Trao đổi với VietNamNet, GS Đinh Quang Báo, Chủ biên chương trình môn học cho hay Sinh học là khoa học thực nghiệm, vì vậy thực hành trong phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn, ngoài thực địa là phương pháp, hình thức dạy học cơ bản.
Sinh học đã vượt qua giai đoạn mô tả chuyển sang giai đoạn thực nghiệm dựa trên các nguyên lý sinh học cơ bản và hệ quả tất yếu là khoảng cách giữa kiến thức lý thuyết cơ bản với công nghệ ứng dụng ngày càng rút ngắn. Do đó, chương trình phải tinh giản các nội dung có tính mô tả để tổ chức cho học sinh tìm tòi, nhận thức các kiến thức sinh học có tính nguyên lý, cơ sở cho quy trình công nghệ ứng dụng sinh học hiện đại.
Ông có thể cho biết việc xây dựng chương trình môn Sinh học trong chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có những điểm khác biệt nào chương trình hiện hành?
Khác biệt lớn nhất là Chương trình Sinh học mới ở phổ thông sẽ đi sâu hơn để cung cấp cho học sinh những mô hình, lý thuyết để có thể giải thích và thiết kế các mô hình ứng dụng công nghệ sinh học. Công nghệ sinh học là một lĩnh vực hiện đại trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, do đó được xây dựng cốt lõi nhất của chương trình THPT môn Sinh.
Về kiến thức có những nội dung cắt giảm nhưng có nội dung thì sâu hơn. Các kiến thức về sinh học phân tử, sinh học tế bào được tăng lên. Những kiến thức này gần như xuyên suốt trong tất cả các chủ đề. Bởi công nghệ sinh học hiện đại chủ yếu dựa trên cơ sở tiến bộ của sinh học phân tử và sinh học tế bào.
Môn Sinh học hướng tới hình thành và phát triển cho học sinh năng lực tìm hiểu tự nhiên như: năng lực nhận thức kiến thức sinh học, năng lực tìm tòi, khám phá thế giới sống và năng lực vận dụng kiến thức sinh học vào thực tiễn. Chương trình môn Sinh học giúp học sinh tiếp tục tìm hiểu các khái niệm, quy luật sinh học làm cơ sở khoa học cho việc ứng dụng tiến bộ sinh học, nhất là tiến bộ của công nghệ sinh học vào thực tiễn đời sống, từ đó định hướng được ngành nghề để tiếp tục học và phát triển sau trung học phổ thông.
Các năng lực chuyên môn trên được thể hiện theo các mức độ từ thấp lên cao gắn với các chủ đề sinh học từ lớp 10 đến lớp 12.
Nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy sẽ thay đổi như thế nào so với hiện nay, thưa ông?
Nội dung Chương trình môn Sinh học bao quát các cấp độ tổ chức sống gồm phân tử, tế bào, cơ thể, quần thể, quần xã – hệ sinh thái, sinh quyển. Mỗi cấp độ tổ chức sống bao gồm cấu trúc, chức năng; mối quan hệ giữa cấu trúc, chức năng và môi trường sống. Từ kiến thức về các cấp độ tổ chức sống khái quát các đặc tính chung của thế giới sống là di truyền, biến dị và tiến hoá. Thông qua các chủ đề nội dung sinh học, trình bày các thành tựu công nghệ sinh học trong chăn nuôi, trồng trọt, xử lý ô nhiễm môi trường, nông nghiệp và thực phẩm sạch; trong y - dược học.
Bên cạnh nội dung giáo dục cốt lõi, trong mỗi năm, những học sinh có thiên hướng khoa học tự nhiên và công nghệ được chọn học một số chuyên đề.
Hệ thống các chuyên đề học tập môn Sinh học chủ yếu được phát triển từ nội dung các chủ đề sinh học ứng với chương trình lớp 10, 11, 12. Các chuyên đề nhằm mở rộng, nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng thực hành để trực tiếp định hướng, làm cơ sở cho các quy trình kỹ thuật, công nghệ thuộc các ngành nghề liên quan đến sinh học. Các chuyên đề hướng đến các lĩnh vực của nền công nghiệp 4.0 như: công nghệ sinh học trong nông nghiệp, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo,... Các lĩnh vực công nghệ đó ứng dụng theo cách tích hợp các thành tựu không chỉ của sinh học mà còn của các khoa học liên ngành, trong đó công nghệ thông tin có vai trò đặc biệt quan trọng (giải mã gen, bản đồ gen, liệu pháp gen,...).
Bên cạnh các phương pháp giáo dục tích cực áp dụng chung cho nhiều môn học, môn Sinh học áp dụng các phương pháp dạy học đặc thù như thông qua thực hành trong phòng thí nghiệm, ngoài thực địa; thông qua nghiên cứu khoa học bằng các bài tập tình huống, các dự án nghiên cứu gắn với thực tiễn đời sống; thông qua tham quan các cơ sở sản xuất nông nghiệp, các nhà máy ứng dụng công nghệ sinh học.
