Gia tăng tự sát tuổi học trò
Chan Yu-ling, một nữ sinh lớp 4 tiểu học tại Hồng Kông, tháng trước đã tự quay một video clip nói lên những cảm xúc chân thực của bản thân về môi trường học hành nhiều áp lực. “Trong lớp, cháu không được phép dời khỏi chỗ, uống nước, ăn, đi vệ sinh hoặc nói chuyện” – Chan chia sẻ - “Giáo viên dành rất ít thời gian để dạy. Phần lớn thời gian chúng cháu luyện làm bài thi”. Bố mẹ Chan cuối cùng đã chuyển con gái từ trường công sang một trường quốc tế.
Thời điểm video clip của Chan được lan truyền qua mạng cũng là lúc chính quyền Hồng Kông triệu tập một phiên họp đặc biệt đối phó với số vụ học sinh tự sát tăng lên – mà nguyên nhân một phần lớn do áp lực của hệ thống GD công lập.
Kể từ đầu năm học 2015 đến nay, số vụ học sinh Hồng Kông tự tước đoạt mạng sống - xảy ra với tần suất ở mức báo động. 35 học sinh tự sát trong năm 2016. Riêng trong tháng này, 3 học sinh tự sát và thiệt mạng trong thời gian 1 tuần, trong đó 2 vụ xảy ra cách nhau chỉ 24 tiếng đồng hồ.
Căng thẳng học hành gây hệ quả tới sức khỏe tâm thần học sinh là câu chuyện phổ biến ở châu Á, nơi các gia đình quá đặt nặng điểm số, hệ thống giáo dục thường xoay quanh trục thi cử, tại một số nước - điểm số quyết định tấm vé vào đại học. Tại Hàn Quốc, nguyên nhân tử vong hàng đầu cho thanh thiếu niên từ 15 – 24 tuổi là tự sát. Năm ngoái, tỉ lệ tự sát ở thanh thiếu niên Singapore cao nhất trong 15 năm. Tại Ấn Độ, một ngôi làng nổi tiếng là thủ phủ luyện thi của nước này, đã chứng kiến hàng chục vụ tự sát trong những năm gần đây.
Thủ phạm “văn hóa thi cử”
Tại Hồng Kông, hàng loạt vụ tự sát khiến chính quyền thành lập Ủy ban Phòng chống học sinh tự sát từ năm ngoái. Sau khi rà soát hồ sơ 71 vụ tự sát trong 3 năm qua, hồi tháng 11/2016, Ủy ban này khuyến nghị xem xét lại hệ thống giáo dục. Năm ngoái, một nhóm các nhà tâm lí học cũng kêu gọi học sinh kí “cam kết không tự sát” do chính quyền Hồng Kông đưa ra, trong cam kết này đề nghị học sinh “hứa không tự làm hại mình hoặc tự sát”.
Cheung Siu-chung, giáo viên Lịch sử THCS và thành viên của Hiệp hội Giáo viên Hồng Kông, cho rằng tăng tự sát “là hệ quả tích luỹ của hệ thống giáo dục”. “Dưới hệ thống giáo dục này, học sinh được định giá như cổ phiếu và giáo viên giống như những người quản lí quỹ cần tăng giá trị cổ phiếu” – Cheung ví von – “Vậy làm sao có thể mong học sinh không cảm thấy áp lực?”.
Học sinh Hồng Kông phải trải qua nhiều kì thi quan trọng. Bắt đầu từ lớp 3 tiểu học, học sinh phải dự kì thi Đánh giá hệ thống tại đặc khu Hồng Kông (TSA), kiểm tra các môn Toán, Tiếng Anh và Tiếng Trung. Kết thúc chương trình trung học, học sinh dự kì thi Tú tài để cạnh tranh tấm vé hạn chế vào 8 trường đại học Hồng Kông.
Văn hóa nặng về thi cử đã khiến phụ huynh ngày càng phẫn nộ. Năm 2015, gần 40.000 phụ huynh kí một thỉnh nguyện thư kêu gọi chính phủ huỷ bỏ thi TSA đối với học sinh lớp 3.
Cơ quan quản lí GD Hồng Kông thay thế TSA bằng một khảo sát mới được gọi là Đánh giá Năng lực cơ bản. Tuy nhiên, nhiều người không thấy có sự khác biệt nhiều giữa BCA và TSA và chỉ là “thay đổi tên gọi”.
Hilda Cheung, mẹ một học sinh lớp 3 cho biết: “Tôi rất thất vọng với hệ thống giáo dục Hồng Kông… văn hóa thi cử trong trường học đã ăn sâu tận gốc rễ”. Cheung nói rằng thường phải thức khuya giúp con gái ôn thi để con có thể có một tiếng chơi hàng ngày.