp lên đến đại học (theo đào tạo liên thông) để đạt tới trình độ kỹ sư công nghệ thông tin như ai.
4. XÁC ĐỊNH TRƯỚC SAU
Trong những yêu cầu lựa chọn mà không thể cùng lúc được chọn tất cả, bạn cần sắp xếp một thứ tự trước-sau để ưu tiên cho yếu tố được chọn trước. Chẳng hạn trong hai yếu tố : "chọn nghề mình thích nhưng phải đi học nghề đó ở một nơi xa, rất tốn kém" (1) và "chọn nghề mình không thích lắm nhưng nơi học nghề sát gần nhà, ít tốn kém lại dễ tìm được việc làm" (2) thì nên chọn (2) trước. Chờ cơ hội (khi được ngân hàng cho vay vốn học nghề chẳng hạn) sẽ chọn (1) sau.
Đi vào lĩnh vực chọn ngành nghề cụ thể, như đã nói ở mục 1 trên đây, nên chọn ngành trước, chọn nghề sau (vì ngành rộng hơn nghề). Và, không chỉ có thế. Dưới đây là một số trường hợp khác cần xác định ưu tiên trước-sau :
- Chọn ngành nghề trước, chọn trường thi sau (nhất là khi chuẩn bị hồ sơ đăng ký dự thi vào đại học, cao đẳng hay trung cấp). Chẳng hạn, bạn chọn nghề kế toán hoặc ngành công nghệ thực phẩm thì những ngành nghề này được đào tạo ở nhiều hệ cao thấp khác nhau (từ đại học đến trung sơ cấp đều có). Khi đó, bạn hãy tùy sức mình (hợp với hệ nào) để chọn trường thi có đào tạo ngành nghề đó.
- Chọn ngành phù hợp với sở thích và tính cách trước, chọn nghề phù hợp với năng lực và sở trường sau. Bạn cần phân biệt sở thích khác với sở trường (có nghề mình thích nhưng không học nổi, vì không có sở trường với kỹ năng nghiệp vụ của nghề đó). Sở thích thiên về tính cách, sở trường gắn với năng lực. Sở thích dễ thay đổi, sở trường ổn định hơn. Chỉ khi nào bạn thấy ngành nghề đó vừa phù hợp với tính cách, vùa trùng khớp với năng lực của mình, mới yên tâm chọn.
- Với ai đang khó khăn về kinh tế, nên ưu tiên chọn học nghề ngắn hạn trước ; khi đã bớt khó khăn thì chọn học nghề dài hạn sau. Việc chọn nghề được đào tạo nhanh (ngắn hạn) thường dễ kiếm việc làm (dù chỉ làm thợ hoặc làm công), nhưng bù lại sẽ có thu nhập đủ trang trải. Từng bước đi lên, từ đó có thể tiến theo nghề, học nâng cao (theo đào tạo liên thông hoặc đào tạo tại chức). Khi đồng lương đã đủ sức giúp bạn theo học những khóa đào tạo dài hạn, bạn có thể thoải mái chọn học nghề hợp với sở thích và sở trường của mình.