Tỷ phú Jack Ma. Nguồn: KuaiBao
Sự phát triển của công nghệ đã thay đổi thói quen sinh hoạt và cách tiêu dùng của con người, song song với đó là nhiều ngành nghề truyền thống cũng dần trở nên không cần thiết. Vì vậy, Jack Ma tin rằng nhiều người sẽ phải đối mặt với "khủng hoảng thất nghiệp" trong tương lai gần.
Các bạn hãy cùng mình đi tìm hiểu xem những ngành nghề được Jack Ma dự đoán dần dần bị mất đi trong tương lại nhé!
AI ngày càng được phát triển
Ảnh minh họa. Nguồn: Republika Slovenija
Thực tế cho thấy, thế giới đang bước sang 1 thời đại hoàn toàn mới - thời đại của tự động hóa, khi mà công nghệ robot được ứng dụng vào mọi lĩnh vực đời sống dẫn đến nhiều ngành nghề truyền thống cũng dần trở nên không cần thiết.
Thế kỷ 21 là thế kỷ của Internet, khai sinh ra nhiều thứ mới, trong đó có trí tuệ nhân tạo. Người sáng lập Alibaba và là người nhiều năm giữ danh hiệu tỷ phú giàu nhất Trung Quốc Jack Ma từng dự đoán: "Trong tương lai, 50% công việc sẽ được thay thế bằng trí tuệ nhân tạo."
Giờ đây, dự đoán này đang dần trở thành hiện thực, nhiều công việc đã và đang trên đà bị thay thế. Cũng theo dự đoán của Jack Ma, 6 ngành nghề dưới đây sẽ được thay thế bằng trí tuệ nhân tạo trong tương lai gần.
1. Tài xế taxi
Ảnh minh họa. Nguồn: PixelNx
Khi taxi truyền thống dần không thể đáp ứng được việc đi lại hàng ngày của con người, thì với sự phát triển như vũ bão của Internet, ngày càng có nhiều phần mềm đặt xe trực tuyến ra đời. Chúng không những tiện lợi mà hầu hết đều có phí rẻ hơn taxi phổ thông.
Ngoài những lý do trên, còn có 1 lý do nữa là kỹ năng lái xe đã trở thành kỹ năng phổ cập. Đồng thời, chỉ cần biết sử dụng định vị GPS thì mọi chuyện đều được giải quyết dễ dàng. Đáng chú ý hơn, vào năm 2018, thành phố Thượng Hải, Trung Quốc đã bước vào giai đoạn thử nghiệm ô tô không người lái trên đường, đồng thời, nhiều hãng ô tô nổi tiếng như Audi, Mercedes-Benz và Tesla cũng đã chi 1 số tiền khổng lồ để chế tạo thử nghiệm ô tô không người lái.
Thêm vào đó là sự xuất hiện của những ứng dụng chia sẻ như xe đạp dùng chung, xe điện dùng chung và cả xe hơi dùng chung. Tại các đô thị, khi ngày càng có nhiều người sử dụng xe đạp và xe điện dùng chung, số lượng người cần taxi sẽ giảm xuống. Và trong tương lai, khi công nghệ xe tự lái trở nên hoàn thiện và phổ biến, ngành công nghiệp taxi chắc chắn sẽ càng bị siết chặt cơ hội sinh tồn.
2. Công nhân lắp ráp dây chuyền
Tại các nhà máy hiện đại, công nhân rồi sẽ "vắng bóng" và thay vào đó là những robot thông minh. Nguồn: DesignNews
Công việc của nhân viên lắp ráp dây chuyền là lặp đi lặp lại 1 khâu của chuỗi dây chuyền, nên có khả năng thay thế cao. Thêm vào đó, 1 dây chuyền lắp ráp thường có hàng chục người làm cùng 1 công việc, không những khiến hiệu quả công việc giảm mà còn tăng tỷ lệ sai sót. Đồng thời với số lượng lao động lớn, cũng kéo theo chi phí nhân công cao.
Hiện nay nhiều xí nghiệp đã sử dụng các máy móc tự động hóa, vừa có thể giảm chi phí sản xuất vừa nâng cao hiệu quả. Đơn cử như ở Foxconn - 1 trong những hãng chế tạo linh kiện điện tử và máy tính lớn nhất thế giới - đã đưa robot vào dây chuyền sản xuất để thay thế 30% số lượng lao động. Từ đó, robot đã vô tình "cướp" việc của hàng chục nghìn người.
3. Nhân viên phục vụ
Phục vụ bàn thời 4.0. Nguồn: TuoitrePlus
Bồi bàn trong khách sạn, nhà hàng hay thu ngân trong siêu thị dường như là những nghề nghiệp "cứng" không thể thiếu, tuy nhiên, với sự tiến bộ không ngừng của công nghệ, nhiều nơi đã cho ra đời những khách sạn, nhà hàng và chuỗi siêu thị không nhân viên phục vụ. Việc đưa trí tuệ nhân tạo vào ngành dịch vụ sẽ giúp giảm đáng kể chi phí lao động.
Đi theo xu hướng tự động hóa, chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh Eatsa có mặt tại San Francisco và Los Angeles (Mỹ) hoàn toàn không có bóng dáng nhân viên phục vụ mà để cho khách hàng tự tương tác với hệ thống máy tính.
