Cô và trò Trường THCS – THPT Đào Duy Anh. Ảnh: NTCC
Tránh “học tủ”
Học sinh nên xây dựng kế hoạch ôn tập với các chuỗi kiến thức được sắp xếp theo chủ đề, bám sát chương trình lớp 12 và những nội dung kiến thức có tính kế thừa từ lớp 10, 11 để nắm vững kiến thức cơ bản lớp 12.
Mục đích của việc ôn tập là để hệ thống, củng cố, hoàn thiện kiến thức, kỹ năng nên các em cần ôn tập theo chủ đề. Các em nên lập các biểu bảng tổng kết ngắn gọn hoặc vẽ sơ đồ tư duy để dễ ôn tập, nắm vững các nội dung cốt lõi cũng như các vấn đề cần giải quyết của mỗi chủ đề.
Đề thi trắc nghiệm có khả năng bao quát chương trình hơn, kiến thức kiểm tra rộng hơn so với thi tự luận, vì thế học “tủ” là điều cấm kỵ. Ở mỗi vấn đề, quan trọng các em chỉ cần nắm “từ khóa” nói lên nội dung của vấn đề đó chứ không nên học thuộc lòng như trước. Ngoài những nội dung mà Bộ GD&ĐT đã giảm tải thì các em không được bỏ bất kỳ phần nào trong sách giáo khoa Địa lý lớp 12, từ kênh chữ đến kênh hình, kể cả các bài đọc thêm, các bài thực hành.
Sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam
Atlat Địa lý Việt Nam là “cuốn sách giáo khoa thứ hai” của môn Địa lý lớp 12 nên học sinh cần tập trung khai thác một cách tốt nhất để ôn tập hiệu quả nhằm chinh phục điểm số cao trong kỳ thi.
Mỗi trang bản đồ trong Atlat ứng với từng bài học, chủ đề trong SGK Địa lý 12, do đó học sinh nên sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam thường xuyên trong quá trình ôn tập. Việc sử dụng Atlat sẽ giúp các em dễ dàng hiểu nội dung bài học, nhớ kiến thức lâu hơn, giảm bớt việc học thuộc lòng và ghi nhớ máy móc. Để sử dụng hiệu quả Atlat Địa lý Việt Nam trong quá trình ôn tập và làm bài thi, học sinh cần xem kĩ trang kí hiệu chung (trang 3) vì hầu hết các đối tượng địa lí biểu hiện trên các bản đồ đều được thể hiện ở trang này, bên cạnh đó cũng cần nắm được nội dung các trang bản đồ thông qua trang mục lục (trang 31). Các em cần kết hợp kĩ năng tính toán, nhận xét, phân tích, giải thích các số liệu và biểu đồ có trong Atlat.
Nhận xét, phân tích bảng số liệu và biểu đồ
Cùng với việc ôn tập lý thuyết, kỹ năng sử dụng Atlat, các em phải làm các bài tập về nhận xét và phân tích biểu đồ, bảng số liệu. Câu hỏi trắc nghiệm về biểu đồ thường gặp là thể hiện nội dung nào, lựa chọn nhận xét “đúng” hoặc “không đúng” dựa vào biểu đồ đã cho. Do vậy, để không mất điểm ở những câu hỏi này các em phải nắm vững kiến thức về đặc tính thể hiện của từng loại biểu đồ: Thể hiện cơ cấu (biểu đồ tròn, miền), tốc độ tăng trưởng biểu đồ đường biểu diễn hay đồ thị, thể hiện quy mô và cơ cấu (biểu đồ tròn bán kính khác nhau). Các dạng câu hỏi về bảng số liệu thường gặp là lựa chọn dạng biểu đồ thích hợp nhất với bảng số liệu và yêu cầu đã cho, chọn nhận xét “đúng” hay “không đúng”. Để giành điểm tối đa với loại câu hỏi này, ngoài việc nắm vững kiến thức để nhận diện loại biểu đồ như đã trình bày ở trên, thì các em phải quan sát bảng số liệu cả hai chiều dọc và ngang trên cơ sở tính toán nếu cần thiết rồi đưa ra lựa chọn tốt nhất, tuyệt đối không nên lựa chọn đáp án theo chủ quan, cảm tính.
5 bí quyết
Thứ nhất, thí sinh cần chuẩn bị đầy đủ công cụ trước khi vào phòng thi: Mang theo Atlat Địa lý Việt Nam do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành từ năm 2009 đến nay (lưu ý trong Atlat không được ghi chép bất cứ thông tin nào), máy tính cầm tay (nằm trong danh mục cho phép của Bộ GD&ĐT), bút chì, tẩy…
Thứ hai, tạo tâm lý thoải mái, tự tin, không gây áp lực cho bản thân. Khi làm bài thí sinh nên làm tuần tự từ trên xuống dưới của đề thi, vì độ khó của nhóm các câu hỏi sẽ tăng dần. Việc hoàn thành các câu hỏi cơ bản sẽ khiến thí sinh có tâm lý tự tin, hứng khởi hơn. Đồng thời các em cũng không nên đặt quá nhiều kỳ vọng để tránh áp lực thi cử làm giảm chất lượng bài thi.
Thứ ba, phân bố thời gian hợp lý cho từng câu hỏi. Khi làm bài các em nên phân bố thời gian vì nếu để sa đà vào những câu hỏi khó sẽ dễ rơi vào hoang mang, lo lắng, mất kiểm soát. Trong quá trình làm bài cần đánh dấu vào các câu hỏi chưa làm được để sau khi làm xong những câu hỏi khác sẽ dễ dàng quay lại làm tiếp. Các em nên dành thời gian để kiểm tra lại phiếu trả lời trắc nghiệm, tránh việc bỏ sót và nhầm lẫn đáng tiếc đáp án của các câu hỏi với nhau trong quá trình tô, không nên bỏ trống phương án trả lời.
Thứ tư, phải đọc kỹ câu dẫn và đáp án của các câu hỏi. Đây là một việc làm rất cần thiết mà các thí sinh ít để ý trong khi làm bài thi. Các em luôn nhớ rằng trong 4 lựa chọn, chỉ có 1 phương án đúng, còn lại là các phương án nhiễu. Các phương án nhiễu được xây dựng trên cơ sở có liên quan đến nội dung lời dẫn của câu hỏi nên có thể làm cho thí sinh nhầm lẫn nếu không tỉnh táo, đọc kỹ câu hỏi mà chọn bừa. Các em phải đọc kỹ lời dẫn trong các câu hỏi, gạch chân các từ khóa của lời dẫn để xác định rõ yêu cầu. Đặc biệt, thí sinh phải lưu ý những dạng câu hỏi mà lời dẫn ở thể phủ định như không đúng, không phải... Với dạng câu hỏi này các em nên nghiên cứu kỹ yêu cầu để tính toán, lập luận, phân tích, so sánh 4 lựa chọn để tìm ra phương án đúng.
Thứ năm, sử dụng kỹ năng phỏng đoán - loại trừ. Phỏng đoán chưa bao giờ là một cách hay, tuy nhiên khi có những câu hỏi các em không chắc chắn về câu trả lời thì việc phỏng đoán một cách logic và khoa học là một trong những giải pháp nhằm tìm ra câu trả lời.