Thời gian gần đây không ít phụ huynh tại TP.HCM phải đưa con em mình tới các phòng tư vấn tâm lý với lý do con mất tập trung dẫn tới giảm sút thành tích học tập.
Chị Bùi Thị Hoa (phụ huynh có con học tại Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1) lo lắng: “Thời gian gần đây con tôi không thể tập trung chú ý nhiều vào bài học. Khi thì sai về các bước tính toán, khi lại không nhớ ra các bước để làm một bài văn trong khi tôi đã hướng dẫn cháu nhiều lần”. Chị Hoa cho biết vì mất tập trung nên hơn một năm trở lại đây kết quả học tập của con chị giảm từ khá giỏi xuống trung bình”.
Tương tự, giáo viên một trường THCS tại Q.3 cho biết: “Trong quá trình dạy học tôi thấy rất nhiều HS mất tập trung. Có những HS không lắng nghe khi tôi giảng bài”.
Nhiều phụ huynh cũng tìm tới trung tâm tư vấn tâm lý để hỏi về việc con mình thường xuyên quên trước quên sau.
Tiến sĩ Trần Hữu Đức, chuyên gia tâm lý cao cấp của Trung tâm đào tạo và tư vấn tâm lý Better Living, dẫn chứng số liệu nghiên cứu từ Trung tâm quốc gia thông tin công nghệ sinh học Mỹ cho thấy khả năng tập trung của con người giảm từ 12 giây xuống còn 8 giây tính đến năm 2013. Một bài báo đăng trên trang Youth Logix vào tháng 6.2016 về khuynh hướng của giới trẻ, đưa ra một con số đáng báo động rằng những trẻ sinh từ năm 2000 thì thời gian tập trung chỉ còn 4 giây.
Theo tiến sĩ Đức, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự hiện diện của điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng. “Những phương tiện này đòi hỏi HS phải tập trung 3/5 giác quan là thính giác, thị giác và cảm giác. Mặt khác các phương tiện này lại rất tiện lợi và thân thiện với con người nên dần dần khiến HS có suy nghĩ bị lệ thuộc vào nó dẫn đến xuất hiện tâm lý chủ quan, nghễnh ngãng. Ra đường, cần thông tin gì cũng có thể có trên mạng… nên HS không chủ động tìm kiếm kiến thức và mất tập trung với các hoạt động học tập”, ông Đức nói.
Bên cạnh yếu tố công nghệ, ông Đức nói thêm về việc môi trường sống từ gia đình, xã hội cho tới nhà trường đều đang vội vàng. Học thì cũng học cách tư duy nhanh, chạy đua với thời gian trong các kỳ thi, chạy đua để học được kiến thức... Điều này lâu dần sẽ khiến cho HS thiếu kiên nhẫn.
Nhiều bậc phụ huynh khi thấy con mình không tập trung học, kết quả học tập kém và cô giáo gọi điện phàn nàn liền lo lắng, nóng vội, dẫn đến thúc ép con học. Họ đặt ra những quy tắc: về nhà tắm rửa xong, nghỉ ngơi 30 phút là phải ngồi vào bàn học, bất chấp trẻ có hứng thú với việc học hay không hoặc sức khỏe của bé có tốt hay không? Chính vì vậy khi ngồi vào bàn học, trẻ uể oải, không tập trung hoặc vừa làm vừa chơi, đến 1 - 2 giờ đồng hồ vẫn chưa làm xong một bài. Việc này vừa gây áp lực cho trẻ vừa không cải thiện được tình hình học tập.
Theo ông Đức, việc trẻ mất tập trung dù khó nhưng vẫn có thể kiểm soát được bằng cách xác định nguyên nhân và bắt tay để thay đổi. Hiện tại nhà trường, xã hội đang bắt trẻ cái gì cũng phải nhanh: tư duy nhanh, học bài nhanh… Phụ huynh hãy biết cách để cân bằng lại bằng cách tập cho con thói quen kiên nhẫn làm những bài toán khó, giải quyết những vấn đề rắc rối một cách từ từ. Lúc này, biên độ tư duy của trẻ sẽ rộng hơn. Khi cần có thể suy nghĩ nhanh, giải quyết nhanh vấn đề đồng thời cũng có thể giải quyết các vấn đề hóc búa với độ chính xác cao hơn và không dễ dàng bỏ cuộc.
Ông Đức cũng lưu ý phụ huynh cần tập cho con cách sử dụng internet có kỷ luật. Tốt nhất là nên lập thời khóa biểu cho việc sử dụng mạng xã hội.