Ngô Vương Minh (19 tuổi) là thủ khoa kép khối A-B của cả nước trong mùa thi THPT quốc gia 2015, đồng thủ khoa Đại học Y Hà Nội. Em được Toán 10; Hóa học 10; Sinh học 9,75; Vật lý 9,5; Tiếng Anh 7,5; Ngữ văn 7. Nếu xét theo các khối thi đại học, điểm khối B của Minh là 29,75; khối A là 29,5; khối A1 là 27 và khối D là 24,5.
Chia sẻ câu chuyện đi thi của một năm trước, Vương Minh bảo, lúc đầu cũng lo lắng lắm khi là thế hệ đầu tiên thi THPT quốc gia. Em sau đó được thầy cô giáo khuyên và hiểu ra dù hình thức thay đổi nhưng nội dung, cấu trúc và mức độ khó dễ của đề thi vẫn như mọi năm, chỉ cần học tốt, tâm lý thoải mái là làm được.
Minh chia việc học, ôn thi thành 2 giai đoạn với những định hướng, mục tiêu rõ ràng.
Giai đoạn 1, từ đầu năm học đến khoảng tháng 6, em chủ yếu luyện đề để bổ sung thật nhiều kiến thức. "Trung bình mỗi môn trong 4 môn thi chính để xét tuyển đại học, em làm khoảng 100 đề. Mỗi đề làm xong, em đều xem lại để biết mình sai ở đâu và quan trọng nhất là hiểu lý do sai để lần sau không mắc phải", thủ khoa kép chia sẻ.
Ở môn Toán, Vương Minh luôn luyện đề theo 2 nhóm câu hỏi: dễ và khó mà em đã phân loại từ trước. 3 câu khó để lấy điểm 8-10, thường rơi vào phần hình phẳng oxy, hệ phương trình - phương trình - bất phương trình và bất đẳng thức. Theo Minh, đây đều là những câu tư duy, cần ôn tập kỹ, làm thật nhiều để có sự nhạy cảm nhất định và tránh mất bình tĩnh. Chỉ khi hoàn thành tốt phần câu hỏi dễ, còn thời gian em mới chinh phục những câu phân loại cao này.
Ở môn Vật lý, thủ khoa khối A-B nhận thấy, khó nhất là các bài về dao động cơ, điện xoay chiều, những câu hỏi khiến học sinh bối rối thường là dạng chưa hề gặp, phải luyện tư duy. Với môn Hoá, Sinh việc nắm chắc lý thuyết phải đặt lên hàng đầu. Bởi đây đều là các môn thi trắc nghiệm nên theo Minh, việc luyện thật nhiều đề sẽ tạo cho học sinh một khung thời gian hợp lý, tránh thiếu thời gian và quá đâm vào những câu khó.
"Lượng kiến thức cần nhớ với 3 môn này rất lớn nên cần hạn chế học vẹt mà phải hiểu tận gốc vấn đề. Ngoài những dạng bài quen thuộc, bạn nên học thêm những dạng mới, làm những bài tập khó để nâng cao tư duy nếu muốn lấy điểm 9,5-10", Vương Minh khuyên nhủ.
Giai đoạn ôn tập thứ 2 bắt đầu từ tháng 6 (một tháng trước kỳ thi THPT quốc gia), Minh chú trọng nắm chắc lý thuyết. Em ôn bài theo từng phần và ôn tập ít nhất 3 lần mỗi nội dung. Theo thủ khoa khối A-B, việc ghi lý thuyết ra giấy là cách nhớ dễ dàng nhất. Với những công thức có thể chứng minh được, Vương Minh khuyên, không nên thuộc vẹt mà tự tìm ra điểm đặc biệt của vấn đề thì tự khắc công thức sẽ in trong trí nhớ. Ngoài ra, chế công thức thành bài có vần điệu cũng là cách giúp việc học dễ dàng hơn.
Ngoài học trên lớp, qua sách giáo khoa, nguồn học liệu mà thủ khoa khối A-B cảm thấy hiệu quả nhất trong ôn thi THPT quốc gia là mạng Internet. Khi gặp bất cứ vấn đề nào không tìm được lời giải trong sách giáo khoa, Minh sẽ đăng bài lên các diễn đàn, fan page hoặc nhóm học tập ở Facebook… để nhờ thầy cô và các bạn khác giỏi trả lời. Theo em, mạng Internet là nguồn đề vô tận và là cách giúp học sinh tiếp xúc với các giáo viên giỏi mà mình không có điều kiện học trực tiếp, được các thầy chỉ bảo và ra những đề thi sát nhất.
Để luyện tâm lý vững vàng khi bước vào phòng thi, cựu học sinh trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội cũng chủ động tham gia thi thử ở trung tâm, tự thi ở nhà.
Kỳ thi THPT quốc gia đang tới gần, thủ khoa kép khối A-B khuyên sĩ tử chuẩn bị kiến thức thật chu đáo, bình tĩnh trong phòng thi, không bỏ ra quá 10 phút để làm một câu hỏi, dễ làm trước, khó làm sau và rèn kỹ năng nháp, xử lý số liệu ngay tại đề, đặc biệt môn Toán phải rèn thử lại.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 sẽ diễn ra trong 4 ngày 1-4/7.
Có 8 môn thi gồm: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ. Các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi tự luận, thời gian làm bài mỗi môn 180 phút. Các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học thi trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút. Môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm với thời gian 90 phút.
Thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT đăng ký 4 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu), gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại. Những thí sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được phép chọn môn thi thay thế trong số môn tự chọn.
Thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng đăng ký dự thi 4 môn tối thiểu và đăng ký thêm các môn khác để xét tuyển sinh. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT, đăng ký dự thi để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng thì đăng ký các môn để xét tuyển sinh.