Thầy Nguyễn Vinh Quang - Giáo viên Trường THPT Yên Dũng số 2 (Bắc Giang) – đưa ra 5 lưu ý, giúp các thí sinh sử dụng Atlat hiệu quả trong quá trình học và đặc biệt khi làm bài thi môn Địa lý.
Nắm chắc các ký hiệu
Học sinh cần nắm các ký hiệu chung, tự nhiên, nông nghiệp, công nghiệp, lâm ngư nghiệp...ở trang bìa đầu của quyển Atlat.
Nắm vững các ước hiệu của bản đồ chuyên ngành
Nhấn mạnh việc nắm vững các ước hiệu của bản đồ chuyên ngành, thầy Nguyễn Vinh Quang lưu ý cụ thể:
Thí sinh phải biết sử dụng màu sắc (ước hiệu) vùng khí hậu để nêu ra các đặc điểm khí hậu của từng vùng khi xem xét bản đồ khí hậu.
Đồng thời, nắm vững ước hiệu mật độ dân số khi tìm hiểu phân bố dân cư ở nước ta trên bản đồ “Dân cư và dân tộc”; ước hiệu các bãi tôm, bãi cá khi sử dụng bản đồ lâm ngư nghiệp...
Biết khai thác biểu đồ từng ngành
Với biểu đồ giá trị tổng sản lượng các ngành hoặc biểu đồ diện tích của các ngành trồng trọt: Thông thường mỗi bản đồ ngành kinh tế đều có từ 1 đến 2 biểu đồ thể hiện sự tăng, giảm về giá trị tổng sản lượng, về diện tích (đối với các ngành nông lâm nghiệp) của các ngành kinh tế, học sinh biết cách khai thác các biểu đồ trong các bài có liên quan.
Học sinh cũng lưu ý cách sử dụng các biểu đồ hình tròn để tìm giá trị sản lượng từng ngành ở những địa phương tiêu biểu như: Giá trị sản lượng lâm nghiệp ở các địa phương (tỷ đồng) trang 17 Atlas.
Biết rõ câu hỏi như thế nào có thể dùng Atlat
Với nội dung này, thầy Nguyễn Vinh Quang nhấn mạnh: Các câu hỏi đều có yêu cầu trình bày về phân bố sản xuất, hoặc có yêu cầu nói rõ ngành đó ở đâu, vì sao ở đó? Trình bày về các trung tâm kinh tế,... đều có thể dùng bản đồ của Atlat để trả lời.
Các câu hỏi có yêu cầu trình bày tình hình phát triển sản xuất, hoặc quá trình phát triển của ngành này hay ngành khác, đều có thể tìm thấy các số liệu ở các biểu đồ của Atlat, thay cho việc phải nhớ các số liệu trong sách giáo khoa.
Biết sử dụng đủ Atlas cho 1 câu hỏi
Trên cơ sở nội dung của câu hỏi, cần xem phải trả lời một vấn đề hay nhiều vấn đề, từ đó xác định những trang bản đồ Atlat cần thiết.
Thầy Nguyễn Vinh Quang lưu ý: Trong cấu trúc của đề thi THPT quốc gia sẽ có những phần kiến thức mà học sinh hầu như đã biết trước như: Dân cư, Atlat, vẽ biểu đồ; do đó học sinh phải ôn luyện thật kĩ các nội dung kiến thức của phần này, ngoài ra còn có các phần kiến thức của địa lý tự nhiên, kinh tế trong các ngành kinh tế và các vùng kinh tế
Học sinh phải nắm chắc kiến thức cơ bản cũng như các số liệu dẫn chứng như vậy sẽ có kết quả cao trong khi làm bài thi.