Thông tin từ Bộ GD-ĐT, đề thi THPT quốc gia năm nay sẽ tăng câu hỏi khó. Cụ thể, lượng câu hỏi khó được đưa ra là 40%, đây là một thay đổi khá nhiều so với bài thi năm trước. Theo đánh giá của nhiều giáo viên tiếng Anh, những câu hỏi khó mang tính phân loại trong bài thi THPTQG môn tiếng Anh không quá 20%.
Theo giảng viên tiếng Anh Vũ Thị Phương Anh, việc tăng lượng câu hỏi khó lên 40% là cần thiết đối với kỳ thi chung. Việc ôn tập của học sinh tôi nghĩ không bị ảnh hưởng nhiều, bởi các em học sinh cần điểm tiếng Anh cao để cạnh tranh ở khối chuyên Ngoại ngữ vốn đã tập trung luyện tập các dạng bài khó ăn điểm nhất như: đọc hiểu, luận, từ vựng.
Để làm bài thi Ngoại ngữ tốt, theo cô, học sinh cần đảm bảo kiến thức như thế nào?
Kiến thức tiếng Anh rất nhiều, phải nhớ nhiều, nhiều trường hợp bất quy tắc, lượng từ vựng đòi hỏi ngày một nhiều. Vì thế đây là môn học đòi hỏi sự luyện tập thường xuyên, trí nhớ cũng như thời gian ôn luyện dài hơi.
Việc học tiếng Anh giống như câu tục ngữ: “kiến tha lâu cũng có ngày đầy tổ”, còn việc làm bài thi thì như leo cầu thang, càng về cuối càng mệt. Nếu không duy trì sức bền thì nguy lắm.
Những sai lầm mắc phải trong quá trình làm bài mà học sinh nên tránh?
Học sinh thường mất điểm vì: câu dễ cẩu thả --> làm sai
câu khó, không biết loại trừ, không biết từ --> làm sai
Ít luyện tập thi thử nên làm bài thiếu thời gian
Nhiều học sinh rất lo lắng trong bài thi luận của đề tiếng Anh, cô có lời khuyên gì cho các bạn?
Lời khuyên của tôi là các em nên tham gia học viết luận nhiều để biết được yêu cầu của đề, cách viết câu như thế nào cho chuẩn. Sau đó các em nên đọc nhiều (read more) để học theo lối viết, văn phong của người nước ngoài và từ đó tìm lối viết, cách hành văn, ý tứ cho phù hợp với bài viết của mình. Sau đó các em tập viết, và nhờ cô giáo chữa.
Chỉ còn vài tháng nữa là đến kỳ thi, với một học sinh kém phần luận, thậm chí có học sinh có ý định bỏ qua phần này, cô có định hướng cho các em ôn tập như thế nào trong thời gian quan trọng này?
Với các bạn học khối ngoại ngữ và dự định lấy kết quả để đăng ký vào trường đại học thì không thể bỏ qua phần này. Đây là phần khó nhưng không mất quá nhiều thời gian để ôn luyện. Chỉ khoảng 1 tháng là đủ.
Vì thế tôi khuyên các em không bỏ qua phần này. Với các bạn không chuyên, phần này vẫn có thể mang lại 0.5 điểm nếu biết cách làm. Theo số liệu năm ngoái, hơn 60% bài luận được 0 điểm. Tôi thấy rất đáng tiếc! .
Theo cô các chủ đề trong phần luận của đề thi thường ra như thế nào?
Xoay quanh cuộc sống của một học sinh: về bản thân, gia đình, trường học hoặc môi trường xung quanh.
Để bài luận đạt số điểm tối đa, theo cô học sinh cần đảm bảo những yêu cầu gì? Cô có thể chia sẻ một số “mẹo” để các bạn có thể hoàn thành bài luận dễ dàng nhất?
Yêu cầu của một bài luận theo hướng dẫn chấm của BGD-ĐT ghi rõ.
Bố cục: 0.4đ ; Phát triển ý: 0.25đ; Sử dụng ngôn từ: 0.3đ; Nội dung: 0.3đ
Ngữ pháp - dấu câu - chính tả 0.25đ.
Để đạt được tối đa tất cả các con điểm trên các em cần nắm được bố cục của một đoạn văn (lưu ý, đoạn văn chứ không phải bài văn); Ngữ pháp tốt, đặc biệt là kiến thức về câu, mệnh đề và dấu câu; Tập viết nhiều bài luận, đọc tài liệu tham khảo để có ý tưởng phong phú cho bài viết. Ngoài ra, tôi đặc biệt khuyên các em nên dành thời gian thi thử thật nhiều để tăng kinh nghiệm làm bài thi.
Xin trân trọng cám ơn cô giáo!