Tại buổi tọa đàm Hướng nghề hay hướng nghiệp do trường phổ thông liên cấp Olympia tổ chức, thạc sĩ Phoenix Hồ Phụng Hoàng - Chuyên gia tư vấn Hướng nghiệp cho rằng ngành nghề sẽ thay đổi theo thời gian. Chính vì vậy cần chuẩn bị khả năng, năng lực để thích ứng. Đó cũng chính là những nội lực bên trong của mỗi con người.
Theo thạc sĩ Phoenix Hồ Phụng Hoàng mối quan tâm chính của phụ huynh đó là con học ngành nghề gì để sau này có thể xin được việc. Nhưng cần đặt câu hỏi ngược lại, những yếu tố nào quyết định việc một người trẻ sau khi tốt nghiệp (nghề hoặc ĐH) có thể tìm được một chỗ đứng, một công việc tốt trong thị trường lao động.
Trả lời câu hỏi này sẽ thấy yếu tố nào quan trọng hơn là chọn nghề.
“Ví dụ như 2002, ngành công nghệ thông tin rất hot ở Việt Nam nhưng vài năm sau, nó mất giá. Giai đoạn 2005 – 2009 Tài chính ngân hàng rất hot ở Việt Nam nhưng sau đó vài năm cũng tương tự. Và rất nhiều ngành khác cũng như thế. Vì vậy, nếu chạy theo ngành thì sẽ không ổn. Tức là phải chuẩn bị thế mạnh của mình trước một nghề nào đó” – Phoenix Hồ nhấn mạnh
Thạc sĩ Phoenix Hồ cũng khuyên khi chọn nghề, không nên chỉ nhìn cái tên của nghề mà phải nhìn vào những đặc tính, đặc điểm trong đó. Ví dụ một người có 3 nhóm sở thích, kỹ năng là nghệ thuật, xã hội, vận động thì chỉ cần đi tìm theo những nhóm nghề đó.
Hiện nay những người trẻ đang sống trong một thời đại bị ảnh hưởng quá nhiều bởi truyền thông. Truyền thông luôn nói về những con người, những tấm gương có đam mê và đạt được thành công rực sáng, khiến cho những người đang ở tuổi 18 lo lắng về bản thân mình. Trong khi đó, thực tế các không thể so sánh bản thân đang ở độ tuổi còn rất trẻ với những con người đã trải qua nhiều năm kinh nghiệm.
Cô Nguyễn Hồng Duyên, phó hiệu trưởng trường phổ thông liên cấp Olympia cho biết thêm theo một nghiên cứu mới tại Hoa Kỳ thì có 65 % nghề trong tương lai bây giờ chưa xuất hiện. Nên nếu chuẩn bị được những năng lực thiết yếu bên trong thì các em có thể làm ngành nào cũng giỏi, nghề nào cũng giỏi. Đó cũng chính là yếu tố tham chiếu để các nhà chiến lược giáo dục xây dựng chương trình.
Trước câu hỏi, yếu tố nào giúp con người đánh bại lại tình trạng robot chiếm mất việc làm, cô Nguyễn Hồng Duyên khẳng định khi chúng ta nhận thức đúng về hướng nghiệp, chúng ta sẽ không còn lo về vấn đề này.
“Trong trường học, chúng tôi chắt chiu từng cơ hội cho các bạn nhỏ được quyết định. Nếu học sinh được ra quyết định từ việc nhỏ nhất thì các con có khả năng ra quyết định lớn hơn ở lứa tuổi 18. Vậy khả năng thích nghi với những thay đổi mới là điều quan trọng để các con đối mặt với những thay đổi của cuộc cách mạng 4.0 rồi 5.0” – cô Duyên nói.
Còn thạc sĩ Phoenix Hồ thì khẳng định có những nhóm kỹ năng mà trong vòng 50 năm tới robot vẫn chưa thể thay thế được cho mình. Như nhóm kỹ năng sáng tạo. Nhóm kỹ năng này robot trong 50 năm đến 100 năm nữa robot chưa thay thế được. Hay nhóm kỹ năng ra quyết định. Chính vì vậy, khi hướng nghiệp, hướng nghề, chúng ta cần phải quay lại điều bất biến trong xã hội đang thiên biến vạn hóa. Đó chính là dựa vào điểm mạnh của mình mà bên ngoài không tước đoạt được.