Sự hình thành các nhóm nghề mới là một xu hướng phù hợp với nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ở nước ta hiện nay.
Xu hướng phát triển tất yếu
Dựa trên những khảo sát và phân tích thị trường lao động, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmy) đã dự báo xu hướng phát triển các ngành nghề mới bao gồm:
Nhóm ngành công nghệ thông tin (CNTT), sẽ có cơ hội phát triển và hình thành một số nhóm nghề mới như: Bảo mật mạng, lập trình ứng dụng di động, lập trình game, lập trình thiết kế game 3D, lập trình thiết kế hiệu ứng hình ảnh và hoạt hình 3D.
Vẫn dựa trên nền tảng của ngành đào tạo CNTT và được phát triển theo hướng chuyên sâu hơn, nhóm ngành công nghệ và kỹ thuật mới có sự kết hợp với nhau dẫn đến sự xuất hiện một số nhóm ngành như: Kỹ thuật thương mại, quản trị viên của các ngành kỹ thuật; quản trị kinh doanh - tài chính - ngân hàng có xu hướng kết hợp giữa các chuyên ngành hình thành ra những nhóm ngành nghề mới như:
Quản trị rủi ro, quản lý chất lượng chuyên ngành công nghiệp - công nghệ kỹ thuật và y tế, quản lý hệ thống thông tin, kế hoạch và dự báo kinh tế - nhân lực - xã hội – kinh doanh, tư vấn tài chính cá nhân, quản lý dự án khoa học môi trường – hàng không, Logistic, quản lý văn phòng cao cấp…
Nhóm ngành khoa học xã hội là sự kết hợp giữa ngành tâm lý học, khoa học xã hội với các nhóm ngành khác như pháp luật, giáo dục như: Tư vấn học đường, tâm lý xã hội, tâm lý điều trị bệnh lý…
Nhóm ngành Y tế: Xu hướng ứng dụng các kỹ thuật cao vào y tế hình thành các nhóm ngành mới như: Quản trị cơ sở dữ liệu ngành y tế, kỹ sư nghiên cứu tế bào gốc, công nghệ y sinh, chuyên viên nghiên cứu các vấn đề về gen…
Yêu cầu về trình độ lao động
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Falmy - nhận định: Các nhóm ngành mới xuất hiện trong giai đoạn 2017 - 2020 đến 2025 đều chú trọng đến tính chuyên sâu, đó là sự kết hợp giữa hai hay nhiều nhóm ngành cũ với nhau trên cơ sở cải tiến, nâng cao chất lượng trong đào tạo, kết hợp rèn luyện tay nghề. Các nhóm ngành này chú trọng đến khả năng ứng dụng trong thực tiễn hơn là mang tính học thuật.
Yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực làm việc trong các nhóm ngành này hầu hết đều phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, được đào tạo chuyên sâu, có kiến thức và được rèn luyện kỹ năng tốt, có trình độ ngoại ngữ. Điều này đang đặt ra những thách thức cho nhân lực trong giai đoạn hội nhập.
Theo nhận định của Tổ chức Lao động quốc tế ILO, trong giai đoạn 2015 - 2025, nhu cầu đối với việc làm cần tay nghề trung bình cũng sẽ tăng nhanh ở mức 28%. Tuy nhiên, nhiều lao động dôi dư vì thiếu kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết sẽ không thể nắm bắt được cơ hội việc làm đó.
Dẫn chứng từ ngành CNTT đang là một trong những ngành có nhu cầu nhân lực rất lớn trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên nguồn cung dường như chưa bao giờ đáp ứng đủ nhu cầu.
Nhiều doanh nghiệp phải cạnh tranh khốc liệt với các tập đoàn lớn để đón đầu được nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn, tình trạng cũng không khá hơn, với nguồn nhân lực hiện có trên thị trường lao động Việt Nam mới chỉ cung cấp được 50 -60% nhu cầu tuyển dụng.
Vấn đề cung chưa kịp cầu, mặc dù đã qua đào tạo nhưng người lao động vẫn thất nghiệp được xem là thực trạng chung cho không ít các ngành nghề hiện nay. Theo đánh giá của chuyên gia, điểm yếu của lao động Việt Nam chính là thiếu kỹ năng mềm như làm việc theo nhóm, giao tiếp, ngoại ngữ và thứ hai là kỹ năng nghề còn thấp… Đây chính là những thách thức lớn nhất đối với nhân lực Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh nhân lực và hội nhập quốc tế.