Một ví dụ điển hình nữa là robot phục vụ được phát triển bởi Pudu Technology, công ty khởi nghiệp ở Thâm Quyến, đã được hàng nghìn nhà hàng ở Trung Quốc, cũng như 1 số nước khác bao gồm Singapore, Hàn Quốc và Đức áp dụng.
Robot phục vụ. Nguồn: Foody
Với sự có mặt của những con robot của Pudu Technology, nhân viên nhà bếp có thể đặt những món ăn lên robot, nhập số bàn và robot sẽ giao những món ăn đó cho những vị khách đang ngồi đợi trước đó.
Theo số liệu thống kê, trung bình 1 nhân viên phục vụ thông thường chỉ có thể đưa khoảng 200 yêu cầu mỗi ngày, nhưng những con robot phục vụ lại năng suất hơn rất nhiều, chúng có thể xử lý 300 - 400 đơn yêu cầu mỗi ngày.
4. Nghề thu ngân, thu phí cao tốc
Ảnh minh họa. Nguồn:BaoGiaothong
Với sự phổ biến của thanh toán di động, nhiều người bây giờ ra ngoài mà không cần mang theo tiền mặt, thay vào đó là 1 chiếc điện thoại di động. Khi thanh toán điện tử ngày càng thuận tiện, các thao tác rắc rối như đổi trả tiền mặt không còn cần thiết, thời gian thanh toán được rút ngắn đáng kể. Bởi vì điều này, nhiều cửa hàng sẽ không cần nhân viên thu ngân nữa và ông chủ có thể nắm được số tiền thu chi mỗi ngày từ xa, thông qua điện thoại di động.
Bên cạnh đó, nhân viên thu phí trên đường cao tốc cũng sẽ sớm bị thay thế. Công nghệ thanh toán nhanh qua các ứng dụng di động cũng sẽ thay thế họ trong tương lai, khi giúp cho thao tác thanh toán trở nên đơn giản và tiết kiệm thời gian hơn.
5. Giao dịch viên ngân hàng
Ảnh minh họa. Nguồn: VPBank
Bạn có để ý rằng số lần phải ra ngân hàng của mình ngày càng ít đi, trong khi số lượt sử dụng các ứng dụng ngân hàng trên điện thoại hoặc qua website ngày càng tăng? Với sự phát triển của công nghệ, các công việc cần sự tiếp xúc giữa người với người trong ngành ngân hàng như thanh toán, chuyển tiền, vay tiền, trả nợ đang ngày càng được tự động hóa.
Mọi việc đều có thể thực hiện qua ứng dụng trên điện thoại cá nhân. Thậm chí, người ta có thể tự đầu tư hay mua cổ phiếu qua điện thoại di động. Bằng cách này, các giao dịch cũng trở nên an toàn và được bảo toàn giá trị, truy cập và thực hiện việc chuyển hay nhận tiền cũng có thể thực hiện ở bất cứ đâu, vào bất kỳ thời gian nào mà không cần đến quầy giao dịch để lấy số và xếp hàng rồi chờ cả nửa ngày nữa.
Bởi vậy, một khi ngày càng ít người đến ngân hàng, sẽ dẫn đến khủng hoảng việc làm cho nhiều nhân viên ngân hàng trong tương lai.
6. Phiên dịch viên
Ảnh minh họa. Nguồn: Agape Interpreters
Trong thời đại kinh tế toàn cầu, thành thạo ngoại ngữ là 1 kỹ năng rất quan trọng, vì vậy môn ngoại ngữ đã trở thành 1 chuyên ngành phổ biến trong các trường Đại học. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo, các phần mềm dịch thuật khác nhau liên tục xuất hiện trên thị trường, hơn nữa tỷ lệ chính xác đã lên tới 99% và có thể chuyển ngữ ngay lập tức.
Do đó, các phần mềm dịch thuật thông minh đã trở thành mối đe dọa cho ngành nghề phiên dịch. Bên cạnh việc dịch máy, yếu tố con người cũng bó hẹp không gian sống của ngành nghề này. Các công ty hiện nay ít tuyển những phiên dịch viên đơn thuần, hay nói cách khác, họ muốn 1 phiên dịch viên chuyên nghiệp thành thạo thêm những kỹ năng ở chuyên ngành khác.
Ảnh minh họa. Nguồn: HaVip
Như vậy mới đáp ứng được nhu cầu cho nhiều công việc khác nhau. Với sự phát triển của công nghệ thì việc sử dụng ứng dụng phần mềm dịch thuật sẽ được đẩy mạnh hơn nữa trong tương lai, đồng nghĩa với việc nhà tuyển dụng cần phiên dịch viên cũng ít đi.
Tổng kết
Trên đây là 6 ngành nghề được dự đoán sẽ biến mất đi vào một ngày không xa ở tương lai. Khi mà công nghệ thế giới đang phát triển một cách chóng mặt từng ngày. Nó giúp cho năng suất công việc được tăng lên đáng kể nhưng kéo theo đó tình trạng thất nghiệp cũng tăng theo. Chúng ta cần phải nên có những hoạch định rõ ràng để phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.
Các bạn có ý kiến gì về các ngành nghề sẽ dần biến mất trong tương lai? Hãy để lại quan điểm của mình ở phía bên dưới nhé!