Một số trường học hiện đã có phòng tư vấn tâm lý nhưng con số này không nhiều
25,1% học sinh bị rối loạn lo âu
PGS.TS Trần Thành Nam, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho biết, một nghiên cứu được tiến hành trên 235 học sinh THPT trên địa bàn Hà Nội với các câu hỏi liên quan đến các dạng lo âu và mức độ ảnh hưởng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ học sinh THPT bị rối loạn lo âu lên tới 25,1%; Tỉ lệ học sinh có nguy cơ gặp các vấn đề lo âu chiếm tỉ lệ lên tới 47,2%. Trong đó, những lo lắng thường gặp nhất ở học sinh là vấn đề quan hệ với giáo viên, về các tình huống kiểm tra và sợ không thỏa mãn mong đợi của người khác. Kết quả khá bất ngờ nữa, đó là những học sinh có sự lo âu càng cao thì lòng tự trọng, động cơ và thành tích học tập càng thấp.
Ông Nam cũng cho rằng, lo âu lứa tuổi học đường có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, có liên quan tới các mối quan hệ và các dạng hoạt động trong cuộc sống học đường như: quan hệ bạn bè, thầy cô, áp lực học tập, nhu cầu đạt được thành tích, sự tự đánh giá, áp lực đánh giá từ người khác và nhu cầu thể hiện bản thân…
Trong tọa đàm “Trầm cảm - chuyện không của riêng ai”, được tổ chức tại ĐHQG Hà Nội mới đây, PGS. TS Nguyễn Kim Việt, nguyên trưởng bộ môn Tâm thần - ĐH Y Hà Nội cho rằng, trong 300 bệnh lý về sức khỏe tâm thần thì trầm cảm là bệnh phổ biến nhất. Đặc biệt, số người mắc bệnh trầm cảm ngày càng có dấu hiệu tăng nhanh, tăng cao đặc biệt ở lứa tuổi trẻ em và vị thành niên. Hàng năm ở Việt Nam, có khoảng 3 triệu trẻ em cần được trị liệu về tâm lý vì các em đang phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe tâm thần.
PGS. TS Đặng Hoàng Minh, Giám đốc Trung tâm thông tin hướng nghiệp và nghiên cứu ứng dụng tâm lý (ĐH Giáo dục) cho biết, trong quá trình tiếp xúc để thực hiện các nghiên cứu cho thấy, nhiều học sinh tự nhiên không có hứng thú học tập, không thích học… Khi đó, không phải do các em lười học mà có thể đang gặp vấn đề về tâm lý.
Tương tự, trước đó, báo cáo của bác sĩ Ngô Thanh Hồi trong hội thảo quốc tế về các vấn đề sức khỏe tâm thần trẻ em thì có đến 19,5% học sinh trong độ tuổi từ 10-16 trên địa bàn Hà Nội gặp trục trặc về sức khỏe tâm thần, trong đó hơn 16% học sinh có vấn đề về cảm xúc lo âu, trầm cảm. Một nghiên cứu về dịch tễ học đã tiến hành trên học sinh các trường THCS và THPT cho thấy có 16% trẻ có vấn đề cảm xúc và 24% trẻ có vấn đề về hành vi.
Lý giải về điều này, TS Nam cho rằng, học sinh THPT là lứa tuổi có sự thay đổi mạnh mẽ về mặt tâm lý. Có nhiều học sinh quá lo lắng trước những gì các em cho là trách nhiệm của bản thân, không có chiến lược ứng phó hiệu quả nên có thể sẽ gây ra những trở ngại trong cảm xúc, hành vi của cá nhân dẫn đến những khó khăn trong các hoạt động ở trường và ở gia đình.
Học sinh đang chịu áp lực vì thầy cô?
Quá trình nghiên cứu, chuyên gia cho biết đã có những cuộc phỏng vấn sâu đối với học sinh. Kết quả, cho thấy có nhiều em gặp khó khăn trong nhiều tình huống. Cụ thể như, có học sinh chia sẻ với chuyên gia rằng: “Cô giáo dạy Tiếng Anh ghét em vì em lỡ lời nói cô ấy có cái đầu to. Từ dạo đó, cô thường xuyên gọi em lên bảng kiểm tra miệng và luôn để ý đến những lỗi nhỏ nhất của em”. Hay có học sinh tỏ ra bức xúc với cô giáo khi bài kiểm tra chỉ đạt được điểm 7 trong khi nghĩ mình làm tốt hơn.
Được xếp thứ hai về lo âu là các tình huống kiểm tra và các em sợ không thỏa mãn mong đợi của người khác. Nhiều học sinh chia sẻ, các em cảm thấy áp lực, sợ hãi trong mọi kỳ kiểm tra. Hay sự kỳ vọng không hợp lý của cha mẹ cũng là nguyên nhân gây ra lo lắng về việc không thỏa mãn mong đợi của người khác. Có học sinh trả lời:“Cha mẹ em đặt nhiều kỳ vọng và luôn cảm thấy em học chưa phấn đấu hết khả năng. Họ cho rằng em sẽ học tốt hơn, đạt thành tích cao hơn các bạn khác nếu chăm học hơn. Điều này làm em thấy rất áp lực”. Một học sinh khác chia sẻ: “Mẹ hay so sánh em với con của bạn bố mẹ về thành tích học ngoại ngữ khiến em thấy mình rất kém cỏi và tự ti”.
Nghiên cứu cũng chỉ ra, những học sinh có biểu hiện lo âu đều có tỉ lệ nghịch với chỉ số lòng tự trọng và khả năng ứng phó với stress. Chuyên gia lý giải, những đứa trẻ có nhiều lo âu, luôn có những cảm xúc ấm ức. Đặc biệt, những học sinh gặp vấn đề lo âu cũng có kết quả học tập trong 3 năm liên tiếp rất thấp. Trong đó, việc lo âu về mối quan hệ với giáo viên có tương quan mạnh nhất đối với học lực của học sinh.
Ông Đặng Hoàng Minh cũng cho rằng, khi đối tượng trầm cảm đi đến các hành động quá nghiêm trọng như tự tử, tự làm đau bản thân… thì phụ huynh, nhà trường mới phát hiện là quá muộn. Điều này liên quan đến nhận thức xã hội, từ trước đến nay, người Việt Nam nói chung chưa quan tâm đúng mức tới sức khỏe tâm thần.
PGS.TS Trần Thành Nam nhận định, dù học sinh đang đối mặt với rối loạn lo âu, trầm cảm nhưng vấn đề chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Vì thế, mỗi nhà trường cần có chuyên gia tư vấn tâm lý để hỗ trợ giáo viên nắm bắt kịp thời tâm lý học sinh. Cha mẹ, thầy cô và bạn bè cũng cần có nhận thức để nhận thấy dấu hiệu con/ học sinh/ bạn của mình đang gặp vấn đề để có giải pháp kịp thời.