Ngũ Thị Hà Trang
Từ bài giảng của cô giáo trên lớp, Trang bắt đầu đam mê môn sử và thử sức với các cuộc thi lớn nhỏ về môn học này.
Học sử bằng sơ đồ tư duy
Trong suốt nhiều năm học, Hà Trang nỗ lực đạt nhiều giải thưởng về môn sử như giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9, giải nhì học sinh giỏi quốc gia lớp 11, giải ba học sinh giỏi tỉnh lớp 11, giải nhất học sinh giỏi quốc gia lớp 12.
Với lượng kiến thức lớn của môn sử, Hà Trang cho biết mình học theo từng phần lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam hoặc học theo từng giai đoạn lịch sử. Việc phân chia như thế để không bị rối và dễ nhớ. Đặc thù của môn sử chủ yếu là học thuộc nên cần có cách học phù hợp với bản thân. Bạn có thể đọc nhẩm miệng hoặc viết ra giấy. Riêng bản thân Trang, những phần khó học thuộc hoặc học hay quên, cô bạn sẽ viết ra giấy, vạch ý cơ bản các từ khóa chính để nhớ lâu hơn.
Ngoài ra, Trang còn sử dụng sơ đồ tư duy để khái quát kiến thức lịch sử. Cô bạn dùng sơ đồ hình cây, vạch rõ từ ý chính đến ý phụ. Thân cây là ý tổng quát thì các nhánh cây sẽ là ý nhỏ dần. Cách học này giúp bạn không bị thiếu ý hay quên mất các chi tiết của bài học. Ngoài ra, Trang và các bạn cùng lớp thường xuyên học nhóm để hỗ trợ nhau ôn bài.
Hà Trang bên cô chủ nhiệm Bích Hậu
|
Hà Trang sinh năm 1999 nói: “Ở bất kỳ môn nào, học nhóm giúp trao đổi kiến thức nhiều hơn. Lịch sử đúng là môn học thuộc nhưng bằng cách hỏi nhau, chỉnh sửa giúp nhau sẽ nhớ lâu hơn. Học một mình được yên tĩnh nhưng mau quên và cảm thấy nhàm chán. Khi học nhóm, mình được trao đổi, tranh luận và nghe các bạn chia sẻ kiến thức. Qua đó, mình tự sửa các kiến thức bị nhầm lẫn, sai sót và bổ sung thêm tư liệu mới”.
Trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, môn sử sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm. Hà Trang đã chuẩn bị sẵn kế hoạch ôn tập phù hợp với cách thi mới này. Theo Trang, thi trắc nghiệm cần kiến thức cụ thể, chi tiết hơn là thi tự luận. Trước đây, học lịch sử cần sâu và rộng, học tất cả những phần liên quan. Bây giờ, bạn cần học kỹ nội dung trong sách giáo khoa cơ bản và kết hợp với làm đề. Bạn giải nhiều đề để quen tay hơn và củng cố lại kiến thức.
“Với cách thi trắc nghiệm, các đáp án nếu không đọc kỹ sẽ bị rối vì nó gần giống nhau. Câu hỏi của đề cần phân tích cụ thể nếu không sẽ bị đánh lừa. Để có thể chủ động trong việc làm bài, cốt yếu nhất là học thật kỹ kiến thức. Hầu như, mình chỉ học sách giáo khoa và mở rộng kiến thức thực tế từ báo đài, thời sự”, Trang bật mí.
Áp lực từ những giải thưởng
Theo Trang, việc đạt được nhiều giải thưởng môn sử đã tạo áp lực nhất định nhưng cũng là động lực thôi thúc Trang học tốt hơn. Theo học đội tuyển và trên lớp, cô bạn không cảm thấy quá tải vì cách sắp xếp lịch học phù hợp của nhà trường và bản thân. Học trong đội tuyển, Trang đã học hết kiến thức môn sử dành cho thi đại học nên khoảng thời gian còn lại sẽ dành để học các môn khác. Động lực lớn nhất để Hà Trang cố gắng học tập là gia đình. Bên cạnh đó, cô chủ nhiệm Bích Hậu cũng là một người có ảnh hưởng rất lớn đến Trang.
Hà Trang (thứ hai từ phải qua) cùng các bạn chung lớp chụp ảnh kỷ niệm
|
Cô Bùi Thị Bích Hậu (chủ nhiệm lớp 12C2 và đội tuyển học sinh giỏi, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) chia sẻ về cô học trò của mình: “Không chỉ giỏi môn sử, các môn khác Trang đều học rất tốt. Trong quá trình giảng dạy Trang, tôi nhớ nhất là trước kỳ thi quốc gia, ông nội của Trang đột ngột qua đời. Đó là một cú sốc lớn đối với em. Trang đã gọi và khóc với tôi nức nở. Em nói không còn tâm trí để đi thi. Tôi động viên em cố gắng thi kết quả tốt. Đó sẽ là món quà tặng ông thân yêu. Tôi rất lo lắng và đã nghĩ đến tình huống em sẽ bỏ thi nhưng sáng hôm sau em đã có mặt đúng giờ với một đôi mắt sưng húp. Em quay lại động viên tôi và nói sẽ cố gắng. Tôi thật tự hào về cô học trò nhỏ của mình vì em đã vượt qua được thử thách cuộc sống”.