Nguyễn Võ Thanh Việt (bên phải) trong ngày bế giảng (Ảnh: Báo Vietnamnet)
Tôi đã từng đọc, từng nghe rất nhiều bài phát biểu của học sinh, sinh viên trong ngày tổng kết năm học nhưng chưa thấy có bài phát biểu nào để lại những cảm xúc thật sự.
Bởi lẽ, những bài phát biểu bây giờ phần nhiều là lấy trên mạng Internet rồi chỉnh sửa hoặc người viết, người đọc không phải là một nên cảm xúc thật gần như không có.
Vì thế, khi đọc bài phát biểu trong ngày bế giảng (06/6/2019) của sinh viên Nguyễn Võ Thanh Việt (lớp Chất lượng cao K65), thủ khoa K65 của Khoa Vật lý và là thủ khoa năm 2019 của Trường đại học sư phạm Hà Nội thì tôi đã thực sự xúc động và trăn trở nhiều điều.
Đó là một bài viết thật, bài viết đó là của một người con vùng biển nên có cái mặn mòi của biển cả mênh mông, có cái tình đơn sơ, mộc mạc của con người sinh ra và lớn lên trên dải đất miền Trung tảo tần.
Dải đất ấy, miền quê ấy, luôn sinh ra những người con chất chứa nghĩa tình và luôn nặng lòng với quê hương của mình bởi còn nhiều khó khăn, thua thiệt trước cái khắc nghiệt của thời tiết, trước bão lũ triền miên…
Đó là một bài viết thật của một sinh viên sư phạm được đào tạo bài bản nên bài viết súc tích và lập luận khá chặt chẽ.
Ở đó có sự lý giải vì sao em lại chọn trường trường Đại học Sư phạm Hà Nội, vì sao em “may mắn khi mình là một phần của khoa Vật lí, một phần của ngôi trường này”.
Và, cao hơn nữa là lòng biết ơn thầy cô đã dạy dỗ, đã nâng đỡ mình trong suốt quá trình 4 năm học tập trên giảng đường đại học.
Việt nói về những thầy cô của mình: “đã luôn kiên nhẫn trước những sai lầm của chúng em, đã ân cần giúp đỡ mỗi khi chúng em thắc mắc, đã nương tay cho những lần thể hiện không tốt trong bài kiểm tra”.
Chỉ thế thôi, những thầy cô cũng thấy ấm lòng trong buổi tốt nghiệp của sinh viên…
Nhưng, điều chúng tôi tâm đắc trong bài viết không phải là nguồn gốc xuất thân, cũng không phải là lý do chọn đất Hà Nội và càng không phải là lòng biết ơn.
Chúng tôi thấy thích thú hơn trong bài viết của Thanh Việt là những nghĩ suy, những trách nhiệm với nghề, là những trăn trở khi làm thầy…
Quan niệm không phải cứ đứng trên bục giảng sẽ được gọi là thầy, là cô
Chúng tôi rất tâm đắc với suy nghĩ trong bài phát biểu của sinh viên Nguyễn Võ Thanh Việt khi nghĩ về nghề dạy học.
Việt nói: “Ngày còn là học sinh, mình có ước ao lớn hơn nhiều. Mình từng mong sẽ làm điều gì đó lớn lao cho giáo dục nước nhà.
Trải qua năm đầu đại học, mình thấy rằng không phải cứ đứng trên bục giảng thì sẽ được gọi là thầy, là cô. Để trở thành giáo viên đúng nghĩa thì còn cần nhiều hơn những điều mình đã nghĩ”.
Đúng- một người “giáo viên đúng nghĩa” cần phải có rất nhiều thứ khác nữa chứ không chỉ tri thức bởi ngoài việc cung cấp, tái hiện lại những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa thì có nhiều người không là thầy cô giáo cũng có thể làm được.
Nhưng, người thầy khác hơn ở chỗ là ngoài cung cấp tri thức cho học trò còn phải biết giúp học trò yêu thích, say mê môn học. Biết khích lệ học trò biết vươn lên.
