Đó là nhấn mạnh của cô giáo Nguyễn Thị Hồng Vân - Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ - trường THPT Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân - Hải Phòng), lưu ý học sinh cách ôn luyện, làm bài thi đạt điểm cao môn tiếng Anh trong kỳ thi sắp tới.
1. Đọc đề bài
Cô Nguyễn Thị Hồng Vân cho rằng: Đây là bước quan trọng đầu tiên khi tiếp cận một đề thi nói chung. Ngay khi nhận đề thi, thí sinh nên đọc lướt toàn bộ đề thi thật nhanh trong vòng vài phút, dùng bút chì gạch ngay vào những vấn đề cần lưu ý trong câu hỏi hoặc các loại bài như xác định cách phát âm, tìm đúng dạng của từ, tìm lỗi sai trong câu....
2. Xác định loại bài
Đây là bước mang tính định hướng vùng kiến thức, kỹ năng cần vận dụng. Để tiết kiệm thời gian, khi làm bài thi, thí sinh nên chia câu hỏi thành 3 nhóm.
Nhóm 1: gồm các câu hỏi có thể trả lời được ngay (ví dụ như xác định mạo từ, các giới từ quen thuộc đi với động từ hoặc tính từ, cách chia động từ khi có điểm thời gian xác định...).
Nhóm 2: gồm những câu hỏi hoặc vấn đề cần phải tính toán và suy luận (những câu hỏi này thường được thể hiện trong các bài đọc hiểu, suy diễn để tìm ý chính cho đoạn văn hoặc tìm thông tin đúng hoặc sai).
Nhóm 3: gồm những câu hỏi còn phân vân hoặc vượt quá khả năng mà thí sinh cần phải đọc kỹ lại cũng như dành thêm thời gian để lựa chọn đúng.
3. Phân bố thời gian hợp lý
Theo cấu trúc đề thi THPT Quốc gia năm 2015, thời gian dành cho bài thi tiếng Anh là khoảng hơn 1 phút cho một câu trắc nghiệm. Với lượng thời gian khá ít cho mỗi câu như vậy, sau khi lướt nhanh đề, thí sinh nên xác định xem câu nào mình nắm thật vững để làm nhanh trước; Không nên quá tập trung vào một câu hỏi để tránh bỏ phí cơ hội hoàn thiện và có điểm từ các câu hỏi khác
4. Phương pháp loại trừ
Khi làm một câu trắc nghiệm, thí sinh phải đánh giá để loại bỏ ngay những phương án sai và tập trung cân nhắc các phương án còn lại.
Thí sinh có thể căn cứ vào các dấu hiệu như từ loại, trường nghĩa của từ, từ nối … để loại bỏ đáp án sai. Điều đó sẽ giúp các em dễ dàng hơn trong việc chọn được câu trả lời chính xác và thí sinh cũng nên quyết đoán trong việc lựa chọn này.
5. Sử dụng chiến lược hợp lí khi làm bài đọc hiểu
Cô Nguyễn Thị Hồng Vân đặc biệt lưu ý các thí sinh cần sử dụng chiến lược hợp lí khi làm bài đọc hiểu. Hai bài đọc hiểu trả lời câu hỏi căn cứ theo nội dung bài văn thường có độ dài khoảng 300 – 400 từ mỗi bài. Nếu không có chiến lược hợp lý thì thí sinh sẽ không có đủ thời gian để làm bài.
Các bài đọc này thường tập trung vào các lĩnh vực phổ biến như môi trường, thiên nhiên, gia đình, giáo dục, việc làm, xã hội …. Cách viết văn Tiếng Anh thường có bố cục rất logic, rõ ràng với các đoạn mở bài, thân bài và kết luận, mỗi đoạn thân bài thể hiện một ý nhỏ, các ý nhỏ này đều minh họa cho ý chính ở đoạn mở bài.
Thí sinh nên đọc lướt qua rất nhanh các đoạn của bài để tìm ra ý chính của bài. Sau đó thí sinh đọc kĩ các câu hỏi trước khi đọc bài, sử dụng các kiến thức mà mình đã biết về lĩnh vực trong bài đọc để phán đoán loại trừ các đáp án không hợp lí, lựa chọn đáp án hợp lí nhất.
Tiếp theo thí sinh tìm đọc các nội dung trong bài có liên qua đến câu hỏi để kiểm tra lại phán đoán của mình và quyết định câu trả lời. Bằng cách này thí sinh có thể đẩy nhanh tiến độ làm bài và vượt qua được khó khăn về từ mới, một khó khăn xuất hiện thường xuyên trong bài đọc hiểu.
6. Dự đoán đáp án
Thí sinh có thể phỏng đoán đáp án đúng trong trường hợp không thể chắc chắn cho sự lựa chọn của mình. Tuy nhiên phỏng đoán cũng cần định tính.
Ví dụ: Nếu thí sinh chọn đáp án đúng là C, lúc này các em sẽ phải tự cân nhắc nếu không phải là C thì sao? Rồi sau đó mới tự chọn cho mình một đáp án đúng. Thí sinh chú ý không bao giờ bỏ trống bất cứ câu hỏi nào.
Do cách chấm điểm hiện nay các câu trả lời sai không bị trừ điểm nên cần tránh việc quá thận trọng và việc để trống các câu không trả lời.
7. Đánh dấu bài thi
Thí sinh đánh dấu các câu đã làm để không mất thời gian đọc lại; đánh dấu riêng cho các câu hỏi đã trả lời nhưng chưa chắc chắn; đánh dấu loại bỏ các câu được cho là sai. Việc đánh dấu hay ghi chú này sẽ giúp thí sinh ghi nhớ để tiện sửa đổi và hoàn chỉnh đáp án cuối cùng mà không bỏ sót câu hỏi.
8. Cân nhắc kỹ lưỡng khi thay đổi đáp án
Trước khi thay đổi đáp án thí sinh phải cân nhắc thật kỹ vì cảm nhận đầu tiên thường luôn đúng. Chỉ nên thay đổi lựa chọn khi thực sự chắc chắn.
"Sau khi hoàn thành cơ bản bài thi, khâu đặc biệt quan trọng, mang tính quyết định là các em cần dành ít nhất 3 phút để xem lại toàn bộ phần bài làm. Thông thường việc xem lại, sửa đáp án lần cuối sẽ giúp các em ấn định điểm số cần thiết cho mục tiêu cá nhân", cô Nguyễn Thị Hồng Vân nhấn mạnh.