Phương pháp Giáo dục Montessori là một phương pháp sư phạm giá dục trẻ em dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm của bác sĩ, nhà giáo dục người Ý Maria Montessori – Người đã tạo ra cuộc cách mạng hóa trong việc nuôi dạy những đứa trẻ ở thế kỷ XX.
Bà được biết đến với những lời khuyên ngắn gọn nhưng đáng nhớ và vô cùng hữu ích dành cho các bậc cha mẹ. Đó là những điều rất căn bản, đơn giản nhưng lại là tiền đề cho một trí tuệ lớn khi nuôi dạy con.
Dưới đây là 19 lời khuyên mà chuyên gia giáo dục Maria Montessori đưa ra để giúp bố mẹ nuôi dạy những đứa trẻ thành công. Bà cũng khuyên rằng các bậc phụ huynh không chỉ nên "thuộc lòng" những nguyên tắc này mà còn cần áp dụng triệt để vào thực tế cuộc sống.
1. Trẻ em luôn học hỏi từ mọi điều xung quanh. Vì thế cho trẻ tiếp xúc với hiện thực cuộc sống nhiều nhất có thể để trẻ học hỏi được những kiến thức mới mẻ.
Và cũng đừng quên chọn lựa môi trường cho trẻ giao tiếp, hòa nhập vì chính môi trường là thứ vô tình ngấm dần vào tính cách của trẻ, hình thành thói quen khó có thể điều chỉnh về sau.
2. Thường xuyên phê phán trẻ sẽ không giúp trẻ tiến bộ mà chỉ khiến cho trẻ hình thành thói quen xấu. Bởi lẽ, nếu một đứa trẻ thường xuyên bị phê phán, nó sẽ học cách làm thế nào để lên án người khác.
Lớn lên, thay vì trở thành con người khoan dung, độ lượng, đứa trẻ hay bị bố mẹ phê phán sẽ dễ trở thành con người luôn chỉ trích người khác.
3. Nếu một đứa trẻ nhận thấy sự ghét bỏ, nó sẽ học cách "xù lông" chiến đấu lại tất cả. Vì vậy, đừng bao giờ nói những câu thể hiện sự thù hận, không hài lòng vì đã sinh ra và phải nuôi nấng con mình.
4. Nếu bạn thành thật với một đứa trẻ, nó sẽ biết được ý nghĩa của sự rõ ràng. Thế nên, không bao giờ nói dối trẻ dù là những điều không tổn hại đến ai.
Một lời hứa, một lần hẹn... bố mẹ cũng nên thực hiện đúng như những gì đã nói ra với trẻ. Đứa trẻ sẽ hiếm khi nói dối nếu như luôn được bố mẹ đối xử thành thật trong mọi chuyện.
5. Lời chế giễu người lớn cho là bông đùa cũng khiến trẻ tổn thương và hình thành tính cách tiêu cực đó là sự nhút nhát.
6. Tương tự như chế giễu, mức độ nguy hiểm hơn của những lời trêu chọc từ phía người lớn với trẻ đó là khiến trẻ hình thành tâm lý mắc tội.
Nếu một đứa trẻ liên tục bị trêu chọc dẫn đến xấu hổ, nó sẽ luôn cảm thấy tội lỗi. Vì vậy, bố mẹ nên thể hiện thái độ dứt khoát với những người hay có hành động trêu chọc con mình.
7. Một đứa trẻ luôn được ca ngợi, nó sẽ học cách đánh giá người khác. Nguy hiểm hơn, nó luôn tự coi mình hơn người khác.
8. Một đứa trẻ cảm thấy an toàn, nó sẽ học cách tin tưởng người khác. Không ai khác, chính bố mẹ là bến đỗ an toàn cho con trong mọi hoàn cảnh.
9. Một đứa trẻ được động viên thường xuyên sẽ có lòng tự trọng cao. Đây là nền tảng cần thiết để đứa trẻ tiến từng bước tiến thành công trong cuộc sống.
10. Một đứa trẻ được nhường nhịn, nó sẽ học cách kiên nhẫn. Nhiệm vụ của bố mẹ là dạy trẻ cách chia sẻ, nhường nhịn với bạn bè, anh chị em, người thân cũng như tất cả mọi người xung quanh.
Có như thế khi lớn lên, phải đối mặt với nhiều tình huống khó khăn khác nhau, trẻ sẽ biết cách kiên nhẫn chờ đợi và học cách vượt lên hoàn cảnh một cách từ từ.
11. Một đứa trẻ được sự ủng hộ, nó sẽ tự tin. Dù là những ý tưởng "điên rồ" hay một giấc mơ phi lý, sự ủng hộ của bố mẹ sẽ tiếp thêm sức mạnh cho trẻ tự tin đạt được những hoài bão lớn lao nhất.
12. Một đứa trẻ được sống trong bầu không khí yêu thương và cảm nhận được sự quan tâm của mọi người, nó sẽ biết làm thế nào để tìm thấy tình yêu. Đây là một trong những điều cực kỳ quan trọng để trẻ lớn lên trở thành người hạnh phúc.
13. Trẻ cư xử hay hành động sai trái, hãy thẳng thắn nói chuyện và góp ý cho trẻ biết. Nói xấu trẻ là bạn đang hủy hoại cố gắng và sự tự tin vươn tới con người hoàn thiện hơn ở trẻ.
14. Cách đẩy lùi mọi thói xấu cho trẻ phụ thuộc vào chính bố mẹ bởi khi tập trung nuôi dưỡng đứa trẻ cho thật tốt, sẽ không có thói quen xấu nào len vào chúng được.
15. Thờ ơ, thiếu tập trung khi trẻ nói là không tôn trọng trẻ. Vì vậy, bố mẹ luôn lắng nghe và trả lời mỗi câu hỏi hoặc yêu cầu của con khi chúng tiếp cận bạn.
16. Thay vì chỉ trích, hãy học cách tôn trọng con cả khi con làm điều gì đó sai trái. Điều này có thể giúp chúng nhận ra sai lầm và sửa lại cho đúng.
17. Giúp đỡ con để con lớn lên, vượt qua mọi trở ngại. Song khi con đã đủ lông đủ cánh, bố mẹ rất cần "thả" cho con bay nhảy để tự lập trong cuộc sống sau này.
18. Giúp một đứa trẻ biết kiểm soát mọi thứ sớm. Điều này có thể được làm nên khi cha mẹ luôn xây dựng bầu không khí gia đình tràn ngập tình yêu thương.
19. Không ngừng, không ngừng biểu dương con và luôn chỉ cho con biết những điều hay hơn, tốt hơn nữa để con học hỏi, phấn đấu.