Các kỹ năng tiến trình chiếm tỷ trọng lớn trong chương trình Sinh học, trong đó, quan sát, đặt câu hỏi với nêu giả thuyết; lập kế hoạch và thực hiện; xử lý và phân tích dữ liệu; đánh giá; trình bày báo cáo là những kỹ năng cấu thành năng lực tìm tòi khám phá sự sống cần được rèn luyện thường xuyên và có trọng số thích đáng trong đánh giá kết quả học tập. Điều này đòi hỏi người soạn sách giáo khoa và giáo viên thiết kế các hoạt động nghiên cứu, trong đó phương pháp dạy học dự án, hoạt động trải nghiệm có vai trò quan trọng.
Là chủ biên, ông ưng ý nhất ở đổi mới nào của chương trình môn học mới này cho học sinh?
Điều tôi hứng thú nhất là mang lại, giới thiệu cho học sinh những tiến bộ về công nghệ sinh học.
Học sinh sẽ hiểu hơn về việc dùng tế bào gốc, nuôi cấy mô, ghép tạng, những vấn đề về y dược và sản xuất các sản phẩm y dược dựa trên các công nghệ sinh học, những vấn đề về biến đổi gen, xử lý môi trường, kháng sinh,… những vấn đề mà thực tế cuộc sống các em đã từng được bắt gặp.
Chương trình môn học mới sẽ tập trung nhiều vào công nghệ sinh học. Vậy học sinh có được thực hiện việc ứng dụng công nghệ sinh học nhiều trong quá trình học không, thưa ông?
Điều kiện của các nhà trường phổ thông của nước ta còn hạn chế do đó việc thực hành sẽ không được nhiều. Tuy nhiên có thể ứng dụng bằng việc dùng kiến thức sinh học để giải thích các vấn đề về công nghệ mà các em gặp phải trong đời sống. Thứ hai, cũng có thể ứng dụng bằng cách là dùng hiểu biết công nghệ sinh học để nghiên cứu các cơ chế về nông nghiệp sạch hay về ứng dụng công nghệ tế bào gốc,… Học sinh không thực hành được công nghệ ấy nhưng phải tìm hiểu các cơ sở lý thuyết, về những nơi có thành tựu trong công nghệ sinh học để hiểu được,…
Chúng tôi cũng phải hạn chế những giờ thực hành yêu cầu những thiết bị quá đắt tiền, bởi thực tế các trường phổ thông cũng chưa đủ điều kiện để trang bị.
Vậy sẽ làm sao để học sinh có thể tiếp cận?
Ngoài các thí nghiệm trong điều kiện thiết bị phổ thông cho phép, sẽ phải tăng cường việc sử dụng các công nghệ, phương tiện ảo (như máy chiếu,…) với những cái đòi hỏi các công nghệ quá cáo.
Ngoài ra, Nhà nước cũng cần phải tạo điều kiện để học sinh có thể được đến tham quan ở những cơ sở ứng dụng công nghệ sinh học.
Như về nông nghiệp là những mô hình về sản xuất VietGAP, công nghệ sản xuất sạch, hay những nơi nuôi cấy tế bào, nuối cấy mô, những phòng thí nghiệm,…
Để học sinh nếu không được trực tiếp làm cũng phải được tham quan, xem thực tế.
Tuy nhiên việc tận dụng phương tiện thông tin cũng quan trọng.
Những vấn đề này với học sinh thành thị thì không quá đáng ngại nhưng học sinh nông thôn, miền núi liệu có dễ tiếp cận và thực hành không, thưa ông?
Học thì chẳng có gì là dễ cả. Do đó phải có cách để tất cả học trò được tiếp cận, chứ không phải cứ học trò nông thôn hay vùng khó mà chúng ta dạy những điều của thế kỷ 19 được. Như vậy càng làm hại họ, thay vào đó cần có cách để học sinh được tiếp cận với những vấn đề hiện đại.
Ông đánh giá về khả năng thực hiện những ý tưởng đổi mới trên của đội ngũ giáo viên hiện có ra sao?
Nếu không có tập huấn gì tôi nghĩ các giáo viên sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nên Bộ GD-ĐT đang có dự án bồi dưỡng đổi mới đào tào và bồi dưỡng giáo viên song song với việc làm chương trình. Tôi tin rằng giáo viên sau khi được bồi dưỡng có thể dạy được.
Theo định hướng, mỗi trường học cần có phòng thực hành thí nghiệm và nhân viên bảo quản, hướng dẫn sử dụng phòng thực hành. Phấn đấu để có phòng bộ môn hiện đại, vườn thực nghiệm. Trong trường hợp chưa có điều kiện thực hiện yêu cầu trên, các trường cần có các thiết bị, phương tiện dạy học tối thiểu, như: tranh, ảnh, mô hình, mẫu vật thật, dụng cụ, vật liệu, hoá chất, thiết bị kỹ thuật nghe nhìn, các loại máy móc. Bên cạnh đó, cũng cần phối hợp với các cơ sở có thiết bị hiện đại để tạo điều kiện cho học sinh học tập.
Xin cảm ơn ông!