Chia sẻ của bạn thủ khoa kép Lương Thùy Vy - thủ khoa ĐH Luật TP.HCM bật mí bí quyết ôn thi môn Văn đạt điểm cao và hạ gục ban giám khảo: mở đầu bằng một câu thơ hay lời văn, câu danh ngôn của các tác gia nổi tiếng trong và ngoài nước có ý nghĩa gần gũi với tác phẩm được đề cập trong đề thi nhằm tạo ấn tượng ngay từ đầu với giám khảo”
Nói có sách mách có chứng
Về kiến thức, người học phải đảm bảo nắm vững những nội dung cơ bản của từng bài thơ, truyện có trong chương trình thi dựa trên sự truyền đạt của thầy cô cũng như tìm hiểu qua các tài liệu khác.
Khi học, các bạn nên cố gắng nắm bắt những nét đẹp trên hai phương diện: nội dung và nghệ thuật của các chi tiết nghệ thuật có trong tác phẩm. Khi bạn phân tích bất cứ hình tượng nghệ thuật nào cũng phải gắn liền nội dung với đặc sắc nghệ thuật vì hai yếu tố này tương hỗ và làm nên vẻ đẹp hoàn thiện của một hình tượng trong văn hay thơ. Mỗi một hình tượng thường có nhiều cách hiểu khác nhau dựa trên sự cảm nhận của mỗi cá nhân.
Các bạn có quyền phân tích tác phẩm theo cảm nhận chủ quan của mình, không nhất thiết phải rập khuôn theo bài giảng của thầy cô hay lối hiểu truyền thống trước nay; sự sáng tạo trong lối bình luận của các bạn có thể mang lại nét riêng, khó lẫn và chắc chắn ghi điểm trong mắt giám khảo. Tuy nhiên, dù hiểu theo cách nào các bạn cũng phải đưa ra lời giải thích xác đáng cho luận điểm hay đánh giá đó. Có câu “nói có sách, mách có chứng”, các bạn đưa ra bất cứ quan điểm nào cũng phải có lí lẽ rõ ràng, tường minh, thuyết phục; nếu bản thân mơ hồ thì tốt nhất là không viết vào bài thi vì có thể sẽ có tác dụng ngược.
Phân loại nội dung kiến thức
Trong quá trình làm quen với các kiến thức mới cũng như khi ôn tập, tổng hợp, các bạn nên phân loại từng mảng nội dung kiến thức cụ thể: trình tự thời gian hay theo phong cách, trường phái nghệ thuật… điều đó hữu ích vì các bạn sẽ có cái nhìn toàn diện, vừa tổng thể vừa chi tiết về các đối tượng kiến thức khác nhau; đồng thời các bạn cũng có thể so sánh, tìm ra những tương đồng và khác biệt giữa tác phẩm này và tác phẩm kia.
Mình có nhiều cách phân loại khác nhau khi ôn luyện các đơn vị kiến thức:
Là học sinh chuyên sử, mình nhận ra sự gắn bó mật thiết của những chuyển biến của văn học Việt Nam (cụ thể là từ đầu thế kỉ XX đến nay) và dòng chảy lịch sử vì ngững đổi thay của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội có tác động trực tiếp đến văn học nước nhà. Bản thân các bạn cũng sẽ nhận thức được điều này rõ ràng hơn qua những bài văn học sử trong SGK. Trên cơ sở đó, mình có cái nhìn khái quát về khuynh hướng, chủ đề, đối tượng văn học cũng như lối diễn đạt của các tác phẩm của từng thời kì cụ thể: các tác phẩm thơ, truyện thời kì 1954-1975 thường hướng về bối cảnh chiến tranh, ca ngợi hình tượng anh hùng nhân dân vì đất nước ta bấy giờ, nhất là Miền Nam ruột thịt đang sống trong mưa bom bão đạn của giặc Mĩ: Những đứa con trong gia đình, Rừng xà nu...
