Với quan điểm này, thầy Hà Văn Long chia sẻ cách hướng dẫn học sinh ghi chép, hệ thống hóa kiến thức bằng sơ đồ, bằng màu sắc, hình ảnh, qua đó giúp nhìn được tổng thể kiến thức một cách ngắn gọn nhưng đầy đủ, rút ngắn thời gian ôn tập củng cố, giúp học sinh hiểu bài, nắm được kiến thức cơ bản và nhớ lâu, giúp học sinh tìm được phương pháp học tập hiệu quả và tối ưu.
Các bước vẽ bản đồ tư duy
Bước đầu tiên, học sinh phải xác định các công đoạn trước khi lập BĐTD. Cụ thể, chuẩn bị phương tiện (bút các loại, giấy trắng hoặc bìa cứng to); sau đó, đọc lại chương, bài, mục, hoặc một chủ đề nào đó lại một lần nữa, xác định thông tin bằng cách đánh dấu các từ khóa, xác định chủ đề trung tâm. Cuối cùng, hình dung lại toàn bộ nội dung bài học, chủ đề…, xác định xem có bao nhiêu ý chính, mỗi ý chính có bao nhiêu ý phụ…
Khi lập BĐTD, học sinh cần lưu ý: Nghĩ trước khi viết, viết ngắn gọn, viết có tổ chức và viết lại theo ý của mình, nên chừa khoảng trống để có thể bổ sung ý (nếu sau này cần). Cần tránh ghi lại nguyên cả đoạn văn dài dòng; ghi chép quá nhiều ý vụn vặt không cần thiết; dành quá nhiều thời gian để ghi chép. Để thiết kế một BĐTD dù vẽ thủ công trên bảng, trên giấy..., hay trên phần mềm Mind Map, đều thực hiện theo thứ tự các bước:
Bước 1: Bắt đầu từ trung tâm với hình ảnh của chủ đề, hay có thể với một từ khóa được viết in hoa, viết đậm. Một hình ảnh có thể diễn đạt được cả ngàn từ và giúp ta sử dụng trí tưởng tượng của mình. Một hình ảnh ở trung tâm sẽ giúp tập trung được vào chủ đề và làm cho ta hưng phấn hơn.
Bước 2: Luôn sử dụng màu sắc, bởi màu sắc cũng có tác dụng kích thích não như hình ảnh.
Bước 3: Nối các nhánh chính (cấp một) đến hình ảnh trung tâm, nối các nhánh cấp hai đến các nhánh cấp một…. bằng các đường kẻ, đường cong với màu sắc khác nhau. Khi vẽ các ý chính và các chi tiết hỗ trợ nên tận dụng các từ khóa và hình ảnh.
Bước 4: Mỗi từ khóa/ảnh/ý nên đứng độc lập và được nằm trên một đường kẻ hay đường cong.
Bước 5: Tạo ra một kiểu bản đồ riêng cho mình (kiểu đường kẻ, màu sắc…).
Bước 6: Bố trí thông tin đều quanh hình ảnh trung tâm.
Sử dụng BĐTD để ôn bài cũ, học bài mới, tự hệ thống kiến thức
Sau mỗi bài học, học sinh có thể tự ôn lại bài cũ bằng cách sử dụng BĐTD để hệ thống lại các kiến thức đã học trên lớp. Học sinh sẽ tự hình dung lại bài học gồm những phần nào, đâu là chủ đề kiến thức chính, có những định nghĩa, định lí nào, các tính chất, các phép toán, các dạng bài tập chủ yếu, phương pháp giải các dạng bài tập đó.
Cụ thể, khi tự học bài mới, học sinh có thể ghi chép, nghiên cứu nội dung của bài học, xem phần kiến thức nào mình có thể tự hiểu được, những phần còn băn khoăn, những phần không thể hiểu, cần sự giúp đỡ của giáo viên. Sử dụng BĐTD, học sinh có thể tô màu xanh những phần tự hiểu được, tô màu vàng phần còn băn khoăn, màu đỏ cho những phần chưa hiểu. Khi đến lớp học bài, kiểm tra lại phần mình đã tự hiểu, theo dõi phần mình còn băn khoăn và không hiểu, đặt ra những câu hỏi, những vấn đề nảy sinh để trao đổi với học sinh khác và với giáo viên...
