GS Ngô Bảo Châu cho rằng cần định hướng nghề nghiệp cho trẻ từ cuối năm học cấp 2. Ảnh: Quỳnh Trang.
Hội thảo Thử nghiệm ước mơ nghề nghiệp tổ chức tại trường Phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội) ngày 3/5 có các diễn giả là GS Ngô Bảo Châu, PGS y khoa Nguyễn Lân Hiếu, TS Nguyễn Thành Nam, KTS Hoàng Thúc Hào... Nhiều học sinh, phụ huynh đã đặt câu hỏi làm thế nào để chọn nghề phù hợp với bản thân, xu hướng của xã hội hay việc hướng nghiệp nên bắt đầu khi nào.
Theo GS Ngô Bảo Châu, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh nên có sự tham gia của cả gia đình, xã hội. Nếu chỉ nhà trường làm công việc này sẽ không đủ thông tin cho các em lựa chọn trước ngưỡng cửa cuộc đời.
Có hai cách để người lớn hướng nghiệp cho học sinh là để các em được trải nghiệm, cọ xát và có cái nhìn thực tế về nghề nghiệp. GS Châu khuyên phụ huynh nên cho trẻ tham gia nhiều câu lạc bộ. Cách thứ hai là cho trẻ tiếp xúc với những người tài năng, có lòng yêu nghề để truyền đam mê cho các em. Ngoài ra, người lớn cần đối thoại với trẻ để thể hiện được quan điểm của mình và hiểu tâm tư của con. "Khi lựa chọn nghề nghiệp, các con có thể không thực tế vì ảnh hưởng từ truyền thông, phim ảnh. Cha mẹ và con cái nên đối thoại để định hướng được con đường phù hợp nhất", GS Châu nói.
Kể về câu chuyện hướng nghiệp của mình, nhà toán học cho biết, khi còn là học sinh trường THCS Trưng Vương (Hà Nội), ông được học hướng nghiệp với một trong 2 nghề sửa xe đạp và cắt tóc. Không thích tiếp xúc với dầu mỡ, ông chọn nghề cắt tóc. Nam sinh trường Trưng Vương cùng nhóm bạn có chung "chí hướng" tạo mẫu tóc cho một thành viên. Kết quả, kiểu đầu mới được tạo ra là... không có tóc. Ngô Bảo Châu nhận ra việc sáng tạo với những mái đầu không phải là năng khiếu của mình. Ông sau đó tìm được đam mê với toán học.
GS Châu cho rằng, việc định hướng ngành nghề nên thực hiện từ cuối năm cấp 2, đầu năm cấp 3. Từ giữa năm cấp 3 song song với việc học, thi, học sinh có thể hứng thú tìm hiểu nghề mình mong muốn. Mốc thời gian này có thể chỉ mang ý nghĩa tương đối, nhưng việc trải nghiệm thực tế sẽ đem lại câu trả lời chính xác nhất đâu là nghề nghiệp thực sự phù hợp với mỗi cá nhân. Khi đã là sinh viên và theo học ngành toán ở Pháp, có thời gian ông thử sức trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Trải nghiệm này giúp ông nhận ra toán học mới là con đường phù hợp nhất và theo đuổi cho đến bây giờ.
Lựa chọn nghề nghiệp, ngoài nhìn vào những tấm gương thành công, mặt tích cực của công việc, theo các diễn giả học sinh cũng nên nhìn vào mặt trái của ngành nghề. PGS y khoa Nguyễn Lân Hiếu cho biết, mặt trái của ngành y là thời gian không thuộc về mình mà thuộc về người khác. Ngay khi diễn ra hội thảo, bác sĩ phải xin phép rời đi sớm vì đột xuất có ca cấp cứu. GS Ngô Bảo Châu thì thổ lộ "những người làm toán học luôn phải đồng hành với sự cô đơn". Bản thân ông khi làm toán rất ít khi trò chuyện với người khác, cũng không trả lời email.
Câu hỏi của một phụ huynh về việc cha mẹ có nên lựa chọn nghề nghiệp cho con được các diễn giả tranh luận sôi nổi. KTS Đoàn Kỳ Thanh cho rằng, gia đình là bệ phóng. Nếu cha mẹ không tham gia vào việc định hướng nghề nghiệp cho con, tức bệ phóng không hoạt động, có nghĩa đã bỏ phí một nguồn tài nguyên. KTS Hoàng Thúc Hào cũng khẳng định, việc cha mẹ giúp con lựa chọn nghề nghiệp là cần thiết. Trường hợp lựa chọn đó là sai thì các em cũng có cho mình những trải nghiệm nhất định và nhận thức chắc chắn đây không phải nghề nghiệp thực sự phù hợp với mình rồi đi tìm một hướng mới. Việc trở thành kiến trúc sư của ông Hào cũng nhờ sự định hướng của người bố làm nghề nội thất.
Trái với quan điểm trên, TS Nguyễn Thành Nam cho rằng nên để con tự do lựa chọn nghề nghiệp cho mình. "Bố mẹ dựa vào kiến thức, vốn hiểu biết hiện tại để lựa chọn nghề nghiệp tương lai cho con là sai lầm. Trong gia đình tôi, các con được tự do chọn ngành nghề. Lựa chọn đó có thể sai nhưng không sao, bố mẹ vẫn đứng ngoài ủng hộ và khích lệ con tìm ra hướng mới", TS Nam nói. Ông cho rằng không nên tin vào hướng nghiệp trong sách vở. Cách tốt nhất để hướng nghiệp cho con là cho cơ hội trải nghiệm thực tế.
Tại hội thảo, học sinh và phụ huynh được tham gia những trò chơi tương tác để xem cha mẹ hiểu lựa chọn nghề nghiệp của con như thế nào. Phần thi tưởng tượng nghề nghiệp sẽ xuất hiện trong tương lai thu hút đông đảo các em tham gia. Những ý tưởng về nghề nghiệp mới như: vận hành mặt trời nhân tạo, phục hồi các loài động vật tuyệt chủng từ bộ gen, làm thủ tướng thuê... được các diễn giả đánh giá cao. Phần thưởng cho những học sinh có ý tưởng này là được ăn trưa cùng GS Ngô Bảo Châu.