Mặt khác, các bạn cũng có thể phân loại tác phẩm dựa vào khuynh hướng: hiện thực, lãng mạn...Sâu xa hơn, sự phân loại này cũng là nền tảng để các bạn so sánh đối chiếu từng tác phẩm cùng hoặc khác đề tài. Lưu ý, so sánh bao giờ cũng bao gồm: tương đồng và khác biệt.
Học văn như nấu ăn
Trong quá trình ôn luyện và thi Văn thì kĩ năng đóng vai trò hết sức quan trọng. Nó giống như để nấu một món Phở với những nguyên liệu hoàn toàn giống nhau: nội dung ôn thi của học sinh cả nước là như nhau nhưng có người nấu mặn, có người nấu lạc, có người nấu vị thanh lại có người nấu vị đậm đà; hương vị món ăn thế nào đôi khi phụ thuộc vào khẩu vị của người ăn (giám khảo) nhưng trên hết phụ thuộc vào kĩ năng chế biến của người đầu bếp (thí sinh). Để đạt kết quả tốt nhất có thể trong kì thi tuyển sinh, các bạn cần phải có nền tảng kĩ năng phân tích, giải thích, bình luận, so sánh, đối chiếu... biết kết hợp, vận dụng khéo léo trong bài viết để tạo nên sự đa dạng, mới mẻ trong lối viết; tránh cách dụng văn đơn điệu, một màu, nhàm chán. Một khi đã viết văn thuần thục cộng với kiến thức nền vững, các bạn sẽ không bao giờ phải rập khuôn văn mẫu hay tốn hàng giờ học thuộc tất cả những bài văn mẫu có sẵn.
"Hạ gục" ban giám khảo bằng chi tiết sáng tạo
Sáng tạo trong bài thi Văn sẽ mang lại cho bạn điểm cao. Có nhiều yếu tố cấu thành nên sự sáng tạo: lối diễn đạt, dẫn chứng, bố cục, luận điểm, ngôn từ... Trong một đoạn văn các bạn nên đa dạng hóa kiểu câu, bên cạnh câu đơn, câu tường thuật, nên dùng câu phức, cảm thán, câu hỏi tu từ nhằm tạo ra giọng điệu mới; các bạn cũng nên sử dụng các dẫn chứng thực tế, gần gũi cho bài Nghị luận xã hội, hay những chi tiết trong các tác phẩm văn thơ khác để so sánh và làm nổi bật hơn tác phẩm được yêu cầu phân tích song không nên dùng những dẫn chứng quá quen thuộc, quá phổ biến dễ gây nhàm chán; ngôn từ nên đa dạng linh hoạt và chính xác...
Bản thân mình khi viết bài nghị luận văn học, phần mở bài bao giờ mình cũng cố gắng dùng một câu thơ hay lời văn, câu danh ngôn của các tác gia nổi tiếng trong và ngoài nước có ý nghĩa gần gũi với tác phẩm được đề cập trong đề thi nhằm tạo ấn tượng ngay từ đầu với giám khảo. Để làm được điều này đòi hỏi quá trình tích lũy kiến thức và đọc nhiều tài liệu tác phẩm văn học ngoài chương trình; gặp lời thơ, lời văn nào có ý nghĩa mình đều ghi lại vào sổ tay - đây là thói quen cần thiết đối với bất kì người học văn nào. Với bạn nào ko có nhiều thời gian đọc sách, các bạn cũng có thể ghi lại những câu châm ngôn hay trên những tờ lịch, mỗi ngày đọc một câu rất hữu ích cho những bài Nghị luận xã hội.
Điều cuối cùng nhưng không kém quan trọng trong việc học Văn, hãy đọc thật nhiều sách, báo, cập nhật tri thức mỗi ngày như một thói quen trong giờ giải trí. Mở rộng tri thức, mở rộng vốn sống, viết văn bằng trái tim dạt dào cảm xúc và cả cái đầu tỉnh táo.