Sử dụng BĐTD trong kiểm tra kiến thức cũ
Kiểm tra miệng là việc diễn ra thường xuyên, liên tục trong các tiết dạy, trong quá trình học của mỗi tiết. Vì vậy, hoạt động này phải đa dạng để tránh sự nhàm chán đơn điệu, tạo không khí sinh động trong lớp học và giúp học sinh học tập có hiệu quả hơn.
Tuỳ theo mỗi tiết học và tuỳ theo từng yêu cầu về kiểm tra kiến thức, kĩ năng, giáo viên có thể áp dụng thêm kiểm tra miệng bằng cách sử dụng BĐTD. Sử dụng BĐTD vừa giúp giáo viên kiểm tra được phần nhớ lẫn phần hiểu của học sinh đối với bài học cũ. Vì, thời gian kiểm tra bài cũ tương đối ngắn nên giáo viên có thể sử dụng dạng BĐTD khuyết, yêu cầu học sinh điền các thông tin còn thiếu và rút ra nhận xét về mối quan hệ của các nhánh thông tin với từ khóa trung tâm.
Sử dụng BĐTD trong dạy kiến thức mới
Từ đầu năm học, giáo viên nên giới thiệu đến học sinh các kiểu ghi chép khác nhau. Thực tế, bản thân học sinh đã thực hiện các kiểu ghi chép này nhưng ít được biết đến tên và tác dụng, hiệu quả của từng kiểu ghi. Học sinh ở trường thường được hướng dẫn ghi chép bài học theo kiểu đề cương, trích dẫn và luận đề, ngoài ra còn cách ghi chép theo kiểu tự do dành cho dự hội thảo hay chuyên đề… Các kiểu ghi chép trên nếu được kết hợp với việc hệ thống kiến thức bài học theo kiểu BĐTD sẽ giúp học sinh nhớ lâu hơn, gây hứng thú và niềm đam mê học tập hơn cho học sinh.
Để cải thiện việc ghi chép của mình, học sinh cần lưu ý: Làm bài tập về nhà trước khi đến lớp, xem trước bài học mới; đi học đầy đủ, nếu bỏ buổi học thì bạn phải mượn vở của bạn cùng lớp để ghi lại. Ngoài các loại bút thông thường, học sinh cần trang bị thêm bút dạ quang, bút màu để làm nổi những thông tin quan trọng. Dùng các ký hiệu để ghi bài nhanh hơn. Chú ý lắng nghe những lời giảng của giáo viên. Không cần ghi lại mọi lời giảng của giáo viên mà hãy tư duy để ghi những điều quan trọng nhất. Luôn động não chứ đừng chỉ ghi chép như một cái máy.
Nếu bỏ lỡ thông tin nào, hãy cách ra vài dòng để bổ sung sau, bằng cách hỏi lại giáo viên hay các bạn khác. Dành khoảng thời gian để xem xét lại những ghi chép. Ghi chép khi đọc một thông tin, một bài học mới nào đó ở sách giáo khoa sẽ giúp bạn nhớ được các thông tin đó.
Tuy nhiên, quan trọng nhất là cho dù thực hiện theo cách nào thì sau đó học sinh phải lên trình bày, thuyết minh thông qua BĐTD mà giáo viên và học sinh hoặc nhóm mình đã hoàn thành; học sinh khác nhận xét, bổ sung. Giáo viên sẽ là người cố vấn, là trọng tài giúp học sinh hoàn chỉnh BĐTD, từ đó dẫn dắt đến kiến thức trọng tâm của bài học. Giáo viên giới thiệu BĐTD là một sơ đồ mở nên không yêu cầu tất cả các nhóm học sinh có chung 1 kiểu BĐTD, chỉ chỉnh sửa cho học sinh về mặt kiến thức và góp ý thêm về đường nét vẽ và hình thức (nếu cần).
“BĐTD cũng rất hữu ích trong việc củng cố kiến thức; ôn tập, tổng kết kiến thức. Lưu ý, BĐTD là một sơ đồ mở, có thể thêm bớt, thay đổi linh hoạt mềm dẻo sao cho khả năng ghi nhớ vận dụng là tốt nhất. Phương pháp dạy học cũng vậy, không nên tuyệt đối hóa cũng như phủ định bất kì một phương pháp nào dù là truyền thống hay hiện đại. Giáo viên cần linh hoạt trong phương pháp để tiết học không nhàm chán, học sinh hứng thú tiếp thu bài học, vận dụng sáng tạo vào bài tập và thực tiễn”.
Thầy Hà Văn Long