Kinh nghiệm này được cô Dương Thị Hồng Gấm, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) chia sẻ.
Học từ tranh ảnh
Học sinh khai thác thông tin từ tranh ảnh để lĩnh hội hiệu quả kiến thức thể hiện ở đó; từ đó, biết cách diễn đạt nội dung từ tranh ảnh, rèn luyện kỹ năng quan sát, kỹ năng tư duy như phân tích, so sánh, tưởng tượng, tổng hợp, khái quát hóa, hệ thống hóa.
Hoạt động này sẽ tăng sự hứng thú học tập, khám phá, đặc biệt là giáo dục tính cẩn thận, thẩm mỹ cho học sinh.
Cách khai thác từ tranh ảnh trong sách giáo khoa thực hiện theo các bước: Quan sát tổng thể tranh ảnh để biết chủ đề;
Phân tích tranh ảnh: Quan sát tranh từ trên xuống dưới hoặc từ trái qua phải, từ trong ra ngoài để xác định các chi tiết trong hình về số lượng, kiểu dáng, màu sắc, các chú thích nếu có...
Tổng hợp các chi tiết của tranh ảnh: Tìm mối quan hệ giữa các thành phần trong tranh ảnh để mô tả và đưa ra kết luận cần thiết (nếu tranh ảnh minh hoạ cho nội dung kênh chữ thì đối chiếu với kênh chữ để khẳng định những thông tin khai thác từ tranh ảnh).
Ví dụ: Khai thác thông tin từ tranh về sự tiến hóa của hệ tuần hoàn ở các ngành, lớp động vật (Hình 18.1, Bài 18- Tuần hoàn, trang 72), học sinh thực hiện như sau:
Quan sát tổng thể để biết đó là tranh phác họa sự tiến hóa của hệ tuần hoàn ở các ngành, lớp động vật:
Phân tích tranh: Quan sát từ trên xuống dưới để chỉ ra những nội dung chính được đề cập trong hình: Tim và hệ mạch ở một số ngành, lớp động vật theo các chữ các A,B,C,D,E, G,H.
Qua màu sắc đỏ, xanh của tranh, thầy số vòng tuần hoàn, chất lượng máu đi nuôi cơ thể của động vật có xương sống.
Qua mũi tên chỉ đường đi của máu trong hệ tuần hoàn kín và hệ tuần hoàn hở, thấy điểm khác nhau giữa hệ tuần hoàn của côn trùng với các động vật khác.
Sau khi quan sát tranh, học sinh trả lời được các câu hỏi và đưa ra kết luận về hướng tiến hóa của hệ tuần hoàn: Có sự phức tạp hóa dần về cấu tạo và chuyên hóa dần về chức năng giúp động vật thích nghi với môi trường, thể hiện ở các đặc điểm:
Tim: Từ tim bên (ở giun) do động mạch bên biến đổi thành đến tim hình ống (ở côn trùng) do động mạch lưng biến đổi thành đến tim có ngăn (ở động vật có xương sống). Từ tim có 2 ngăn (cá) đến tim có 3 ngăn (lưỡng cư) đến có 3 ngăn và có thêm một vách ngăn hụt (bò sát) đến tim 4 ngăn (chim và thú).
Hệ mạch gồm: Động mạch, tĩnh mạch chưa có mao mạch (tạo thành hệ tuần hoàn hở) đến hệ mạch gồm động mạch, tĩnh mạch có mao mạch nối giữa động mạch với tĩnh mạch (tạo thành hệ tuần hoàn kín).
Chất lượng máu đi nuôi cơ thể: từ máu pha nhiều (lưỡng cư) đến ít pha (bò sát) rồi không pha (chim và thú); Áp lực máu chảy chậm đến áp lực máu chảy nhanh đáp ứng nhu cầu ôxi cho cơ thể có kích thước lớn, hoạt động nhiều.
Khai thác thông tin từ sơ đồ trong sách giáo khoa
Sơ đồ trong sách giáo khoa Sinh học có tác dụng thể hiện mối quan hệ thứ bậc, tổng thể bộ phận, cấu tạo chức năng, hệ thống khái niệm hoặc thể hiện các quy trình của các hoạt động sống.
Như vậy, sơ đồ có tác dụng trực quan hoá nội dung học tập. Học sinh phải biết cách “đọc” thì mới lĩnh hội hết kiến thức trong sơ đồ. Hoạt động khai thác thông tin từ sơ đồ trong sách giáo khoa làm tăng hiệu quả lĩnh hội kiến thức cho học sinh.
Các bước khám phá kiến thức từ sơ đồ được thực hiện như sau: Đọc lướt để xác định nội dung chính của sơ đồ;
Đọc kỹ nội dung của sơ đồ: Đọc đỉnh và cung nối đỉnh để xác định mối quan hệ giữa các đỉnh. Đọc thêm chi tiết chú thích khác có trên sơ đồ để rút ra kết luận. Cuối cùng là diễn đạt kết luận cần thiết qua thông tin từ sơ đồ.
Ví dụ: Khai thác thông tin từ sơ đồ các giai đoạn của hô hấp (Hình 11.1, bài 11- Hô hấp ở thực vật, trang 47), giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện các bước sau:
Xác định nội dung: Sơ đồ đề cập các giai đoạn của hô hấp.
Quan sát sơ đồ từ trên xuống dưới: Xác định mối quan hệ giữa các đỉnh, đỉnh lớn là đường phân, chu trình Crep và chuỗi chuyền êlectron hô hấp; đường phân là đỉnh xuất phát. Mũi tên lớn sang ngang lên men khi thiếu oxi.
Quan sát sơ đồ từ trái qua phải chỉ ra sản phẩm của hô hấp: Trong đường phân, biến đổi glucôzơ thành axit piruvic tạo NADH và ATP. Chu trình Crep tạo các sản phẩm NADH, FADH2, ATP, CO2 Chuỗi chuyền electron hô hấp sinh ra ATP, H2O
Quan sát giữa sơ đồ sang hai bên: Hình vẽ ti thể chỉ nơi xảy ra giai đoạn của quá trình hô hấp: giai đoạn đường phân diễn ra bên ngoài ti thể (trong bào tương), giai đoạn hô hấp hiếu khí (chu trình Crep) và chuỗi chuyền electron xảy ra ở ti thể.
Kết luận: Cơ chế hô hấp ở thực vật có 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1 : Xảy ra tại bào tương, quá trình đường phân biến glucôzơ thành axit piruvic giải phóng ATP và NADH.
Giai đoạn 2 : Hô hấp hiếu khí (xảy ra tại chất nền ti thể) hoặc lên men (xảy ra ở tế bào chất) theo sự có mặt của oxi, Nếu có ôxi, axit piruvic vào chu trình Crep giải phóng CO2, ATP và NADH, FADH2. Nếu không có ôxi, axit piruvic lên men tạo chất hữu cơ như axit lactic hoặc rượu êtilic.
Giai đoạn 3 : Xảy ra ở màng trong ti thể, chuỗi chuyền êlectron hô hấp biến đổi NADH, FADH2 của 2 giai đoạn trước thành ATP và H2O với sự tham gia của O2.