Cần tập trung ôn tập 50 câu - 50 chuyên đề
Tiến sĩ Vật lý Lê Tiến Hà - giảng viên Trường ĐH sư phạm Thái Nguyên - nhận định: Đối với đề môn Vật lý năm nay, dự tính số câu dễ sẽ giảm đi, chỉ còn khoảng 40% trong tổng số câu; những câu quá khó cũng sẽ giảm, chỉ chiếm khoảng 20 - 30% số câu so với năm ngoái để đảm bảo khả năng phân loại, công bằng của đề thi, đảm bảo thang điểm của thí sinh được rải đều từ 4 đến 10.
Tiến sĩ Vật lý Lê Tiến Hà
Với đề thi như năm 2015, tiến sĩ Lê Tiến Hà cho rằng, 30 câu đầu, những thí sinh học chắc kiến thức cơ bản có thể dễ dàng làm được, điều đó cũng đồng nghĩa với việc có thể nắm trọn 6 điểm của bài thi.
Nếu học sinh nào đã tự tin nắm chắc được 6 điểm cơ bản thì chỉ cần tập trung phân chia thời gian ôn tập cho 50 câu - 50 chuyên đề, những chuyên đề nào thành thạo rồi có thể dành ít thời gian. Những câu hỏi nào khó nhớ trong quá trình ôn tập, thí sinh có thể viết ra note riêng để chú tâm hơn và hoàn thiện.
“Vật lý là môn học có kiến thức rộng và đòi hỏi tính thực tiễn cao, chỉ cần chủ quan là có thể trượt vài câu” - tiến sĩ Lê Tiến Hà nhắc nhở.
Kiến thức khó tập trung vào chương Điện học và Cơ học
Nhấn mạnh lại, đối với môn Vật lý, học sinh nếu nắm vững những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa có thể đạt được 6 - 7 điểm, nhưng cũng theo tiến sĩ Lê Tiến Hà, để đạt được từ điểm 8 trở lên với môn học này rất khó.
Lượng câu có kiến thức khó sẽ có khoảng 5 câu, tập trung vào hai chương Điện học và Cơ học. Các thí sinh thường chủ quan mắc sai về lý thuyết vì một số em học lý thuyết một cách thụ động là thuộc lòng mà không hiểu được bản chất thực sự.
Do đó, tiến sĩ Lê Tiến Hà khuyên, thí sinh cần phải xây dựng một hệ thống lý thuyết vững cho bản thân và dự bị đủ kiến thức giải quyết được những câu hỏi khó trong đề thi để có thể đạt được điểm số từ 8 trở lên.
Đồng thời, cần phải dành 2 tháng cuối cùng tập trung cho việc luyện đề, khảo sát, thống kê lại hệ thống lý thuyết. Nếu kiến thức không vững thì việc luyện đề sẽ không đạt hiệu quả.
Giai đoạn này là giai đoạn nước rút đối với các em THPT. Tôi nghĩ các em phải có một kế hoạch ôn tập cụ thể, phân ra từng chủ đề học rõ ràng. Cần lập ra thời gian biểu để từ đó các em có thể phân bổ thời gian học đạt hiệu quả. Thời gian biểu sẽ vô hình tạo cho các em thói quen học tập một cách chủ động, đạt kết quả tốt cho kì thi sắp tới.
Bên cạnh việc ôn tập, các em cần phải giữ sức khỏe, có một lộ trình sinh hoạt ăn ngủ điều độ, chế độ dinh dưỡng đảm bảo và tinh thần thoải mái, không áp lực. Không nên học vào thời gian khuya để tránh ảnh hưởng tới giấc ngủ và năng lượng cho ngày học hôm sau.
Tiến sĩ Lê Tiến Hà