Nếu bạn gõ dòng chữ “tám trí thông minh” lên mạng, bạn sẽ thấy thế giới người ta xác định hầu như ai cũng có một trí thông minh khác biệt.
Nếu đã đọc về "tám trí thông minh", và đồng cảm với điều tôi đã viết trong bài Học để tự do thì ngay từ thuở học sinh, mỗi bạn (và cha mẹ khuyến khích con) nên tự do lựa chọn con đường tương lai của mình.
Tôi muốn kể câu chuyện về bạn tôi. Ngay sau khi tốt nghiệp Trường trung cấp Sư phạm trung ương, bạn đã từ chối việc được phân công về tiếp quản Thủ đô để xin về Lào Cai, một tỉnh miền núi xa xôi chỉ vì ước ao sẽ trở thành nhà văn.
Đành rằng nghề nào muốn giỏi cũng khó nhưng theo tôi viết văn là nghề khó nhất. Không phải ai cũng có thể trở thành nhà văn. Rất nhiều người muốn trở thành hội viên Hội nhà văn, nhưng họ quên rằng dù có cái thẻ hội viên song người đọc khó có thể coi họ là nhà văn khi các tác phẩm anh viết ra không để lại dấu ấn gì trong lòng công chúng. Nghề gì muốn giỏi cũng phải học nhưng nghề viết văn thì không ai dạy nổi. Vậy mà bạn tôi đã tự làm được. Đó là nhà văn Ma Văn Kháng, người bạn học với tôi thời cấp ba.
Năm 1954, sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm trung cấp Trung ương ở Nam Ninh, Trung Quốc, tôi vì quá ít tuổi nên được cử về học tiếp Đại học Sư phạm khoa học tại Hà Nội, Kháng được cử về tiếp quản Thủ đô để dạy cấp II. Một vinh dự hiếm có lúc ấy. Nhưng Kháng đề nghị được về Lào Cai. Bạn bè ai cũng nghĩ Kháng quê ở Lào Cai, đâu biết quê anh ở ngay ngoại thành Hà Nội.
Kháng xin về Lào Cai vì trong người đã có máu viết văn và nghĩ rằng lên biên cương với đông đảo bà con dân tộc ít người mới là mảnh đất để tôi luyện ngòi bút. Thời đó Lào Cai còn loạn lạc. Kháng phải tham gia nhiều công tác tiễu phỉ, xây dựng hợp tác xã... trước khi trở thành ông giáo. Kháng bám chặt lấy mảnh đất ngồn ngộn tư liệu sống ấy trong rất nhiều năm.
Truyện ngắn đầu tiên dưới tên Ma Văn Kháng được đăng trên báo Văn nghệ với nhầm tưởng là một người dân tộc Tày tập viết đã là nguồn động viên quý giá bắt đầu sự nghiệp của một nhà văn cho đến tận hôm nay, khi đã bước sang tuổi 80. Tôi không muốn kể về thành tựu văn chương của Kháng vì với giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng ASEAN và hàng chục luận án thạc sĩ, tiến sĩ khai thác về nhà văn này đã nói lên quá đủ.
Tôi viết bài này chỉ vì quá xúc động khi đọc cuốn tiểu thuyết mà Kháng nói "có lẽ là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của mình tặng Lân Dũng". Tôi nói ngay với Kháng: "Mình kém bạn hai tuổi, lại mang hai stent trong động mạch vành rồi nhưng không bao giờ mình nghĩ đã viết cuốn sách cuối cùng. Nói thế là nói dại. Còn sống còn phải viết, còn phải cống hiến".
Đó là cuốn "Người thợ mộc và tấm ván thiên". Cuốn tiểu thuyết giản dị về một ông giáo bị trù dập phải đi học nghề mộc để nuôi vợ con, và sau cùng khuyên ông thầy dạy nghề mình đừng lấy ác để trả thù ác. Chỉ có vậy thôi mà tôi phải đọc rất chậm từng dòng, từng trang vì một lý khác.
Đó là điều tôi muốn tâm sự với ai có mộng ước viết văn: phải biết chục, biết trăm, thậm chí biết nghìn điều mới viết thành một. Một sự nghiệp thành tài là sự tự học suốt đời qua cuộc sống quanh mình, qua kiến thức thu nhận được từ sách vở, từ bạn bè. Với nhà văn, cuộc đời thấm vào máu thịt và chảy ra ngòi bút đúng lúc, đúng chỗ. Người đọc thấy thú vị không chỉ bởi diễn biến cốt truyện mà chính là thấy mình học được thêm nhiều điều, khiến kiến thức của mình rộng ra, tâm hồn mình được tắm mát và nhân lên niềm vui sống.
Tôi cũng mới đọc cuốn sách của cô bé 16 tuổi, Trịnh Thị Huyền Vi, là con gái cưng của bạn tôi - nhà báo Trịnh Bá Ninh. Tôi biết cháu từ nhỏ và không ngờ năm nay cháu đã là sinh viên năm thứ nhất của Đại học Công nghệ Indiana. Ninh tặng tôi cuốn sách cháu Vi viết về những năm học phổ thông ở Mỹ. "Tôi được dạy là tôi luôn phải cố gắng, cố gắng để tìm ra con đường của mình vì tôi còn trẻ. Và người trẻ nào thì cũng lạc lối, vấp ngã rất nhiều lần", Vi viết, "Không phải cặp sách nặng mà ước mơ mới là nặng. Dù bạn muốn thành ai thì bạn cũng phải nỗ lực hết mình. Bạn không thể cứ mãi sống một cách bất cẩn rồi mong mơ ước của mình thành sự thật... Ai biết sau này sẽ thế nào, nhưng thanh xuân chỉ có một lần, lãng phí nó để sống một cuộc đời núp sau bóng người khác thì không bao giờ là đáng nhớ cả".
Thế giới ngày mai biết bao thách thức nhưng cũng tràn đầy cơ hội dành cho những người có ý chí phấn đấu, có sức khoẻ, có ngoại ngữ, am hiểu công nghệ thông tin và nhất là can đảm dám ước mơ lớn.
Các cháu học sinh, những nhà giáo, nhất là các nhà quản lý đang nắm vận mệnh của cả nền giáo dục, liệu có thể thay đổi 180 độ trong suy nghĩ về mục đích sống, về tương lai, về ý nghĩa của hạnh phúc và tự hỏi cách dạy, cách học của ta phải thế nào để giúp người trẻ không thụ động và lạc lối?