Thí sinh muốn có kết quả cao phải nắm được hết kiến thức cơ bản
Nhận xét về đề thi môn Lịch sử trong bài thi minh họa Khoa học xã hội, thạc sỹ Lê Quốc Học – Tổ trưởng tổ Xã hội - Trường THPT Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) - cho rằng, đề đảm bảo về mặt kiến thức, khái quát được nội dung cơ bản của chương trình 12, với độ khó vừa phải, nhiều câu hỏi đã có tính phân loại với từng mức độ (nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng nâng cao) đòi hỏi học sinh phải nắm được các kiến thức cơ bản của bộ môn để giải quyết
Với số lượng câu hỏi, nội dung kiến thức như trong đề minh họa của Bộ GD&ĐT, thời gian theo quy định phù hợp để học sinh đọc hiểu và đưa ra lựa chọn đáp án đúng.
Nhận định về đề thi thành phần môn Địa lý, thạc sỹ Bùi Quốc Hoàn – giáo viên Địa (Trường THPT Đoàn Thị Điểm) - nhận định: Đề thi nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12 như Bộ GD&ĐT đã công bố phương án thi THPT quốc gia.
Trong 40 câu hỏi của đề minh họa được phân đều trong các phần: Địa lí tự nhiên 7 câu hỏi, phần Địa lí dân cư 3 câu hỏi, phần Địa lí các ngành kinh tế 10 câu hỏi, phần Địa lí các vùng kinh tế 10 câu hỏi, phần kĩ năng biểu đồ 5 câu hỏi, phần kĩ năng sử dụng Atlat 5 câu hỏi.
Như vậy, thí sinh muốn thi đạt kết quả cao phải học hết tất cả các phần, sẽ không còn hiện tượng học tủ nữa. Các câu hỏi đảm bảo được những kiến thức cơ bản trong chương trình Địa lí lớp 12 và mang tính cập nhật những vấn đề thời sự của đất nước hiện nay. Học sinh có thể vận dụng kĩ năng sử dụng Atlat để trả lời một số câu hỏi.
Tuy nhiên, cũng theo thạc sỹ Bùi Quốc Hoàn, các câu hỏi trắc nghiệm về kĩ năng vẽ và phân tích biểu đồ chỉ mang tính nhận biết chứ không được thể hiện được rõ những kĩ năng của từng học sinh.
Với môn Giáo dục công dân, thạc sỹ Đỗ Thị Mây – giáo viên môn Giáo dục công dân (Trường THPT Đoàn Thị Điểm) lưu ý: Đề thi không phải là những câu hỏi quá khó nhưng có những câu hỏi rộng nên học sinh phải học hết kiến thức.
Biên soạn giáo án ôn tập dạng các câu hỏi trắc nghiệm
Chia sẻ về định hướng giảng dạy đối với ba môn thuộc bài thi Khoa học xã hội, thạc sỹ Lê Quốc Học cho biết: Riêng môn Giáo dục công dân, tổ bộ môn của trường đã chuẩn bị phương án học và các câu hỏi trắc nghiệm dự kiến. Khó khăn ở chỗ nếu các môn khác việc thi trắc nghiệm đã có lộ trình, như môn Toán, Bộ GD&ĐT cũng có lộ trình từ năm 2007 nên giáo viên trường cũng từng biên soạn câu hỏi trắc nghiệm.
Tuy nhiên môn Giáo dục công dân lại mới hoàn toàn nên các giáo viên sẽ gặp đôi chút khó khăn trong quá trình biên soạn câu hỏi ôn tập cho học sinh làm quen.
Sử, Địa là những môn năm trước học sinh vẫn thi nên vẫn nằm trong 8 môn học được thường xuyên kiểm tra chung. Đề thi trắc nghiệm môn Sử, Địa đòi hỏi tổ nhóm chuyên môn phải biên soạn những giáo án ôn tập dạng các câu hỏi trắc nghiệm và chia ra theo các mảng chủ đề để các em dễ nắm bắt
“Các câu hỏi trắc nghiệm được lựa chọn phải đảm bảo độ chính xác và độ khó về kiến thức qua đó sẽ phân loại và đánh giá được học sinh” - thạc sỹ Lê Quốc Học lưu ý.