Đề thi:
Bài giải gợi ý của Thầy Lê Công Khanh, Trường THPT Vĩnh Viễn TP.HCM:
Câu I:
- Nguồn gốc của cuộc cách mạng khoa hoc – công nghệ nửa sau thế kỷ XX:
Nguồn gốc sâu xa dẫn đến cuộc cách mạng khoa học – công nghệ lần thứ hai là do con người muốn cuộc sống ngày càng được nâng cao nên phải cải tiến kỹ thuật để tăng năng suất.
Con người cần tồn tại và phát triển nên phải tìm cách giải quyết các vấn đề: dân số bùng nổ, tài nguyên cạn kiệt, môi trường ô nhiễm bằng công cụ mới, năng lượng mới, vật liệu mới.
Những thành tự khoa học – kỹ thuật cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX tạo tiền đề dẫn đến cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuộc lần hai.
Các nước tham gia chiến tranh thế giới hai có nhu cầu sản xuất vũ khí hiện đại để sát hại đối phương.
- Đặc điểm lớn nhất của cuộc cách mạng khoa hoc – công nghệ nửa sau thế kỷ XX:
Từ thập kỷ 40 đến nửa đầu những năm 70: diễn ra trên lĩnh vực khoa học và kỹ thuật.
Từ năm 1973 đến nay chủ yếu diễn ra trên lĩnh vực công nghệ, còn được gọi là cuộc cách mạng khoa học – công nghệ.
Khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, thành nguồn gốc chính của những tiến bộ kỹ thuật và công nghệ. Khoa học – Kỹ thuật gắn bó chặt chẽ với nhau, mọi phát minh kỹ thuật đều bắt nguồn từ nghiên cứu khoa học. Khoa học đi trước mở đường cho kỹ thuật. Kỹ thuật lại đi trước mở đường cho sản xuất. Như vậy, khoa học đã tham gia trực tiếp vào sản xuất, trở thành nguồn gốc chính của những tiến bộ kỹ thuật và công nghệ.
Câu II:
1. Hai khuynh hướng cứu nước đó là: Khuynh hướng dân chủ tư sản và khuynh hướng vô sản.
- Khuynh hướng dân chủ tư sản: Đảng Lập Hiến, Việt Nam Quốc Dân Đảng.
- Khuynh hướng dân chủ vô sản: Quốc tế Cộng sản, Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên, tác phẩm đường Kách mệnh, Đông Dương Cộng sản Đảng, An nam Cộng sản Đảng, Cộng sản Đoàn, Đảng cộng sản Việt Nam, Công hội bí mật tại nhà máy Ba Son.
2. Vai trò của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đối với cách mạng Việt Nam:
- Truyền bá lí luận giải phóng dân tộc theo khuynh hướng vô sản vào Việt Nam.
- Giác ngộ, nâng cao ý thức chính trị cho giai cấp công nhân. Thúc đẩy phong trào công nhân phát triển sang giai đoạn tự giác.
- Sự chuẩn bị về chính trị, tổ chức đội ngũ cán bộ cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Câu III:
1a. Những tác động của cuộc Tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954:
- Bước đầu làm thất bại kế hoạch quân sự của Pháp – Mĩ nhằm “kết thúc chiến tranh trong danh dự”;
- Tiêu diệt sinh lực địch ở những hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối yếu, giải phóng đất đai, buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó;
- Chuẩn bị về vật chất và tinh thần cho quân và dân ta mở cuộc tiến công quyết định vào Điện Biên Phủ.
1b.Tác động của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) ở Việt Nam:
- Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đập tan hoàn toàn kế hoạch Nava, cố giành thắng lợi quân sự quyết định, buộc ta phải đàm phán với những điều kiện có lợi cho chúng nhằm kết thúc chiến tranh ở Việt Nam
- Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh ở Đông Dương
- Chiến dịch Điện Biên Phủ đóng vai trò quan trọng đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) ở Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao của nước ta giành thắng lợi, mở ra khả năng giải quyết bằng con đường hòa bình cuộc chiến tranh ở Đông Dương.
2. Ý kiến về quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (12-1953):
Quyết định của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam mở chiến dịch Điện Biên Phủ (12-1953) và trước đó là kế hoạch quân sự trong đông – xuân 1953-1954 đã cho thấy:
- Sự chỉ đạo sáng suốt, đúng đắn và chủ trương kịp thời, quyết liệt của Đảng trước các diễn biến thời cuộc và trước âm mưu của địch, làm nên thắng lợi vẻ vang “chấn động địa cầu” của chiến dịch Điện Biên Phủ;
- Thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Việt Nam
- Củng cố niềm tin tưởng mạnh mẽ của nhân dân ta đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Câu IV:
1. Phát biểu suy nghĩ về chủ trương “thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc” của Đảng :
- Chủ trương “Đại đoàn kết dân tộc” là một chiến lược quan trọng nhất dẫn đến sự thành công của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và ở thời kì đổi mới.
- Tục ngữ Việt Nam có câu “đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”, để có thể thành công trong tất cả mọi lĩnh vực như văn hóa, chính trị, kinh tế… thì không thể thiếu sự đoàn kết.
2. Hiện nay thế hệ trẻ Việt Nam cần phải làm gì để phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc:
- Quán triệt tư tưởng đại đoàn kết là vấn đề sống còn của dân tộc.
- Không phân biệt các dân tộc, tôn giáo, các giai cấp, các ngành nghề trong một mặt trận dân tộc thống nhất.
- Cùng với tổ chức Đoàn thanh niên tuyên truyền tư tưởng đại đoàn kết dân tộc trong các lĩnh vực văn hóa, kinh tế và an ninh quốc phòng. Cương quyết chống lại những ý kiến xuyên tạc, gây mất đoàn kết trong nhân dân.
- Thực hiện chính sách đối ngoại, hòa bình hữu nghị, hợp tác với tinh thần “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước”, thực hiện mở cửa, mở rộng quan hệ đối ngoại hợp tác quốc tế, đoàn kết trong chủ trương và hành động cùng bảo vệ chủ quyền đất nước.