Xây dựng thời gian biểu hợp lý
Trước hết, để đạt hiệu quả tối ưu, mỗi em phải tự xây dựng cho mình một thời gian biểu hợp lý sao cho vừa bảo đảm kế hoạch ôn tập, vừa giữ gìn sức khỏe để có thể bước vào cuộc thi với phong độ thư thái, tự tin, nghiêm túc.
Về nghỉ ngơi: đây là vấn đề hệ trọng bởi được nghỉ ngơi, thư giãn sẽ giải tỏa được sự căng thẳng, bức bối... Các em nên thu xếp để sau 45 phút - 1 giờ hoặc sau một vấn đề, một chủ điểm ôn tập vừa được hệ thống hóa, sau một bài tập khó vừa giải được... có thể chợp mắt hoặc dành ít phút nghe nhạc, chơi quần vợt, chơi tennis hay làm mấy động tác thể dục hay tản bộ... Các nghiên cứu cho thấy lối nghỉ ngơi này tích cực hơn nhiều, cơ thể hồi phục sức khỏe nhanh hơn, đầu óc nhẹ nhõm hơn so với thuần túy nằm nghỉ.
Chăm sóc giấc ngủ: Ngủ là một hình thức nghỉ ngơi quan trọng sau một ngày làm việc, giúp các em lấy lại sức lực, đầu óc sảng khoái hơn, tinh thần trở nên minh mẫn hơn sẵn sàng bước vào một ngày mới. Như một cỗ máy chẳng hạn, dù có tinh vi, hiện đại đến mấy thì sau một thời gian hoạt động vẫn phải được bảo dưỡng định kỳ mới có thể tiếp tục vận hành bình thường và mới kéo dài được tuổi thọ. Cơ thể người ta đại loại cũng vậy. Các em lại đang tuổi ăn tuổi ngủ thì giấc ngủ càng quan trọng. Ở người, nếu bị mất ngủ cộng với tình trạng tâm lý căng thẳng kéo dài có thể làm giảm trí nhớ, khó tập trung chú ý vào bài vở, ù tai, chóng mặt, bẳn tính, chuột rút, đau mỏi bắp thịt, chán ăn...
Các em nên thu xếp để mỗi ngày có thể ngủ 5 - 6 giờ, còn buổi trưa thì chỉ cần thiu thiu ngủ hoặc nằm thư giãn chừng 15 - 30 phút. Các em nên để đồng hồ báo thức hoặc dặn người nhà đánh thức để có thể yên tâm vào giấc ngủ, không phải phấp phỏng vì sợ ngủ quên, nhất là trong những ngày thi có thể bị muộn giờ, lỡ buổi thi.
Nơi ngủ cần sạch sẽ, thoáng đãng, mát mẻ và yên tĩnh để giấc ngủ được sâu. Các em nên tản bộ ít phút trước khi đi ngủ để dễ ngủ và ngủ ngon hơn. Cần tránh thức khuya, nhất là đêm trước ngày thi. Nhiều em vì quá lo lắng, học đến 2 - 3 giờ sáng, mỗi đêm chỉ ngủ 3 - 4 giờ, hôm sau lại ngủ gà ngủ gật. Hậu quả là các em bị thiếu ngủ triền miên khiến người mệt mỏi rã rời, đầu óc mụ mị.
Không nên xem nhẹ chuyện ăn uống
Để đủ sức ôn luyện và sẵn sàng bước vào kỳ thi, các em cũng đừng xem nhẹ việc ăn uống. Y học lao động xếp chế độ học tập, làm việc của học sinh, sinh viên thuộc loại hình lao động có mức tiêu hao năng lượng tương tự lao động thể lực vừa, nhưng tại những thời điểm ôn luyện và thi cử do tính chất khẩn trương, căng thẳng thì khác. Khẩu phần của các em phải đáp ứng được nhu cầu của cơ thể đang lớn, đồng thời phải bù đắp được phần năng lượng tiêu hao, phải thỏa mãn nhu cầu đặc biệt của bộ não, do đó:
- Bữa ăn của các em cần có đủ chất, đặc biệt là có đủ protein, vitamin và chất khoáng. Nên chọn thịt nạc (thịt gà), cá, đậu, các loại rau quả tươi. Một khẩu phần đa dạng, cân đối, được chế biến hợp khẩu vị, thường xuyên thay đổi món... các em ăn ngon miệng hơn, ăn được nhiều hơn.
- Nói đến chất lượng bữa ăn không thể không nói đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu được ăn các món ăn do chính gia đình mình chế biến là tốt nhất, vừa ngon vừa sạch. Với các em ở ngoại tỉnh hoặc nhà xa, những ngày thi cử thường phải chịu thiệt thòi, phải chấp nhận cảnh “cơm hàng cháo chợ” và nguy cơ bị “tào tháo” đuổi là có thể. Vì vậy, các em nên chọn những quán ăn sạch sẽ, xa cống rãnh, nơi đổ rác; có tủ đựng thức ăn tránh được bụi, ngăn được ruồi, gián; có dụng cụ riêng (dao, thớt, rổ rá...) cho từng loại chín, sống; có kẹp gắp thức ăn không dùng tay trần bốc thức ăn; không ăn ở các quán vỉa hè, không ăn quà rong.
- Vì đang mùa nắng nóng, cơ thể cần nhiều nước. Bình thường, mỗi ngày cơ thể cần khoảng 2,5 lít nước, riêng nước uống là 1,2 - 1,5 lít. Những ngày nóng nực, nhiệt độ ngoài trời có thể lên đến 39oC hoặc hơn, cơ thể bị mất nhiều mồ hôi, các em cần uống nhiều nước hơn. Nước uống có thể là nước khoáng, nước tinh lọc đóng chai... tất nhiên phải là thứ thiệt. Còn không thì tốt nhất là uống nước đun sôi để nguội. Các em có thể chuẩn bị từ nhà, đựng nước trong chai sạch mang đến trường thi để uống trong khi chờ đợi vào phòng thi. Như thế, chắc chắn sẽ không phải uống nước ở quán ven đường, không lo bị tiêu chảy làm ảnh hưởng đến cuộc thi. Các loại nước quả (cam, chanh, dứa, xoài...) vừa giảm khát vừa bổ dưỡng rất tốt, nhưng các em cần cảnh giác vì nếu dụng cụ pha chế, cốc thìa, nước đá và đôi tay người phục vụ không bảo đảm vệ sinh, uống phải sẽ dễ bị đau bụng, tiêu chảy... không chỉ gây phiền toái mà còn ảnh hưởng đến cuộc thi của các em.
Thận trọng trong việc đi lại
Việc đi lại của các em trong thời gian này cũng cần thận trọng hơn, tránh để xảy ra va chạm hoặc tai nạn làm ảnh hưởng đến việc ôn tập và cuộc thi. Trong những ngày các em đi thi, gia đình nên bố trí người đi cùng để có thể kịp thời ứng cứu khi xảy ra “sự cố” (xe hỏng, tai nạn...) thì yên tâm hơn. Với các em ngoại tỉnh hay nhà ở xa địa điểm thi, cần cố gắng thu xếp ở trọ gần phòng thi để đỡ phải đi lại xa, tránh được sự cố giao thông (như va quệt, tắc nghẽn, đường ngập úng khi trời mưa...) làm chậm giờ.
Tóm lại, không chỉ bản thân các em mà các bậc cha mẹ, nhà trường và cả xã hội nên tập trung nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất trong hoàn cảnh có thể để các em học tốt, thi tốt.