Chẳng ai thích còn thừa thức ăn sau mỗi bữa nhưng vào những buổi sáng bận rộn, thức ăn còn thừa lại là vị cứu tinh. Chỉ cần bỏ vào lò vài phút thế là có ngay bữa sáng no nê. Tuy nhiên, có những thức ăn bạn nên vứt đi nếu như chưa ăn hết. Bởi nếu ăn thức ăn thừa này, chúng có thể sẽ chuyển hóa thành những chất độc hại, chất dinh dưỡng lại ít hơn nhiều so với khi tươi mới.
Cơm
Vấn đề với cơm thừa xảy ra ở khâu bảo quản. Theo Food Standards Agency, gạo có thể chứa các bào tử của vi khuẩn có hại mà vẫn có thể sống sót qua quá trình nấu. Nếu cơm không được trữ ở đúng nhiệt độ cần, các bào tử sẽ lan rộng và nhân lên, gây ra các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, nôn mửa khi ăn.
Hâm nóng cơm cũng chẳng giúp bạn tiêu diệt những bào tử đó bởi chúng vẫn có thể sống sót khi nấu ở nhiệt độ cao. Tốt nhất là ăn hết cơm sau khi nấu, và trong trường hợp còn thừa, nên bỏ vào tủ lạnh, tủ đông ngay lập tức. Không nên để ở nhiệt độ phòng lâu hơn một giờ bởi càng kéo dài thì càng để cơ hội cho những bào tử nguy hiểm lây lan.
Dầu thực vật
Hâm nóng thức ăn thừa làm từ dầu thực vật có thể khiến bạn gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, thậm chí là cả ung thư. Một nghiên cứu mới đã tìm thấy rằng nhiều lần hâm nóng các loại dầu không bão hòa đa có axit linoleic như dầu canola, dầu ngô, dầu đậu nành, dầu hướng dương có thể tiết ra một hợp chất độc hại sẽ không tốt cho sức khỏe. Chất độc hại đó là một axit béo còn được biết đến là 4-hydroxy-trans-2-nonenal (HNE). Rất nhiều nghiên cứu đã tìm thấy liên kết giữa việc dùng HNE với rất nhiều bệnh nguy hiểm như Parkinson, Alzheimer, bệnh Huntington, gan, ung thư.
Theo Jeannie Moloo - phát ngôn viên của Hiệp hội Dinh dưỡng Mỹ - hâm nóng dầu thực vật quá nhiều và liên tục hâm nóng chúng sẽ tiết ra HNE. Bà cho biết: "Nếu một người quan tâm để mức độ ảnh hưởng của HNE, tôi sẽ khuyên rằng không nên hâm nóng lại dầu. Và tốt nhất chỉ dùng dầu cho một lần nấu mà thôi".
Rau
Nhiều người cho rằng hâm lại sẽ khiến rau độc hại nhưng thực tế, đó lại nằm ở khâu bảo quản. Theo Trung tâm An toàn Thực phẩm, rau củ còn thừa nên cho vào nơi có nhiệt độ khoảng dưới 4 độ C hoặc thấp hơn. Nếu dự định trữ rau hơn 12 tiếng thì nên đông lạnh chúng.
Lí do là bởi các loại rau như xà lách, rau bina, cần tây và củ cải đường chứa lượng lớn nitrate. Ở nhiệt độ phòng, cộng thêm vi khuẩn xâm nhập, chúng sẽ chuyển hóa thành nitrit. Nitrit đã được chứng minh rằng có hại với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, có thể gây rối loạn máu gọi là methaemoglobinaemia. Triệu chứng của chứng bệnh này là đau đầu, khó thở, mệt mỏi và co giật.
Thịt gà
Thịt gà chứa một lượng lớn protein. Việc đun nóng lại sẽ khiến các protein này thay đổi và biến chất, gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Tốt nhất là bạn hãy để món gà nguội đến nhiệt độ phòng sau đó ăn tiếp nếu còn thừa.
Trứng
Trứng là một trong những loại thức ăn thừa không bao giờ được hâm nóng sau khi đã nấu chín. Trứng luộc, hấp và rán có lượng canxi, chất dinh dưỡng, vitamin và nhiều yếu tố dinh dưỡng khác nhưng khi tiếp tục bị tác động bởi nhiệt độ cao, lòng đỏ của trứng có thể biến thành chất gây hại cho cơ thể.
Khoai tây
Khoai tây thực sự là một loại thực phẩm lành mạnh khi luộc nguyên vỏ. Tuy nhiên, nếu bạn hâm lại khoai tây trong lò vi sóng, toàn bộ chất dinh dưỡng có ích sẽ biến mất, thay vào đó là sự xuất hiện các chất có hại cho cơ thể con người.