1. "Cậu bé Google" san bằng kỷ lục 16 năm của "Đường lên đỉnh Olympia"
Phan Đăng Nhật Minh (THPT Hải Lăng, Quảng Trị) được mệnh danh là "cậu bé Google" nhờ khả năng trả lời nhanh và chính xác. Minh gây ấn tượng với khán giả truyền hình cả nước qua chương trình "Đường lên đỉnh Olympia" năm thứ 17 khi giành 400 điểm trong vòng thi tuần, san bằng kỷ lục 460 điểm của chương trình trong vòng thi tháng và chiến thắng thuyết phục ở vòng thi quý, trở thành nhà leo núi đầu tiên có mặt trong cuộc thi chung kết năm.
Mẹ Phan Đăng Nhật Minh cho biết "cậu bé Google" nhận biết các con số khi chỉ mới 6 tháng tuổi, đọc chuẩn chữ trên tivi và truyện cổ tích lúc 18 tháng tuổi, giải toán nhanh từ tuổi mầm non. Đó chính là lý do Minh tận dụng tốt 60 giây ở phần thi khởi động, trả lời chính xác ngay khi MC chưa đọc xong câu hỏi. Dù thể hiện xuất sắc trong các phần thi, Phan Đăng Nhật Minh vẫn tiếc nuối vì chưa thể lập kỷ lục mới cho chương trình.
2. Con gái người lao công Sài Gòn vào Harvard
Trần Thị Diệu Liên sinh ra trong gia đình nghèo khó, ở trong căn nhà xập xệ rộng chưa tới 20 m2 vốn là chuồng heo, kho chứa củi. Nguồn sống của gia đình là thu nhập bấp bênh từ nghề thiết kế biển quảng cáo của bố, nghề lao công vất vả sớm hôm của mẹ. Liên từng học lớp chuyên Anh trường chuyên Lê Hồng Phong, là học sinh giỏi suốt 12 năm, có kinh nghiệm dạy thêm tiếng Anh ở các mái ấm tình thương từ ngày cấp ba và các trung tâm ngoại ngữ.
Sau khi đỗ ngành khoa học của một trường đại học ở TP HCM, Liên bảo lưu một hoc kỳ để theo đuổi học bổng du học. Tháng 4, Liên nhận được gói hỗ trợ tài chính suốt 4 năm học trị giá 7 tỷ đồng của Đại học Harvard. Hiện Liên học tập tại ngôi trường danh giá bậc nhất thế giới này.
3. Cô gái người Dao giành học bổng thạc sĩ 47.000 euro
Chảo Thị Yến (Bát Xát, Lào Cai) trải qua chặng đường dài đầy chông gai trước khi giành được học bổng đắt giá SUFONAMA kéo dài hai năm do nhóm 5 đại học tốt nhất châu Âu về lâm nghiệp và quản lý tài nguyên cấp. Yến là người dân tộc Dao, nơi người dân giữ nếp suy nghĩ không ủng hộ con gái học hành. Hết lớp 9, cô phải nghỉ học để đi làm nương. Sau ba năm thuyết phục người nhà, cuối cùng Yến được đi học cấp ba với ước mơ làm cô giáo. Tuy nhiên, trận lũ lịch sử năm 2008 khiến cô thay đổi suy nghĩ, chọn Đại học Lâm nghiệp là bến đỗ tiếp theo bởi khao khát tìm cách giữ rừng, hạn chế lũ.
Yến chật vật vượt qua sự tự ti để học tiếng Anh, làm thêm ở sân golf để trang trải học phí. Cô gái Dao từng trượt học bổng Nhật vì lý do sức khỏe. Cô vừa đi làm vừa tiếp tục gửi hồ sơ xin học bổng và đến tháng 3 nhận được email thông báo trúng học bổng thạc sĩ ngành Quản lý tài nguyên rừng bền vững tại Đại học Gottingen, Đức.
4. Cô gái khiếm thị Việt Nam là sinh viên ưu tú ở Mỹ
Trang Ha, cô gái đến từ Bình Dương, Việt Nam, bị khiếm thị bẩm sinh xuất hiện trên website Đại học Arkansas - Fort Smith (Mỹ) như một tấm gương vượt khó học giỏi với số điểm trung bình năm nhất 4.0 (mức điểm tối đa). Cô sinh viên năm hai đã vượt qua cú sốc ngoại ngữ, dành hơn một tháng học thuộc đường tới trường, đọc sách giáo khoa bằng chữ nổi, học cách sử dụng thiết bị công nghệ phục vụ cho việc học.
Trang tốn 3 tiếng để hoàn thành bài tập, gấp 3 lần một học sinh bình thường. Mỗi khi bắt đầu học kỳ mới, Trang lại mất thêm nhiều thời gian học thuộc đường tới lớp mới, tìm sách giáo khoa. Kết quả học tập sau năm đầu tiên ở đại học là chứng minh nghị lực của cô gái Việt Nam nhỏ bé sống trên đất Mỹ.
5. Kẻ sát nhân hoàn lương trở thành thủ khoa đại học Mỹ
Renald Moore, 42 tuổi có quá khứ đen tối với việc tàng trữ ma túy từ năm 14 tuổi, bắn chết một người đàn ông khi phi vụ buôn bán ma túy không thành năm 18 tuổi và dành hết thời gian tuổi trẻ trong ngục tù. 20 năm thi hành án, Moore tìm cách đối diện với "con quỷ" trong người mình, không ngừng cầu Chúa giúp anh làm lại cuộc đời.
Moore lấy bằng giáo dục đại cương ở trong tù từ năm 2000. Anh ra tù năm 2013 nhưng bất đồng với bố dượng nên sớm thành kẻ vô gia cư, từng sống vạ vật ở gầm cầu, không thể tìm được việc. Mẹ chính là người khích lệ anh vào đại học ở tuổi 39. Tại Đại học Texas Southern, Moore từng bước làm quen với công nghệ, tìm được đam mê trong diễn xuất và tích cực học tập. Cuối năm nay, Moore trở thành thủ khoa, tốt nghiệp với số điểm trung bình 3,9.