Đó là tình yêu, sự bao dung, biết động viên học trò vượt qua những nghịch cảnh của cuộc đời (nếu có) để trưởng thành.
Những câu hỏi tự đặt ra rồi lại tự trả lời của Thanh Việt như một khúc nhạc du dương trong đêm tĩnh lặng. Có lúc ngân vang, có lúc trầm bổng, có lúc lại thật nhẹ nhàng để đến với mọi người bằng những ngôn từ giản đơn mà sâu sắc vô cùng.
Trách nhiệm của một người thầy lớn lắm, quan trọng lắm trong việc giáo dục và định hướng cho học trò trong thời đại ngày nay.
Vì thế, Việt nói: "Lúc này, mình chỉ mong sẽ trở thành một giáo viên tốt, được học sinh yêu mến. Khi học sâu hơn một chút, mình bắt đầu tự hỏi: Chúng ta sẽ dạy gì cho học sinh của mình?
Câu trả lời ban đầu thật rõ ràng, là giáo viên vật lí thì dạy Vật lí, nhưng như thế thì vẫn chưa đủ".
Rồi Việt tự trả lời: “Đầu tiên, mình sẽ dạy học sinh biết đọc…Điều thứ hai, mình sẽ dạy học sinh biết lắng nghe…Điều thứ ba mình dạy cho học sinh là biết đấu tranh…Cuối cùng, mình mong dạy được cho học sinh biết giúp đỡ lẫn nhau”.
Mỗi điều Nguyễn Võ Thanh Việt đưa ra đều có cách lý giải thuyết phục mà ở đó là sự bao dung, nhân ái và trách nhiệm của người thầy đối với học trò tương lai của mình.
Cuối bài phát biểu của Thanh Việt là những dự cảm cho tương lai của mỗi sinh viên: “Tất cả chúng ta ngồi đây, sau này sẽ làm những nghề rất khác nhau.
Có thể sẽ trở thành giáo viên, giảng viên, cũng có người sẽ đi theo nghiệp nghiên cứu, có người sẽ tham gia vào con đường chính trị, cũng có người chọn nghề không còn liên hệ gì đến Vật lí nữa.
Nhưng mỗi chúng ta đều là một nhà giáo dục, với con cháu của chính chúng ta, với người thân của chúng ta và với tất cả mọi người xung quanh.
Chỉ cần mỗi chúng ta đều mong muốn thay đổi nơi mà mình đang sống một chút, tất cả chúng ta sẽ thay đổi được những điều lớn lao vượt cả mong đợi”.
Nguyễn Võ Thanh Việt đã nói rất đúng, học sư phạm nhưng không phải ai ra trường cũng đều đi dạy học. Nhất là trong thời điểm này, xin được việc đúng ngành nghề mà mình đã học, đã được đào tạo không phải là điều sinh viên nào cũng làm được.
Nhưng, dù làm gì nhưng mỗi chúng ta “đều là một nhà giáo dục” thì ắt xã hội sẽ có nhiều người tốt, nhiều việc làm tốt.
Bài phát biểu của Nguyễn Võ Thanh Việt không chỉ là tình cảm của một sinh viên cuối khóa nói lên cảm xúc của trước lúc hoàn thành khóa học mà đó còn là trách nhiệm của một thanh niên, một trí thức đối với đất nước.
Và, nếu như mỗi sinh viên, mỗi con người chúng ta “đều mong muốn thay đổi nơi mà mình đang sống một chút, tất cả chúng ta sẽ thay đổi được những điều lớn lao vượt cả mong đợi”.
Đây cũng là một thông điệp của Nguyễn Võ Thanh Việt rất đáng cho mọi người chúng ta phải nghĩ suy trước thái độ và cách sống của mình.
Tài liệu tham khảo:
//phys.hnue.edu.vn/bai-phat-bieu-day-cam-xuc-va-tam-huyet-cua-thu-khoa-nguyen-vo-thanh-viet