Giáo viên Phạm Thu Hà, Trường THPT Vĩnh Viễn (Q.Tân Phú, TP.HCM) gợi ý học sinh ôn tập theo SGK lớp 12, nắm vững phần lịch sử thế giới từ năm 1919 đến năm 1945 của chương trình lớp 11.
Ở phần lịch sử thế giới (1945-2000), ngoài việc học theo chương bài của SGK, các em có thể phân tích, tổng hợp các sự kiện có nội dung tương tự thành các chủ đề như: Quan hệ quốc tế với các nội dung là trật tự 2 cực Yalta, Chiến tranh lạnh, Thế giới sau Chiến tranh lạnh và Tổ chức Liên hợp quốc; Sự phát triển của Liên Xô (1945-1970) và Liên bang Nga (1991-2000); Nguyên nhân sụp đổ CNXH ở Liên Xô và Đông Âu; Phong trào giải phóng dân tộc ở Á - Phi - Mỹ Latinh: Phong trào chung ở Đông Nam Á - châu Phi - Mỹ Latinh; các cuộc cách mạng tiêu biểu ở Trung Quốc (1946-1949), Ấn Độ (1945-1950), Lào và Campuchia (1945-1975); Các nước châu Á xây dựng đất nước sau khi độc lập: Ấn Độ (1950-2000), cải cách ở Trung Quốc (1978), sự phát triển của nhóm 5 nước sáng lập ASEAN…
Phần lịch sử Việt Nam (1919-2000) có hai nội dung lớn là đấu tranh giành độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ (1919-1975) và sự nghiệp xây dựng đất nước (1975-2000). Từ hai nội dung lớn đó, các em cố gắng khái quát các sự kiện theo 5 giai đoạn với các chủ đề nhỏ sau: Phong trào dân tộc dân chủ (1919-1930), Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc từ năm 1930 đến năm 1945, Kháng chiến chống Pháp trở lại xâm lược (1945-1954), Kháng chiến chống Mỹ để thống nhất đất nước (1954-1975), Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN (1975-2000): Thống nhất hai miền Nam - Bắc về mặt nhà nước (1975 -1976); công cuộc đổi mới (1986-2000).
Các em cũng nên tổng hợp các sự kiện để tạo nên các chủ đề xuyên suốt chiều dài lịch sử như: Vai trò của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam (1919-1969); Các Đại hội Đảng tiêu biểu từ 1930 đến năm 1986 (Đại hội lần 1, lần thứ 2, lần thứ 3, lần thứ tư, lần thứ sáu); Các hội nghị Trung ương Đảng quan trọng (Hội nghị tháng 10.1930, tháng 7.1936, tháng 11.1939, tháng 5.1941, tháng 1.1959…)… Qua các chủ đề đó các em sẽ chứng minh được sự lãnh đạo đúng đắn sáng suốt của Đảng và Hồ Chủ tịch đã đem đến thắng lợi cho cách mạng Việt Nam.
Loại bỏ cách học vẹt
Để việc ôn tập đạt hiệu quả, theo giáo viên Phạm Thu Hà, điều đầu tiên, các em phải loại bỏ cách học vẹt thay bằng việc học một cách học chủ động, sáng tạo những phương pháp riêng phù hợp với năng lực bản thân; phối hợp nhiều phương pháp để đem lại hiệu quả cao nhất.
Thứ hai, không nên học bài theo kiểu ôm sách ngồi gạo từng câu từng chữ, các em hãy lấy giấy viết ra lập sơ đồ tổng quát cho từng chương, viết dàn ý chi tiết cho từng bài hoặc từng vấn đề nhỏ.
Thứ ba, nên lập niên biểu các sự kiện lịch sử thế giới song song với lịch sử Việt Nam để các em thấy rõ sự tác động qua lại giữa các sự kiện đó. Từ đó các em sẽ hiểu và dễ nhớ các sự kiện hơn.
Thứ tư, cố gắng so sánh thật nhiều các sự kiện để tìm ra điểm tương đồng, sự khác biệt. Qua đó chúng ta có thể liên hệ với thực tế của đất nước, của bản thân để rút ra bài học kinh nghiệm. Ví dụ: tìm nguyên nhân chung trong phát triển kinh tế của Mỹ - Tây Âu - Nhật. Từ đó ta có thể liên hệ với thực tiễn Việt Nam có thể học tập, vận dụng như thế nào.
Thứ năm, vận dụng tốt kiến thức có liên quan của môn văn, địa lý hoặc tìm những ví dụ cụ thể trong cuộc sống hằng ngày qua sách báo, truyền hình để minh họa cho kiến thức lịch sử trở nên hấp dẫn, dễ hiểu, dễ nhớ hơn. Ví dụ: học về các chiến dịch Việt Bắc, Biên giới, Điện Biên Phủ… mà không phối hợp với bản đồ các em sẽ khó hiểu vì sao những chiến dịch ấy có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của cách mạng Việt Nam; hoặc các em có thể dùng sự kiện hai hãng xe hơi Mercedes và Benz sáp nhập để hiểu rõ hơn một trong những biểu hiện của xu thế toàn cầu hóa…