Song song, nhóm cũng trích lấy chất Rotenon (hay tubôtxin, derrin) từ cây thuốc cá. Rotenon: C23H22O6 cực độc với cá và độc với côn trùng, nhưng đối với người hay các động vật máu nóng lại không có tác dụng gây độc.
Từ những hợp chất trên, nhóm đã tạo nên thuốc trừ sâu sinh học và được áp dụng vào thực tiễn ở địa phương.
Tiêu diệt đến 90% các loại sâu hại
Theo Nguyễn Thị Yến Bình, thành viên nhóm nghiên cứu, khó khăn lớn nhất mà nhóm gặp phải đó là không biết cách tách chiết hiệu quả 2 chất này trong cây. Nhóm đã nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn của thầy Nguyễn Ngọc Hải (giáo viên trường) để thực hiện công đoạn.
Để tạo ra hợp chất thuốc trừ sâu sinh học, nhóm đã xay nhuyễn cây cúc dại và rễ cây thuốc cá cùng nước cồn thành một hỗn hợp. Đem hỗn hợp này chưng cất qua hệ thống sinh hàn để được hỗn hợp thành phẩm.
Việc trích lấy sản phẩm từ cây thuốc cá được nhóm đập dập cho vào nước (tỉ lệ 1kg thuốc cá sẽ kết hợp với 2 lít nước), sau đó, tiến hành lọc lấy dung dịch.
Hai loại dung dịch sau khi tách chiết xong sẽ được hòa trộn theo tỉ lệ nhất định, tạo thành hỗn hợp thuốc trừ sâu sinh học.
Sau khi có được hỗn hợp, nhóm thử nghiệm trên rau muống và rau dền tại vườn rau của ông Huỳnh Văn Chiêm, xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách nhằm xác định số lượng sâu chết so với luống rau không sử dụng thuốc.
“Sau 2 tuần sử dụng tưới hỗn hợp thuốc trừ sâu sinh học, kết quả tỉ lệ sâu hại trên vườn rau của tôi không còn hoặc còn chút ít. Điều này rất hiệu quả bởi vì trước kia tôi phải phun thuốc hóa học rất nhiều lần, tốn nhiều chi phí”, ông Chiêm nói.
Dung dịch thuốc trừ sâu sinh học sau khi tách chiết xong. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Sản phẩm tạo ra bước đầu đã có những ưu điểm đáng kể: Có khả năng tiêu diệt trên 90% sâu tơ hại rau màu (rau muống và rau dền),
“Nguyên liệu từ các cây dại có sẵn trong tự nhiên nên giá thành rẻ, là tiền đề thuận lợi để ứng dụng vào thực tế”- thầy Nguyễn Ngọc Hải, giáo viên hướng dẫn đề tài nhóm nói.
Sản phẩm này có thể thay thế các sản phẩm hiện có được sử dụng từ các nguyên liệu phức tạp như virut, vi khuẩn, nấm côn trùng,… hay các loại thực vật sử dụng làm gia vị trong gia đình như tỏi, ớt, gừng,…
Nhóm hy vọng trong thời gian tiếp theo, sản phẩm nghiên cứu ngày càng hoàn thiện hơn và sớm đưa vào sử dụng rộng rãi trong các nông hộ.
Thuốc trừ sâu sinh học của nhóm Lê Song Hồ đã dành được giải Ba Giải thưởng tháng (online- đợt 1) & giải Khuyến khích Giải thưởng Năm (offline) của Cuộc Thi Sáng kiến Cộng đồng năm 2016 do Tạp chí Khám phá phối hợp với Phòng Quản lý Khoa học Công nghệ Cơ Sở (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức.