hông gì diễn tả được nỗi đau dâng lên trong lòng tôi, khi chứng kiến đứa em gái họ của mình, đứa em tôi thương yêu như thể em ruột, nói rằng nó chưa bao giờ cảm thấy thất bại và vô dụng như bây giờ.
Chuyện gì đã xảy ra với con bé siêng năng, giàu hoài bão và quyết tâm, luôn tràn đầy sinh lực của sự lạc quan mà tôi biết? Nó vừa tốt nghiệp đại học, được nhận làm công việc ưa thích với mức thu nhập không tệ, vậy rốt cuộc là chuyện gì?
Hóa ra, con bé - như bao bạn bè đồng trang lứa - sử dụng mạng xã hội mỗi ngày, như Facebook và Instagram. Trên những nền tảng giao tiếp 24/24 đó, con bé thấy mình quá kém cỏi nếu so với (một số) bạn bè, thậm chí là bị họ bỏ rất xa, theo những tiêu chí đánh giá chung của xã hội.
Chẳng hạn, một anh bạn của nó được bổ nhiệm vào vị trí cao so với tuổi nghề, với văn phòng riêng nhìn ra sông Sài Gòn. Một cô bạn khác thì đã lập gia đình với một người chồng thành đạt và giàu có.
Vài người khác, nhờ thành tích nổi bật từ thời phổ thông, đã săn thành công học bổng toàn phần đại học ở nước ngoài, tốt nghiệp và có được công việc đáng mơ ước tại những quốc gia phát triển…
"Em thấy mình thất bại quá chừng. Em có cố mấy cũng chẳng bao giờ được như họ".
"Được như họ" - tôi không hỏi con bé cụ thể là gì, song có lẽ đó là "văn phòng riêng", là "xe hơi nhà lầu", là tất cả và bất kỳ thành tựu mang tính vật chất nào mà những người xung quanh con bé (dường như) đã có, nhưng nó thì chưa.
"Ồ, và còn buổi họp lớp nữa chứ. Chắc em không dám đi họp lớp quá. Ai cũng thành đạt. Người ta đến có đủ thứ khoe, còn em biết nói gì đây?".
Tôi hoàn toàn hiểu nỗi lòng của con bé, một đại diện của thế hệ sinh ra trong sự bùng nổ về kinh tế lẫn công nghệ, nơi mà bất cứ ai cũng làm chủ được một không gian trên Internet và hàng ngày tiếp nhận lượng kiến thức lớn hơn rất nhiều so với thế hệ cha chú trước đó.
Và cũng như con bé, tôi cũng từng mất rất nhiều thời gian và năng lượng để so sánh mình với người khác. Một cuộc chiến mà tôi cũng phải mất nhiều thời gian để nhận ra rằng: Mình đã thua ngay từ khi bắt đầu.
Thế là tôi ngồi xuống với con bé và chia sẻ cùng nó những điều tôi đúc kết.
1. So sánh mình với người khác là vô nghĩa
Sự khác biệt về hoàn cảnh sống, điều kiện kinh tế, môi trường, gia đình… sẽ luôn khiến chúng ta là những thực thể không ai giống ai.
Mà đã không ai giống ai thì so sánh lẫn nhau sẽ là vô nghĩa, hoàn toàn vô nghĩa. Kiểu gì cũng luôn có người đã làm/sở hữu những điều chúng ta mơ ước.
Vậy so sánh làm gì?
2. So sánh mình với người khác là việc làm không có điểm dừng
Từ nguyên tắc thứ nhất, chúng ta thấy rằng một khi đã trót so sánh mình với người khác, chúng ta đơn giản là không thể có điểm dừng.
Ban đầu là công việc, mức lương, đến tài sản, rồi gì nữa? Ban đầu là người bạn cùng lớp, đồng nghiệp, đến hàng xóm, rồi ai nữa?
Bill Gates chăng?
3. Bạn là 'độc nhất vô nhị'
Tại sao phải so sánh mình với người khác, khi mình và họ, như đã nói, không giống nhau? Bản thân bạn cũng sở hữu những phẩm chất, những kỹ năng, những tài năng, những điểm mạnh… mà rất có thể, người khác không có và sẽ không bao giờ có.
Vì họ không phải là bạn và bạn không phải là họ. Việc cố gắng so sánh bản thân với người khác và cảm thấy tồi tệ với bản thân chỉ vì mình không sở hữu những điều chỉ người khác có, về lâu về dài sẽ tổn hại đến lòng tự tin lẫn tự trọng của chính bạn.
Nói một cách hơi cực đoan, khi so sánh bản thân với người khác, bạn đang xúc phạm chính mình mà thôi.
4. Sự khoe mẽ luôn được lựa chọn
Ở đời, "tốt khoe, xấu che", nhất là trong thời buổi của mạng xã hội này, người ta thường chọn những gì tốt đẹp nhất để trưng bày và triển lãm.
Nhưng hãy nghĩ mà xem, ai cũng có vấn đề của mình cả. Việc thiên hạ không khoe những lúc họ đau buồn, thất bại, trầm uất, khóc lóc, đau khổ… lên Instagram hay Facebook, không có nghĩa họ không có những vấn đề riêng của mình.
Và nếu đã hiểu được rằng những gì bạn nhìn thấy trên mạng xã hội chỉ là mặt màu hồng của đồng xu thì bạn sẽ càng hiểu được rằng so sánh bản thân với người khác là vô nghĩa.
5. Học cách khen ngợi bản thân và người khác
Sau khi đã ngừng so sánh bản thân với người khác, bạn cần đối xử với chính mình tử tế hơn, ít nhất cũng theo cách bạn muốn người khác đối xử với mình.
Được tăng lương? Hãy ăn mừng cùng người nhà. Tậu được xe mới? Hãy tổ chức "rửa" cùng bạn bè đồng nghiệp thân mật. Nhìn thấy bạn bè trên Facebook đạt thành tựu? Hãy thật tâm chúc mừng họ.
Đừng bao giờ quên rằng việc so sánh bản thân với người khác, không sớm thì muộn, sẽ sinh ra một đứa con rất đáng ghét mang tên "lòng đố kỵ".
"Đừng so sánh mình với người khác, mà hãy so sánh mình với chính mình của ngày hôm qua!"