Học sinh phải rèn cách viết ngắn gọn, xác đáng
Theo thạc sỹ Hoàng Thị Bằng, về cấu trúc, đề thi minh họa không có gì thay đổi so với đề thi năm 2015 – 2016. Tuy nhiên phần đọc hiểu được rút ngắn lại từ hai đoạn văn bản với 8 câu hỏi xuống còn một đoạn văn bản với 4 câu hỏi.
Phần làm văn vẫn giữ 2 câu hỏi về nghị luận văn học và nghị luận xã hội, trong đó nghị luận xã hội không viết bài văn như trước mà chuyển thành viết đoạn văn khoảng 200 từ.
Như vậy về lượng kiến thức đã có sự giảm nhẹ so với năm trước. Hơn nữa nội dung của phần nghị luận văn học chỉ tập trung vào chương trình 12 nên có nhiều thuận lợi cho thí sinh.
Đề thi minh họa cũng đã có những câu hỏi từ dễ đến khó để phân loại năng lục của học sinh. Với học sinh khối A, A1 sẽ đạt được mức điểm để xét tốt nghiệp, còn học sinh khối C, D sẽ đạt được mức điểm cao hơn.
Về thời gian: Đề giảm 60 phút vì thế các em phải rèn cách viết ngắn gọn, xác đáng nếu không sẽ không đủ thời gian viết bài. Như vậy sẽ khó đạt điểm cao.
Góp ý cho đề minh họa, Thạc sỹ Hoàng Thị Bằng cho rằng, nên chăng ghép câu nghị luận xã hội vào câu 4 của phần đọc hiểu theo vấn đề được rút ra từ ngữ liệu đọc hiểu thì gọn gàng hơn và tránh bị trùng lặp ý ở câu 4 phần đọc hiểu và nghị luận xã hội.
Định hướng ôn tập
Do cấu trúc của đề thi minh họa không có sự thay đổi mà chỉ rút gọn nên thuận lợi cho học sinh. Trên tinh thần đó, thạc sỹ Hoàng Thị Bằng cho biết, nhà trường vẫn tiếp tục định hướng ôn tập dựa trên tinh thần ôn tập của 2 năm trước và có sự điều chỉnh cho phù hợp, cụ thể:
Giúp học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản của phần tiếng Việt và làm văn, văn bản văn học.
Rèn cho học sinh kĩ năng đọc hiểu theo mức độ từ dễ đến khó: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Rèn kĩ năng viết bài văn ngắn gọn, xác đáng, phát huy tính sáng tạo. Hướng dẫn học sinh tìm hiểu, đọc báo để hiểu biết những vấn đề xã hội. Từ đó có cái nhìn, đánh giá về những vấn đề đó. Biết vận dụng vào giải quyết tình huống thực tiễn.