6 ‘bài tập về nhà’ không hẹn ngày trả của thầy giáo lớp 10 TP.HCM gây xúc động
Mới đây, một thầy giáo có tên Đỗ Đức Anh (giáo viên Văn trường THPT Bùi Thị Xuân, thành phố Hồ Chí Minh) đã giao những bài tập về nhà đặc biệt cho học sinh lớp 10A9 khiến cộng đồng mạng xúc động.
Thông thường khi giao bài tập về nhà cho học sinh, giáo viên sẽ trực tiếp yêu cầu học sinh hoàn thành. Thế nhưng thầy Đức Anh không làm như thế mà để các đề bài của mình vào phong thư và trao tận tay cho phụ huynh của các em trong buổi họp lớp.
Nội dung bài tập thầy giáo Đức Anh như sau:
"Bài tập số 1: Hãy để ai đó trong gia đình ôm em nếu kết quả năm học vừa rồi chưa được như ý.
Bài tập số 2: Hãy tận hưởng mùa hè của mình với tất cả năng lượng tuổi trẻ.
Bài tập số 3: Hãy tranh thủ trau dồi khả năng ngoại ngữ và các kỹ năng mềm cần thiết.
Bài tập số 4: Các bạn nam hãy luôn biết cách vượt qua giông bão cuộc đời với tinh thần của một chiến binh. Các bạn nữ hãy đứng dậy, tô thêm son, mỉm cười và kiêu hãnh tiến về phía trước. Bởi vì nếu em không phải là một cái cây thì chẳng lý gì chúng ta lại cứ phải đứng im một chỗ.
Bài tập số 5: Một buổi tối nào đó trong đời, nếu em cảm thấy cô đơn hay buồn tủi, hãy hồi tưởng lại những ký ức dịu dàng của thầy trò mình. Hoặc lúc nào đó muốn một ai đó lắng nghe nỗi thất vọng cùng cực của mình, hãy cứ gọi cho thầy, thầy vẫn luôn ở đây.
Bài tập số 6: Hãy luôn là một người tử tế và hạnh phúc, nghe!
Thời gian nộp bài: Em sẽ có rất nhiều thời gian để hoàn thành 6 bài tập về nhà này, hãy cứ thong thả, đừng vội nộp bài. Bởi thầy biết, có những bài tập mà em phải mất cả tuổi trẻ, thậm chí cả cuộc đời mới có thể làm xong.
Người ta thường nói trưởng thành không phải là lúc ta làm được những chuyện lớn lao mà là lúc ta hiểu được những điều bé nhỏ. Con đường trưởng thành sẽ luôn có sự rời xa theo cách này hay cách khác. Nhưng hãy tin, lời tạm biệt thực ra không phải là lời từ biệt mà là một lời hứa "Hẹn gặp lại".
Thầy rất vui vì trong những năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ, chúng ta đã gặp gỡ… Tạm biệt em! Hoài mong em nộp bài".
Đọc xong yêu cầu của thầy giáo, ai cũng xúc động. Bởi đây là những bài tập mà các bạn phải trải qua bằng cuộc sống của chính mình thì mới có thể giải được.
Qua những bài tập đó, người thầy thể hiện sự cảm thông, thấu hiểu đến tâm sinh lý của các trò khi đang ở giai đoạn nhạy cảm: Các em vừa muốn khẳng định mình, vừa sợ thất bại. Vậy nên thầy khuyên nhủ học trò: Khi trò buồn hãy tìm ai đó để sẻ chia; Hãy tận hưởng tuổi trẻ của mình; Con trai hãy mạnh mẽ; Con gái phải luôn xinh đẹp trong mọi hoàn cảnh....
Đề bài thầy giao còn là lời truyền đạt kinh nghiệm hữu ích của người từng trải đối với các trò thân yêu của mình để mai sau thành công, dù có mải chơi đến đâu các em vẫn phải trau dồi kỹ năng mềm và khả năng ngoại ngữ của mình. Bây giờ mải chơi, thành công sẽ bỏ xa.
Sau cùng, điều thầy muốn “giao” cho các trò của mình đó là: các con hãy trở thành người tử tế và hạnh phúc.
Một số bình luận về bài tập đặc biệt của thầy Đỗ Đức Anh giao cho trò:
- Tuổi trẻ sẽ thật tuyệt vời, sẽ không còn những bạn áp lực quá đến trầm cảm, sẽ không còn những kỳ nghỉ hè phải học thâu đêm suốt sáng nếu gặp được những người thầy giáo thế này.
- Một tuổi trẻ được ươm mầm tốt và đủ sẽ mang lại thành công hơn là việc ép nó theo một khuôn khổ.
- Xúc động quá. Mình lại nhớ đến cô giáo chủ nhiệm của mình. Những tháng năm mình cũng điên rồ lắm.
- Chợt nhận ra là dù đã ra trường 11 năm rồi nhưng có những bài tập trong đề bài này mình vẫn chưa thật sự hoàn thành.... Rưng rưng nhớ lại mùa hè năm cuối cấp quá sức.
- Bài tập của thầy thân thương và ấm áp quá. Có lẽ muốn phụ huynh cùng thực hiện với các em nên thầy đã trao cho họ.
- Thương quá. Hoài mong em nộp bài.
- Đọc mà rơm rớm nước mắt. Nhớ thời nhất quỷ nhì ma.
- Tôi đã khóc khi đọc những dòng chữ này, cảm động thật sự. Thầy giáo thật tuyệt vời.