Hàng năm, có gần 1 triệu thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia. Tính thêm cha mẹ của mỗi thí sinh thì sẽ có khoảng gần 3 triệu con người mất ăn, mất ngủ vì một kỳ thi kéo dài chỉ trong 3 ngày nhưng có thể thay đổi cục diện cuộc đời của những thiếu niên mới chỉ 18 tuổi. Sau đó, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng của mình trong suốt kỳ xét tuyển.
Điều này đặt ra câu hỏi: Có nên chú ý hơn đến việc giúp sinh viên sẵn sàng cho thị trường lao động thay vì một kỳ thi mà nhà tuyển dụng 4 năm sau sẽ chẳng quan tâm? Có nên tạo thêm sự linh động cho thí sinh trong việc chọn ngành học và định hướng nghề nghiệp?
Năm 18 tuổi, bạn muốn làm gì? Tôi học lớp chuyên Anh tại một trường trung học có tiếng trong cả nước. Tôi nhớ khi đó không một ai trong lớp tôi có thể tuyên bố chắc chắn mình muốn làm nghề gì trong tương lai. Xen giữa những buổi học thi, chúng tôi bàn về bộ phim đang chiếu trên truyền hình, American Idol, quán cà phê mới mở gần trường. Khái niệm về nghề nghiệp của tôi chỉ gói gọn trong những ngành truyền thống như bác sỹ, kỹ sư, giáo viên v.v… và xa hơn là những nghề hot như nhân viên ngân hàng, dù không ai hiểu làm thế nào để trở thành nhân viên ngân hàng. Chúng tôi có nhiều câu hỏi nhưng ít câu trả lời. Khi đó, google chưa phổ biến đến mức người ta có thể dùng nó để giải đáp mọi thắc mắc của mình.
Có một ngộ nhận rằng tấm bằng đại học sẽ đảm bảo cho bạn một công việc ngay sau khi ra trường. Sự thực là tấm bằng đại học ngày nay chỉ đáp ứng được yêu cầu tối thiểu trong một hồ sơ xin việc. Trung bình mỗi vị trí ứng tuyển dù ở cấp thấp nhất nhận được khoảng 200 hồ sơ và gần như tất cả đều phải có bằng đại học. Việc bạn tốt nghiệp một trường danh tiếng không có nghĩa lý gì khi bạn không giỏi trong chuyên môn và những kỹ năng mềm khác. Bạn cần có những phẩm chất khác để vượt qua những ứng viên khác.
Đòi hỏi một học sinh 18 tuổi chưa có nhiều va chạm thực tế phải xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp của mình là điều không tưởng. Giữa vô vàn lựa chọn trong cuộc sống ngày nay, bạn có thể chưa biết mình muốn làm gì, bạn có thể thử nghiệm một thứ và thấy rằng mình không phù hợp, bạn có thể thấy mình hợp với một công việc năm 18 tuổi nhưng lại có thể thay đổi quyết định sau 4 năm. Đó là điều hoàn toàn bình thường. Tuy vậy, có những hành động nhỏ mà bạn có thể thực hiện từ bây giờ để tìm ra con đường cho mình.
Xác định thế mạnh của mình
Mỗi người đều giỏi hơn người khác ở điểm nào đó. Theo Malcolm Gladwell, nhà báo kỳ cựu của tờ New Yorker kiêm tác giả cuốn sách 'Những kẻ xuất chúng' nổi tiếng, thì con người có thể chia làm 3 loại với những tập hợp kỹ năng xã hội khác nhau:
Người kết nối là người có năng khiếu đặc biệt trong việc kết bạn và tạo các mối quan hệ.
Chuyên gia thông tin là người có khả năng tích luỹ kiến thức và giải quyết vấn đề của người khác.
Người bán hàng là người có sức lôi cuốn và khả năng thương thuyết đặc biệt.
Hãy tự hỏi bản thân: Khả năng nào đến dễ dàng với bạn hơn so với người khác? Bạn thích làm tốt lĩnh vực nào? Bạn là người của con số hay câu chữ?
Khi đã tìm ra thế mạnh của mình, hãy dành ra một quỹ thời gian nhỏ mỗi ngày để phát triển nó.
Chủ động và tích cực tạo cơ hội
Việc tạo dựng sự nghiệp hiện nay không chỉ gói gọn trong việc hoàn thành 4 năm đại học rồi nộp hồ sơ cho các mạng tuyển dụng và chờ cơ hội đến với mình. Có một câu ngạn ngữ rằng: “Ngọc trai không nằm sẵn trên bờ biển. Nếu bạn muốn có ngọc trai, bạn phải lặn để tìm nó”.
Tương tự như vậy, trong cuộc sống, nếu bạn không chủ động hỏi và tìm kiếm, kết quả sẽ luôn là số không. Hiện nay, phần lớn các công ty đều muốn nhận những cử nhân đã có kinh nghiệm và có thể làm được việc ngay để không tốn chi phí và thời gian đào tạo.
Mỗi học sinh, sinh viên nên tận dụng những việc tình nguyện, hội thảo nghề nghiệp và các hoạt động ngoại khoá để sẵn sàng cho công việc trong tương lai mà mình đã nhắm tới.
Rèn luyện những tác phong và lối suy nghĩ tích cực
Cho dù bạn chọn làm việc trong lĩnh vực nào thì yêu cầu về tác phong luôn giống nhau. Nhà văn nổi tiếng Neil Gaiman đã đúc kết từ 30 năm lao động nghệ thuật của ông những nguyên tắc sau: làm tốt công việc, hoà đồng với người khác và nộp công việc đúng thời hạn. Thậm chí, theo Gaiman thì bạn không cần cả 3 nguyên tắc, chỉ cần 2 là đủ. Và ông khuyên những thanh niên sắp khởi hành vào một cuộc đời mới đừng sợ phạm sai lầm bởi mắc lỗi là minh chứng cho thấy bạn đang thực sự nỗ lực.
Suy cho cùng, kỳ thi xét tuyển THPT chỉ đánh giá việc bạn ôn thi một giáo trình hiệu quả đến mức nào. Nó không đánh giá được khả năng giao tiếp, tổ chức, làm việc nhóm, tính chuyên nghiệp vốn là những phẩm chất cần có trong bất cứ ngành nào.
Quá trình hoạch định sự nghiệp là một chặng đường cam go và nó sẽ bắt đầu từ học kỳ đầu tiên của bạn tại trường đại học chứ không phải năm cuối. Bởi vậy, Benjamin Franklin (một trong những người thành lập nước Mỹ) đã nói: “Một khi bạn không chuẩn bị là bạn đã chuẩn bị cho sự thất bại”.