Ghi từ vào mẩu giấy nhỏ
Sau khi học từ trên lớp, học sinh có thể làm những tấm thẻ bìa, một mặt dùng để viết từ, mặt còn lại viết nghĩa của từ hoặc vẽ đồ vật minh họa cho từ đó.
Học sinh có thể dán những tấm thẻ ở góc học tập, bỏ vào túi, hoặc trong cặp sách của mình, học được mọi lúc mọi nơi. Cách này, học sinh có thể học và ôn từ theo cá nhân, theo cặp hoặc theo nhóm.
Học từ vựng thông qua một số bài hát
Học sinh nhớ từ thông qua bài hát do giáo viên sáng tác, sưu tầm hoặc các bài hát trong sách giáo khoa. Ví dụ: Khi ôn các từ về phụ nữ, giáo viên cùng học sinh tìm các bài hát liên quan hoặc tự sáng tác cho dễ nhớ.
Học từ vựng theo chủ đề
Học sinh có thể hệ thống lại các từ mà mình đã được học theo chủ đề, từ đó củng cố và nhớ từ sau hơn và lâu hơn
Sử dụng từ để dịch
Thông qua bài học trên lớp ở các kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết, giáo viên yêu cầu học sinh dịch một số từ chủ chốt trong bài sang tiếng việt. Đây là cách hay giúp học sinh học thuộc từ vựng.
Đưa ra từ gốc
Giáo viên hướng dẫn học sinh phát triển từ vựng bằng cách đưa ra từ gốc và phát triển từ đó thành những từ mới có nghĩa khác. Phương pháp này giúp học sinh tư duy và có nhiều vốn từ hơn.
Học từ hàng ngày
Học sinh dành thời gian khoản 5 - 10 phút hằng ngày để học, viết lại 1 từ vựng khoản 5 đến 10 lần. Giáo viên kiểm tra các em thực hiện có thường xuyên hay không, hoặc học sinh kiểm tra chéo với bạn và cùng nhắc nhở nhau.
Học từ thông qua trò chơi
Có nhiều trò chơi như thú vị giúp học sinh hứng thú và ghi nhớ tốt từ vựng.
Ví dụ, trò Word square: Giáo viên chuẩn bị ô chữ có chứa các từ đã giới thiệu, nêu chủ điểm từ và số lượng từ cần tìm, yêu cầu học sinh khoanh tròn các từ mà các em tìm thấy. Nhóm nào tìm được nhiều từ hơn thì thắng.
Trò chơi Slap the board: Viết phần từ vừa giới thiệu hoặc dán tranh thể hiện từ lên bảng. Giáo viên gọi hai nhóm, mỗi nhóm từ bốn đến năm học sinh.
Yêu cầu học sinh vỗ vào phần từ hoặc tranh khi nghe giáo viên đọc từ đó (từ trên bảng bằng tiếng Anh thì đọc bằng tiếng Việt và ngược lại). Nhóm nào làm đúng và nhanh hơn, ghi điểm nhiều hơn thì nhóm đó thắng.
Trò What and where: Giáo viên viết các từ vừa giới thiệu váo các vòng tròn trên bảng, cho học sinh đọc và xóa dần các từ, sau đó yêu cầu học sinh viết lại các từ đúng vị trí.
Trò Jumbled words: Giáo viên viết các từ với các chữ cái xáo trộn, sau yêu cầu học sinh viết lại từ cho đúng.
Trò Bingo: Giáo viên cho một số từ đã học, học sinh chọn các từ bất kỳ trong số đó (số lượng tùy theo yêu cầu của giáo viên) sau khi nghe giáo viên đọc các từ không theo trật tự, nếu học sinh nào nghe có đủ số lượng từ theo hàng dọc hoặc hàng ngang trước nhất thì hô “bingo”.
Yêu cầu với giáo viên
Để học sinh học tập hứng thú, tích cực với giờ học tiếng Anh, cô Đặng Thị Hồng Thắm cho rằng, giáo viên phải chuẩn bị bài thật kỹ và chi tiết trước khi đến lớp.
Đầu tư nhiều cho việc soạn giảng, tìm kiếm tài liệu, hình ảnh liên quan đến chủ đề, tự học và học hỏi từ các đồng nghiệp để nâng cao trình độ chuyên môn.
Giáo viên cũng cần tìm tòi, học hỏi, thiết kế nhiều dạng hoạt động phong phú trong tiết học, trong đó có các phương pháp giới thiệu từ vựng, giúp học sinh tìm thấy hứng thú trong học tập. Đồng thời thường xuyên có các dạng bài tập luyện tập từ vựng hiệu quả; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.
Một số thủ thuật giáo viên có thể áp dụng rất hiệu quả như: Picture drill (dùng trang ảnh); visual (nhìn hình vẽ phác họa); mine (thể hiện qua nét mặt, điệu bộ); realia (vật thật - dùng những dụng cụ trực quan thực tế có được); situation (ngữ cảnh); synonym/ antonym (đồng nghĩa/ trái nghĩa); translation (dịch trực tiếp); example (đưa ra ví dụ).
Một số bài tập ôn từ vựng giáo viên có thể sử dụng như: List/ group the words acording to their topics (liệt kê từ vựng theo chủ đề); circle the word which doesn’t belong to the group (khoanh từ khác loại); fill the correct word into the blank (điền từ thích hợp vào chổ trống); match the word with its meaning ( nối từ vựng với nghĩa của nó)
Yêu cầu với học sinh
Để học tốt từ vựng, theo cô Đặng Thị Hồng Thắm, học sinh cần chăm chỉ học bài (từ vựng, mẫu câu), soạn bài và làm bài trước khi đến lớp; sưu tầm tài liệu, tranh ảnh liên quan đến các bài giảng cùng giáo viên.
Học sinh nên tìm ra các từ mới trước khi đến lớp; tích cực tham gia vào quá trình học; có phương pháp học từ vựng hiệu quả; luyện cách phát âm thường xuyên; tích cực trong giao tiếp bằng tiếng Anh…