Atlat được coi là công cụ hỗ trợ đắc lực cho dạy và học Địa lý. Trong cuốn Atlat tuy không có chữ nhưng chứa đựng rất nhiều thông tin quan trọng. Học sinh lớp 12 đi thi môn Địa lý mà không có Atltat trong tay thì ví như "người chiến sĩ ra trận mà không có súng". Nắm vững kĩ năng đọc Atlat là một vũ khí hữu hiệu giúp các em có thể “chống liệt” thành công.
Một số lưu ý đối với các thí sinh khi đọc Atlat Địa lý Việt Nam:
Cô giáo Dương Thị Ngọc Sương
Nắm được cấu trúc Atlat
Nếu đọc kĩ, ta thấy Atlat được sắp xếp thành 4phần chính tương ứng với các chương trong sách giáo khoa. Từ trang 6 đến trang 14 là những kiến thức giúp học tốt chương tự nhiên (Bài 6 đến bài 15 trong chương trình Địa lý 12cơ bản).
Trang 15,16 giúp học tốt chương Địa lý dân cư (Bài 16,17,18). Trang 17 – 25: Nói về các ngành kinh tế, trong đó: (Trang 17: Trình bày kinh tế chung; Trang 18, 19,20 là các kiến thức liên quan ngành Nông nghiệp (bài 21,22,24,25);
Trang 21,22 cung cấp kiến thức liên quan đến ngànhCông nghiệp (bài 26,27,28); Trang 23,24,25 là kiến thức của ngành dịch vụ.)
Các trang còn lại là kiến thức của các vùng kinh tế và vùng kinh tế trọng điểm.
Riêng trang 4,5 giúp các em xác định được phạm vi lãnh thổ của nước ta, biết được các đơn vị hành chính Việt Nam, dân số, diện tích, các thành phố trực thuộc trung ương.Kết hợp trang này với các trang vùng, các em sẽ xác định được các tỉnh thành nằm trong các vùng kinh tế.
Có một trang mà các em không thể bỏ qua là trang 3, đó là trang cung cấp hệ thống kí hiệu bản đồ.
Xác định các mối quan hệ giữa các đối tượng địa lý thể hiện trên bản đồ
Đó là các mối quan hệ: Mối quan hệ giữa các yếu tố tự nhiên với nhau (khí hậu và sông ngòi, đất và sinh vật, địa chất và địa hình…); Mối quan hệ tương hỗ và nhân – quả giữa các yếu tố tự nhiên và kinh tế, dân cư và kinh tế, kinh tế và kinh tế, tự nhiên – dân cư và kinh tế…
Chú ý phân tích các biểu đồ, số liệu…
Trong Atlat, các biểu đồ thường thể hiện tình hình phát triển của đối tượng còn bản đồ thể hiện sự phân bố của đối tượng.
Atlat trong cấu trúc bài thi
Câu hỏi Atlat trong cấu trúc bài thi có 2 dạng: Câu hỏi đơn giản và Câu hỏi phức tạp
Câu hỏi đơn giản: Dạng câu hỏi này rất dễ (dường như tạo cơ hội cho học sinh lấy điểm), nhìn vào Atlat đọc được ngay. Ví dụ: Hãy kể tên các vườn quốc gia nước ta; kể tên các trung tâm công nghiệp quy mô lớn,…
Câu hỏi phức tạp: Để làm được câu hỏi này cần kết hợp với kiến thức đã học hoặc kết hợp nhiều trang Atlat hoặc phải khai thác tối đa các biểu đồ, bản đồ có trong trang Atlat đó. Ví dụ: Hãy nêu và giải thích sự phân bố các thảm thực vật nước ta.
Tóm lại, để làm tốt phần câu hỏi này, trước hết học sinh cần xác định đúng những trang Atlat liên quan cho câu trả lời. Và khi hoàn thành các câu hỏi liên quan đến Atltat các em đã cầm chắc trong tay khoảng 2 điểm - "chống liệt" thành công.
Điều đặc biệt lưu ý khi đọc Atlat là các em phải đọc theo một một trật tự để tránh bỏ sót các đối tượng theo yêu cầu của đề thi.